Xe vào bến lậu ở số 1 – Vĩnh Viễn, quận 10 đón – trả khách, gây ách tắc giao thông.
**
**
** Bên trên quyết liệt**
Trước thực trạng “xe dù, bến cóc” trở thành vấn đề nóng trong phạm vi cả nước và được các báo, đài liên tục phản ánh, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương trọng điểm. Bến lậu số 1 - Vĩnh Viễn hoạt động như một bến xe lớn.
***Tổ chức nhiều quầy đặt chỗ cho khách lẻ đi xe hợp đồng tuyến Sài Gòn-Đà Lạt tại số 1 – Vĩnh Viễn, quận 10.
Tiếp đó, tháng 7 – 2016, sau khi nhiều doanh nghiệp vận tải ở TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội vận tải Hà Nội viết đơn kiến nghị về việc xử lý nghiêm “xe dù, bến cóc” nhằm lập lại môi trường kinh doanh vận tải hành khách lành mạnh, tránh tình trạng “xe dù” trốn các loại thuế, phí, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, đồng thời gây mất trật tự an toàn giao thông, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm.
Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương, trên cơ sở nhận rõ thực trạng nhức nhối của xe khách trá hình, xe dù, bến lậu ở thành phố lớn nhất đất nước, gây bức xúc dư luận suốt nhiều năm qua và đặc biệt là gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông, đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến cóc” trên địa bàn. Vừa qua, tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự giao thông 7 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo kiên quyết: “Yêu cầu anh Cường (Giám đốc Sở GTVT) tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm bến cóc, xe dù trên địa bàn thành phố... Nhất là bến xe trái phép ở Quận 10 mà công ty Giày Sài Gòn cho nhà xe Thành Bưởi thuê trái phép, phải dẹp ngay trong tháng 8, không lòng vòng gì nữa".
Như vậy, có thể nói, các cấp lãnh đạo cao nhất của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh đều thấu hiểu thực trạng vi phạm, những hệ lụy tiêu cực do “xe dù, bến cóc” gây ra và đã chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm dẹp bỏ tệ nạn nhức nhối này. Thế nhưng...
Bên dưới… tê liệt! Phiếu đặt chỗ và hóa đơn thanh toán cho khách lẻ của nhà xe Thành Bưởi.**
Trái với sự chỉ đạo quyết liệt của những đồng chí lãnh đạo cấp cao, một số cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc chưa tích cực. Thậm chí có những cơ quan, cán bộ thuộc Sở GTVT thành phố còn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của mình một cách hời hợt, đối phó, khiến dư luận cho rằng có biểu hiện “bảo kê” cho xe dù, bến lậu.
Dẫn chứng tiêu biểu nhất là việc xử lý “bến xe khách lậu” ở số 1 – Vĩnh Viễn, Quận 10. Đây là vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận và lãnh đạo thành phố đã quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm trong tháng 8-2016. Địa điểm này thuộc Công ty cổ phần Giày Sài Gòn cho nhà xe Thành Bưởi thuê để làm văn phòng, bãi đỗ xe. Thế nhưng, thực tế là nơi đây đã bị biến thành một bến xe lậu rất quy mô với đầy đủ quầy vé, phòng chờ, dịch vụ gửi đồ, khu làm việc, khu vệ sinh... và hàng trăm lượt xe chở khách gắn mác xe hợp đồng, xe trung chuyển nhưng chở khách theo tuyến cố định TP Hồ Chí Minh-Đà Lạt hoạt động suốt ngày đêm.
Trước sự tố cáo, kiến nghị của nhiều doanh nghiệp vận tải và phản ánh của cử tri, chất vấn của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về việc xử lý bến lậu này, Giám đốc Sở GTVT, ông Bùi Xuân Cường đã thừa nhận địa điểm kinh doanh ở số 1 - Vĩnh Viễn, quận 10 là bến lậu. Đồng thời, khi trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh đầu tháng 8 vừa qua, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường khẳng định sẽ kiên quyết dẹp “xe dù, bến cóc” và “trước mắt là dẹp bến xe khách lậu tại số 1 – Vĩnh Viễn (quận 10) ngay trong tháng 8-2016”. Thế nhưng đến nay đã cuối tháng 9 mà bến lậu này vẫn...ngang nhiên hoạt động!
