• Ngày 31-3.
    Bộ Chính trị nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào sào huyệt của kẻ địch đã chín muồi. Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu nhằm hoàn thành và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm.
    Nhiệm vụ của Quân đội ta lúc này là gấp rút tăng thêm lực lượng vào hướng tây Sài Gòn, thực hiện chia cắt và bao vây chiến lược, triệt hẳn đường số 4, áp sát Sài Gòn; đồng thời nhanh chóng tập trung lực lượng ở hướng đông, đông nam, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập toàn bộ Sài Gòn. tổ chức sẵn những đơn vị binh chủng hợp thành mạnh để khi thời cơ xuất hiện thì ngay lập tức đánh chiếm các mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm thành phố.
    Tư tưởng chỉ đạo: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng.
  • Ngày 8-4.
    Thành lập Bộ Chỉ huy giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Tư lệnh: Đại tướng Văn Tiến Dũng. Chính ủy: Phạm Hùng. Phó tư lênh: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn. Phó chính ủy: Trung tướng Lê Quang Hòa.
  • Từ ngày 9 đến 21-4.
    Chiến dịch Xuân Lộc. Quân Đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) và Sư đoàn 6 Quân khu7, một trung đoàn tăng thiết giáp, một trung đoàn pháo binh (cuối chiến dịch tăng cường Trung đoàn 95 Sư đoàn 325) và một đại đội xe tăng tiến công thị xã Xuân Lộc (Long Khánh) - khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của địch (Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa-Vũng Tàu). Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Khu ủy Khu 7 trực tiếp chỉ huy chỉ huy chiến dịch. Tư lệnh chiến dịch: Đồng chí Hoàng Cầm.
    Mở màn chiến dịch (ngày 9-4), ta đồng loạt đột phá Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh nhưng không thành công. Sáng ngày 10-4, ta tiếp tục đột phá Xuân Lộc, chiếm sân bay, đánh phủ đầu Lữ đoàn 1 vừa mới đổ quân xuống Tấn Phong, buộc địch phải điều tăng quân cho Xuân Lộc. Bộ chỉ huy chiến dịch phải thay đổi cách đánh, chuyển đội hình tiến công sang bao vây Xuân Lộc và đánh quân chi viện. Từ ngày 15 đến 17-4, ta tập kích địch ở ngã ba Dầu Giây, đánh lui các đợt phản kích của địch từ Biên Hòa đến. Bị thiệt hại nặng, đêm 20 rạng ngày 21-4, địch phải bỏ thị xã Xuân Lộc tháo chạy. Trong chiến dịch này, ta đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn dù 1, loại khỏi vòng chiến đấu Lữ đoàn 52 (Sư đoàn 18), đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 3 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, giải phóng Xuân lộc và toàn tỉnh Long Khánh, uy hiếp tuyến phòng thủ của địch ở Biên Hòa-Hố Nai, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng đông, đông nam.
  • Ngày 14-4.
    Bộ Chính trị điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn (điện số 37/ TK): "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh... Chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc chiến tranh. Đó là chiến dịch quyết chiến chiến lược lịch sử".
  • Từ ngày 14 đến 29-4.
    Giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 4-4, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân: "Nghiên cứu và chỉ đạo thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi nhất đánh chiếm các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng". Ngày 10-4, Bộ Tư lệnh Hai quân điều 3 tàu vận tải (thuộc Trung đoàn 125 hải quân) từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Ngày 11-4, lực lượng chiến đấu gồm Đội 4 thuộc Trung đoàn đặc công 126, một số đội đặc công của Quân khu 5 và tỉnh Khánh Hòa, do Trung tá Mai Năng chỉ huy tiến ra Trường Sa. Ngày 14-4, bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Từ ngày 25 đến 29-4, ta giải phóng các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Trường Sa lớn...
  • Ngày 16-4.
    Cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324) và Sư đoàn 3 Quân khu 5 giải phóng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết... đập tan tuyến phòng thủ từ xa của Quân đoàn 3 ngụy ở Phan Rang, chiếm sân bay Thành Sơn, bắt hai viên tướng ngụy là Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang. Quân đội ta có bước trưởng thành về nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự của địch bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng trong hành tiến.
    Việt Hưng
    (dẫn theo “60 năm QĐNDVN”)