Đầu đuôi câu chuyện là 10 quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, ngừng hợp tác trên không và trên biển với Qatar. Nguyên nhân của đòn đánh hội đồng này là do Doha tài trợ cho các phong trào: Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, Hamas ở Palestine và Hezbollah ở Libang vốn bị nhiều nước Trung Đông xem là khủng bố. Qatar cũng nhiều lần lên tiếng ủng hộ Iran - một kẻ thù truyền kiếp của Saudi Arabia.
“Giới chức Qatar đã vượt giới hạn đỏ. Họ theo đuổi chính sách trái ngược với quan điểm của chúng tôi, câu chuyện này đã kéo dài hàng thập kỷ. Nếu không thay đổi chính sách của mình, Qatar sẽ đối mặt với tình trạng bị cô lập hơn nữa”, Bộ trưởng Ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - al Kaabi hậm hực nói với báo giới.
Ngoại trưởng Qatar-al Thani đã bác bỏ các cáo buộc nhằm vào đất nước ông, đồng thời tuyên bố không một thế lực bên ngoài nào có thể can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. “Bất chấp mọi lệnh trừng phạt, chúng tôi vẫn có thể sống sót mãi mãi”, ông al Thani khẳng định.
Ngoại trưởng Qatar cứng được như vậy vì có cái nền khá chắc. Thổ Nhĩ Kỳ đã sốt sắng triển khai binh sĩ đến một căn cứ quân sự của họ ở Qatar. Iran thì lớn tiếng lên án các hành động của khối “NATO Arab” do Saudi Arabia dẫn đầu, đồng thời điều lực lượng đặc nhiệm của Vệ binh Cộng hòa sang Doha bảo vệ Quốc vương Qatar và một số cơ sở trọng yếu. Hai nước này còn cung cấp cho Qatar lương thực, nước uống cùng những nhu yếu phẩm mà Doha không thể nhập khẩu từ các nước Arab do cấm vận.
Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cho thấy khả năng giành chiến thắng chớp nhoáng của Saudi Arabia là điều không thể, nếu nước này muốn trừng phạt quân sự Qatar. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều là những cường quốc quân sự trong khu vực và đây là cơ hội không thể tốt hơn để hai ông lớn này tìm kiếm thêm đồng minh cũng như thể hiện vai trò thủ lĩnh của họ trong khu vực.
Vụ việc này là sự phân rẽ lớn nhất giữa các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, một lần nữa thể hiện tính phức tạp của các mối quan hệ dân tộc, tôn giáo vốn tồn tại đã hàng trăm năm nay. Nó cũng cho thấy tính lá mặt lá trái trong chính sách của nhiều nước trong khu vực-chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Do vậy, Nga, Đức, rồi cả Mỹ.. đã lên tiếng kêu gọi một giải pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Đăng Song