Sau nhiều lần vào bến lậu số 1 – Vĩnh Viễn tìm hiểu và ghi nhận thực trạng phát phiếu thông tin xác nhận đặt chỗ của từng khách lẻ đi xe hợp đồng, đón và trả khách tại đây, chúng tôi đã nhập vai hành khách đi Đà Lạt. Được nhân viên nhà xe phát cho phiếu thông tin đặt chỗ, chúng tôi lên xe tại bến và khi xe đi ra ngoài thành phố thì phụ xe thu tiền của từng hành khách. Đây là sự vi phạm rõ ràng, vì theo quy định tại Nghị định 86, Nghị định 46 của Chính phủ và các Thông tư do Bộ GTVT ban hành thì không được đón, trả khách tại bãi đỗ xe; xe đăng ký vận tải khách theo hợp đồng chỉ được thực hiện mỗi chuyến một hợp đồng, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Việc nhà xe Thành Bưởi tổ chức cho khách lẻ đặt chỗ, thu tiền khách lẻ đi xe hợp đồng và sử dụng hàng chục xe hợp đồng thường xuyên đón, trả khách (cố định) tại số 1 – Vĩnh Viễn, chở khách đi Đà Lạt và ngược lại, thì rõ ràng là dùng xe hợp đồng để chạy tuyến cố định “trá hình”.
Đem những điều bất bình thường nêu trên tới gặp lãnh đạo Sở GTVT và lãnh đạo Thanh tra GTVT TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT “trần tình”: Điểm số 1 - Vĩnh Viễn hoạt động như một bến xe và có đón – trả khách, nhưng đây là địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp và theo quy định thì xe hợp đồng được đón – trả khách tại địa điểm ghi trong hợp đồng nên chúng tôi “bó tay” không xử lý được, vì khi kiểm tra hợp đồng thì thấy có ghi điểm đón – trả khách tại vị trí này. Việc tại đây có tổ chức đặt chỗ và đón khách lẻ đi xe hợp đồng như dư luận phản ánh thì TTGT cũng biết nhưng rất khó xử lý vì khi TTGT vào kiểm tra thì họ lại không vi phạm, mà theo quy định thì TTGT không có quyền mật phục nên không bắt được quả tang. Còn nếu nói chỗ này vi phạm vì không nằm trong quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe thì cũng khó vì đó cũng không phải bến xe và bãi đỗ xe mà chỉ là bãi đỗ xe nội bộ của doanh nghiệp...
Khi phóng viên hỏi “Đề nghị Sở GTVT cho biết địa điểm số 1 - Vĩnh Viễn có phải bến lậu không và có ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông như dư luận phản ánh và đơn thư tố cáo, cũng như sự thừa nhận của Giám đốc Sở GTVT không?” thì ông Lê Hoàng Minh từ chối không trả lời. Thế nhưng đến cuối buổi làm việc với chúng tôi, ông Minh lại khẳng định là bến xe này có sai phạm, nhưng khó xử lý vì họ...lách luật! Và điều ông Minh cho rằng nhà xe này đã “lách luật” nên không xử lý được là “theo quy định thì xe hợp đồng được đón – trả khách tại địa điểm ghi trong hợp đồng”. Không lẽ, theo lý sự này thì xe hợp đồng được đón, trả khách ở mọi nơi (kể cả chỗ bị cấm, nơi ảnh hưởng lớn đến trật tự an toàn giao thông, trong các “bến cóc” trái phép…), miễn là địa điểm đó được ghi trong hợp đồng?
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Khoa, Phó chủ tịch UBND Quận 10 là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành đối với bến xe lậu ở số 1 – Vĩnh Viễn, đã khẳng định: “Bãi xe quy mô lớn ở số 1 – Vĩnh Viễn là trái pháp luật và trái quy hoạch về bến xe, bãi đỗ xe của thành phố; không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc ở khu vực dân cư đông đúc, gây quá tải về phương tiện giao thông, mất trật tự an toàn giao thông. Vì vậy UBND quận 10 không tán thành hoạt động của bến xe này dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tại văn bản số 7040/UBND-KT ngày 8-8-2016 của UBND quận 10 cũng nêu rõ: Việc Công ty cổ phần Giày Sài Gòn cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê đất để làm địa điểm kinh doanh, bãi đỗ xe, đón trả khách là vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai và vi phạm về quy hoạch sử dụng đất; việc sửa chữa, cải tạo tại địa điểm này cũng không được phép; đồng thời hoạt động của bãi đỗ xe, đón trả khách tại đây đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư, gây mất trật tự lòng lề đường, an toàn giao thông trên địa bàn. UBND quận 10 yêu cầu Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn ngưng việc cho thuê mặt bằng sai quy định và Công ty TNHH Thành Bưởi tạm dừng ngay hoạt động kinh doanh tại địa điểm số 1 – Vĩnh Viễn.
Tuy nhiên, hiện nay bến xe lậu này vẫn đang hoạt động, không hề có dấu hiệu giảm về quy mô và tính chất vi phạm!
Vì sao lại khó xử lý?
**** Công văn của UBND Quận 10 khẳng định bến xe số 1 – Vĩnh Viễn là trái phép và yêu cầu phải ngừng hoạt động
**Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 14-9 vừa qua, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh có văn bản số 945/TTS-TMTH gửi Chánh Thanh tra Bộ GTVT xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ chuyên ngành để xử lý hành vi vi phạm “Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại số 1 – Vĩnh Viễn (cửa ra là số 419 đường Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10). Cùng với đó, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT cũng đã ký văn bản số 12299/SGTVT-VTĐB ngày 12-9-2016 gửi UBND TP Hồ Chí Minh để báo cáo, đề xuất giải quyết tình trạng “xe khách trá hình, bến xe khách lậu” trên địa bàn.
Sau khi nghiên cứu kỹ 2 văn bản này, Tiến sĩ Phạm Sanh là chuyên gia về giao thông vận tải đã trao đổi với chúng tôi: Việc Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xin ý kiến cấp trên về việc xử lý bến lậu tại số 1 – Vĩnh Viễn là nhằm đùn đẩy trách nhiệm, cố tình kéo dài thời gian xử lý vi phạm; đồng thời đổ lỗi cho sự chậm trễ xử lý bến lậu này theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND và cam kết của Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh (phải dẹp xong trong tháng 8-2016), là do còn phải xin ý kiến cấp trên!
Lý do mà Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nêu phải xin ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Bộ GTVT cũng thật vô lý, khi cho rằng “do nhận thức pháp luật chưa thống nhất trong nội bộ đơn vị và một số cơ quan”.
Và nội dung văn bản số 945/TTS-TMTH của Thanh tra Sở GTVT đã có sự mâu thuẫn, khi ở đoạn trước viết: Tại thời điểm lực lượng TTGT tiến hành kiểm tra đã ghi nhận trong khuôn viên (số 1- Vĩnh Viễn) có bố trí 4 quầy bán vé tuyến cố định TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ; 02 quầy tiếp nhận thông tin hành khách đi Đà Lạt (thực chất là xác nhận đặt chỗ - PV); nhà chờ có ghế ngồi cho khách; 01 quầy nhận ký gửi hàng hóa và các dịch vụ hành khách... Nhưng ngay đoạn sau lại khẳng định: “Từ kết quả khảo sát và kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nhận thấy điểm đỗ xe hoặc bãi đỗ xe ở số 1-Vĩnh Viễn, quận 10 là địa điểm kinh doanh theo chức năng của doanh nghiệp, chỉ phục vụ cho nhu cầu đỗ xe của nội bộ công ty Thành Bưởi, phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”.
Điều vô lý của lập luận nêu trên là chẳng có quy định nào cho phép các nhà xe được đón, trả khách tại bãi đỗ xe; và việc lập bãi đỗ xe phải phù hợp với quy hoạch và có giấy phép của Sở GTVT. Như tại Điều 56 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT đã quy định rõ: “Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách” (kể cả xe hợp đồng).
Trong khi đó, UBND quận 10 là đơn vị chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành đã khẳng định rõ hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe tại số 1 – Vĩnh Viễn là trái pháp luật, không nằm trong quy hoạch và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông (việc này không hề được Thanh tra Sở TTGT TP Hồ Chí Minh đề cập đến trong văn bản xin ý kiến cấp trên).
Về lý do nhận thức pháp luật trong nội bộ đơn vị (TTGT và Sở GTVT) chưa thống nhất thì lại càng khó chấp nhận, bởi một cơ quan chuyên ngành về GTVT cấp sở mà lại nhận thức về pháp luật chưa thống nhất? Không xử lý nổi một bến xe lậu rất quy mô, ở ngay gần trụ sở của Thanh tra Sở GTVT mà các vi phạm về không có giấy phép hoạt động bến bãi, trái quy hoạch, đón trả khách trái phép, xác nhận đặt chỗ cho xe hợp đồng trá hình chở khách theo tuyến cố định... diễn ra rất công khai, ai cũng có thể nhận ra và báo chí đã phản ánh rất nhiều, nhưng Thanh tra Sở GTVT nói là không có chứng cứ cụ thể để xử lý... thì quá lạ! Chẳng lẽ rất nhiều hình ảnh, video clip về những vi phạm tại “bến lậu” này mà các đài truyền hình đã quay và đăng tải lại không thể là cơ sở để xử lý? Chẳng lẽ việc nhà xe Thành Bưởi công khai đăng thông tin đặt chỗ (phiếu thông tin) cho xe hợp đồng chạy tuyến Sài Gòn-Đà Lạt ngay trên trang web của nhà xe này thì Thanh tra Sở GTVT cũng không biết? Và như vậy thì suốt nhiều năm qua, cả cơ quan và những cán bộ “nhận thức pháp luật chưa thống nhất” này đã làm việc với hiệu quả ra sao?
Một điều cũng rất bất thường nữa mà Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh lý giải phải xin ý kiến cấp trên là: “Lâu nay, việc TTGT đường bộ xử lý hành vi xây dựng bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan thẩm quyền là chưa từng xảy ra và chưa có tiền lệ”! Chẳng lẽ phải có tiền lệ thì mới xử lý được, còn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ tối thượng để xử lý thì không có giá trị khi chưa có tiền lệ? Và hóa ra cả nước chưa bao giờ xử lý được cái “bến cóc, bến lậu” nào để Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh lấy làm tiền lệ hay sao? Thảo nào tình trạng xe dù, bến lậu ở TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước và được báo chí phản ánh liên tục.
Cũng qua nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực vận tải hành khách, chúng tôi còn phát hiện ra một điều lạ lùng nữa là, tại Điểm a, Điều 14, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ đã quy định rõ về việc xử lý hành vi xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn buộc phải tháo dỡ công trình trái phép, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Chẳng lẽ Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh lại không thể vận dụng quy định này để xử lý bến lậu số 1-Vĩnh Viễn? Chẳng lẽ, Thanh tra Sở GTVT cho rằng địa điểm này không phải bãi đỗ xe, cũng không phải “bến lậu” và không có vi phạm gì như lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và chính Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường đã từng khẳng định và chỉ đạo phải xử lý dứt điểm?
Điều khiến các chuyên gia về GTVT phải đặt câu hỏi “khó hiểu” nữa là, tại văn bản số 12299/SGTVT-VTĐB ngày 12-9-2016 của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, do Phó giám đốc sở Lê Hoàng Minh ký, gửi UBND TP Hồ Chí Minh để báo cáo, đề xuất giải quyết tình trạng “xe khách trá hình, bến xe khách lậu” trên địa bàn, Sở GTVT chủ yếu chỉ nói đến việc xử lý xe khách trá hình, mà rất ít đề cập đến việc xử lý “bến lậu”, đặc biệt là không hề nhắc đến bến lậu ở số 1-Vĩnh Viễn, quận 10 mà Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải dẹp ngay trong tháng 8-2016 và Giám đốc Sở GTVT đã cam kết trước HĐND TP đúng như vậy (!). Văn bản này cũng đổ lỗi cho việc khó xử lý xe dù, bến lậu vì mức xử phạt quá nhẹ nên không đủ sức răn đe và đã trích dẫn khoản 3, Điều 23 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP để làm dẫn chứng rằng mức xử phạt đối với xe hợp đồng, xe du lịch vi phạm chở khách tuyến cố định “trá hình” chỉ bị xử phạt từ 600.000 đến 2.000.000 đồng. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì lại “quên” trích dẫn Điều 28 của chính Nghị định này và một số văn bản quy phạm pháp luật khác đã quy định rõ những hình thức xử phạt nặng hơn đối với những xe tái phạm và đơn vị vận tải (nhà xe) vi phạm, theo đó có thể thu hồi phù hiệu hoạt động đối với phương tiện và tước giấy phép kinh doanh đối với đơn vị vận tải.
Cũng tại văn bản số 12299/SGTVT-VTĐB, Sở GTVT còn “kêu khó” xử lý xe khách trá hình khi cho rằng hiện số xe hợp đồng quá lớn nên việc đưa các xe này vào các bến xe hoạt động đón trả khách rất khó khăn do năng lực tiếp nhận của các bến xe hạn chế. Lý do này mới nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng thực tế không phải xe hợp đồng nào cũng hoạt động trá hình, mà chỉ một số nhà xe thuộc dạng “ông lớn” mới tổ chức hoạt động bến lậu, xe trá hình như xe khách tuyến cố định. Nếu không kiên quyết xử lý những “ông lớn trá hình”, những bến lậu quy mô lớn này thì các nhà xe đang chạy tuyến cố định trong bến không thể cạnh tranh nổi và rồi sẽ phải bỏ bến ra để “chạy dù”, để lập bến lậu. Như thế, lĩnh vực vận tải hành khách đường bộ sẽ bị “vỡ trận” và “xe dù, bến lậu” sẽ mọc ở khắp nơi, không ai có thể quản lý nổi. Khi đó có lẽ nạn tắc đường ở TP Hồ Chí Minh sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Không những thế, trong văn bản số 12299/SGTVT-VTĐB của Sở GTVT còn đổ lỗi cho việc xử lý “xe dù, bến lậu” có trách nhiệm của UBND các cấp và Cảnh sát giao thông, cho rằng trong thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền chưa có sự phối hợp đồng bộ với nhau để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, Thanh tra giao thông và Sở GTVT là lực lượng chuyên ngành, chuyên trách nên phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và kiểm tra, xử lý “xe dù, bến lậu”. Trách nhiệm này đã được thể hiện rõ tại Điều 70 của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và nếu các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp tốt thì cũng là do vai trò chủ động đề xuất, kiến nghị của lực lượng chuyên trách giao thông chưa tốt, chưa tích cực.
Cũng trong văn bản báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh, Sở GTVT còn đổ lỗi cho Sở Kế hoạch-Đầu tư “dễ dãi” khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kiểm tra điều kiện hoạt động, nên sau khi cấp thì một số vị trí này lập tức trở thành “bến cóc”. Song như vậy là Sở GTVT cố tình “quên” trách nhiệm của mình, bởi theo quy định thì Sở Kế hoạch-Đầu tư chỉ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, còn Sở GTVT phải cấp Giấy phép kinh doanh vận tải (vì kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT).Hàng ngày xe hợp đồng trá hình vô tư đi qua trụ sở Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh (bên trái xe) để vào bến lậu số 1 – Vĩnh Viễn.
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao Sở GTVT TP Hồ Chí Minh và Thanh tra của sở (cơ quan lẽ ra phải nắm rất chắc các kiến thức chuyên ngành vận tải) mà lại “quên” những nội dung quan trọng như trên trong 2 văn bản báo cáo UBND thành phố và Chánh Thanh tra Bộ GTVT?
Có thể nói, việc Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh nêu lý do khó xử lý “xe dù, bến lậu” trên địa bàn nói chung và bến xe khách lậu tại số 1-Vĩnh Viễn, quận 10 nói riêng, mặc dù dư luận và báo chí liên tục phản ánh với những bằng chứng và cơ sở pháp lý rõ ràng; đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải kiến nghị, tố cáo và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo, đang khiến dư luận địa phương cùng các nhà xe làm ăn chân chính trong cả nước rất bất bình, bức xúc. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều chuyên gia về GTVT và đại diện các doanh nghiệp vận tải đều cho rằng, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, tránh những dư luận của nhân dân cho rằng có sự “bảo kê” cho xe dù, bến lậu, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an vào cuộc, tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của các nhà xe có dấu hiệu vi phạm, trước hết là nhà xe Thành Bưởi và bến lậu ở số 1-Vĩnh Viễn để xử lý dứt điểm những vi phạm (nếu có); làm rõ việc có sự dung túng, bao che cho xe dù, bến lậu như đơn thư phản ánh, tố cáo hay không và trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc để xe dù, bến lậu lộng hành. Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cần xem xét, xử lý nghiêm việc cho thuê đất trái phép để lập bãi đỗ xe, bến lậu ở số 1-Vĩnh Viễn, quận 10; đồng thời chỉ đạo Sở GTVT rà soát, tiến hành lắp đặt các biển cấm xe chở khách vào những tuyến đường nội đô ở khu trung tâm để chống bến lậu, không để “xe dù” vào khu vực trung tâm đón – trả khách, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng như hiện nay.
**Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về GTVT: Vấn nạn “xe dù, bến lậu” trên địa bàn cả nước nói chung và nhất là ở TP Hồ Chí Minh là quá rõ ràng, gây bức xúc dư luận suốt nhiều năm qua. Điều rất đáng buồn là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương và TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ đạo phải xử lý dứt điểm, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ” vì cơ quan chuyên trách là ngành GTVT không thực sự vào cuộc quyết liệt, thậm chí còn lấy lý do để bao biện, kêu khó xử lý dù thực tế các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoàn toàn có đủ cơ sở để xử phạt. Nếu không kiên quyết dẹp nạn “xe dù, bến lậu” thì hậu quả sẽ rất lớn bởi nhân dân mất lòng tin vào kỷ cương phép nước; trật tự vận tải trong cả nước sẽ bị phá vỡ nghiêm trọng và nhiều cán bộ sẽ hư hỏng vì “bảo kê” cho vi phạm; các doanh nghiệp, nhà xe chân chính sẽ hết đất sống…Vì vậy, lãnh đạo Bộ GTVT và TP Hồ Chí Minh cần phải tỉnh táo, xem xét xử lý công minh vụ việc này. **
**Phóng sự điều tra của TRUNG KIÊN, LÂM SƠN, XUÂN CƯỜNG **