60 tấn thiết bị y tế và khẩu trang viện trợ nhân đạo trên máy bay vận tải quân sự của Nga hạ cánh xuống sân bay quốc tế JFK ở New York, Mỹ ngày 1-4.

Các quốc gia trên thế giới phần lớn đã nếm trải nỗi đau của chiến tranh, dù có là kẻ chiến thắng hay chiến bại. Hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc đã quá đủ để các nước phải ngồi lại bàn bạc, đặt ra một trật tự thế giới mới nhằm tránh chiến tranh. Vậy mà, thế giới chẳng thể ngờ được sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 lại làm đảo lộn trật tự đó. Và điều không muốn vẫn cứ xảy ra khi cuộc siêu thế chiến - chiến đấu với kẻ thù vô hình - đã ập tới.

Nói là siêu thế chiến bởi trong chỉ vài tháng mà đã khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp năm châu đã bị virus tấn công với những thiệt hại khủng khiếp cả về nhân mạng và kinh tế. Ban đầu, nhiều quốc gia, kể cả cường quốc số 1 thế giới là Mỹ, cũng đánh giá thấp ảnh hưởng của đại dịch bởi số người thiệt mạng không là gì so với cúm mùa hàng năm ở nước này.

Ấy nhưng những hậu quả nhãn tiền từ Trung Quốc, Italy, Pháp, Anh và ngay tại thành phố New York, trung tâm tài chính của thế giới, đã khiến cả những người lạc quan nhất cũng phải lo sợ. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia đã không ngại ngần dùng từ “chiến tranh” để mô tả các nỗ lực dập dịch của mình, trấn an người dân và huy động tất cả các nguồn lực quốc gia để chống dịch.

Đã là chiến tranh thì sẽ phải dùng mọi thủ đoạn, mọi nguồn lực vì một mục tiêu duy nhất là: Giành chiến thắng. Nhìn tổng thể, có thể hiểu đây là một cuộc siêu thế chiến giữa một bên là loài người và một bên là siêu virus – kẻ thù mà suốt mấy tháng qua cả nhân loại vẫn đang “vắt óc” mà chưa tìm ra được chiến thuật, chiến lược thực sự hiệu quả để tiêu diệt tận gốc. Nói cách khác, các loại vũ khí tân tiến, hiện đại nhất mà loài người đang có hiện nay chưa thể đánh bại được kẻ thù chung vô hình lúc này.

Trong gian khó, người ta thấy các quốc gia đang loay hoay với các chiến thuật, chiến lược riêng của mình. Có những chiến thuật kìm được bước tiến của “địch” nhưng có những nước đã và đang phải trả giá đắt cho sai lầm của mình. Luống cuống, đau đầu cũng đúng bởi chẳng ai có thể lường trước một kịch bản của một đại dịch toàn cầu trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng gắn kết.

Chẳng quốc gia nào tự tin mà khẳng định rằng sẽ không bị loại virus này tấn công. Virus không phân biệt thể chế chính trị, sắc tộc, tôn giáo, độ tuổi, giàu nghèo. Virus cũng không phân biệt biên giới, lãnh thổ và nguy hiểm hơn, con người lại bị biến thành vật thể lây nhiễm virus cho nhau.

Tuy vậy, siêu thế chiến không có nghĩa là thế giới đang phải đối mặt với ngày tận thế. Dù số người bị nhiễm virus và thiệt mạng do Covid-19 vẫn đang tăng cao nhưng con số đó chưa thấm vào đâu so riêng với Chiến tranh thế giới thứ nhất hay thứ hai. Trong khi chưa tìm ra vaccine để phòng ngừa và biệt dược để tiêu diệt tận gốc virus, các nước trên toàn thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo… cần tin tưởng và hợp tác chặt chẽ mới hy vọng sớm phất cao ngọn cờ chiến thắng.

Tin cậy nhau, nhất là giữa các nước lớn đang cạnh tranh gay gắt, lại đòi hỏi “xa xỉ” mà lúc này cần lắm một niềm tin. Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho dù ban đầu gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc” nhưng cũng đã đổi giọng sau khi cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình để tìm kiếm sự hợp tác chống dịch. Vậy nhưng, niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được củng cố bởi ông Trump vẫn “lăn tăn” về số liệu liên quan tới Covid-19 mà Trung Quốc nói là đã “minh bạch”.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chỉ là một trong rất nhiều ví dụ hiện nay việc thiếu sự tin tưởng chính trị giữa các quốc gia trong khi kẻ thù giấu mặt vẫn đang tiến quân ở mọi hướng trên bề mặt địa cầu. Trong khi đó, sự tin cậy về y tế, hàng hóa thiết yếu cũng bị lung lay. Trước đây, để nhập khẩu hàng hóa, các quốc gia đều có sẵn các quy chuẩn khắt khe cho từng loại hàng. Trong lúc bệnh dịch, nhất là khi các quốc gia phương Tây thay đổi chiến thuật khuyến khích người dân dùng khẩu trang trong khi thiếu cả khẩu trang y tế thì niềm tin vào chất lượng của sản phẩm này lại bị đặt câu hỏi. Hà Lan đã phải cho triệu hồi tới 600.000 khẩu trang y tế nhập từ Trung Quốc do không đạt tiêu chuẩn.

Thế nhưng, chiến tranh thay đổi mọi thứ và đã xảy ra những điều mà bình thường người lạc quan nhất nằm mơ cũng chẳng thấy: Trung Quốc và Nga cử nhân viên và hàng cứu trợ tới Italy để cùng chống dịch; Cuba hợp tác với Anh giải cứu một du thuyền mắc Covid-19 hay đặc biệt như việc Mỹ chấp nhận hỗ trợ của Nga với việc máy bay Nga chở đầy hàng cứu trợ hạ cánh trên đất Mỹ. Niềm tin vẫn còn đất để phát triển. Biết đâu đó, qua hoạn nạn Covid-19, mối quan hệ giữa các nước sẽ nồng ấm hơn khi đã có sự tin tưởng ở nhau!?

Hợp tác cũng là yếu tố hết sức quan trọng trong cuộc siêu thế chiến này. Không chỉ chia sẻ nguồn lực y tế với các nước thực sự cần, việc chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, mà phải là thông tin chính xác, minh bạch mới thực sự hiệu quả. Chính những thông tin này sẽ giúp các chuyên gia nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch và sớm thành công trong việc bào chế vaccine trị SARS-CoV-2.

Nói đến hợp tác, cũng cần phải nhắc đến hợp tác giữa từng cá nhân với cộng đồng và sự chấp hành của họ với các quy định của từng nước. Thực tế đã có những cá nhân không khai báo lịch sử y tế trung thực, giấu bệnh khiến dịch lây lan nhanh hơn và khiến giới chức lúng túng hơn trong xử lý. Uốn nắn những hành vi này một cách nghiêm khắc, hầu như tất cả các nước đều ban bố những quy định, luật lệ “mạnh tay”, để răn đe và xử lý, kể cả những đối tượng tung tin đồn thất thiệt trên mạng.

Sự hợp tác, sẻ chia cũng đã có như đã nói ở trên. Thế nhưng, trong khi tin tức về Covid-19 tràn ngập trên các bản tin thì đâu đó vẫn còn những thông tin như thêm dầu vào lửa. Những cuộc tấn công, xung đột vẫn xảy ra ở nhiều nơi cho dù đã có lời kêu gọi của nhiều tổ chức và chính phủ để tạm im tiếng súng, dồn lực chống Covid-19.

Đáng buồn hơn nữa, vẫn còn những tin một số nước triển khai các cuộc tập trận; tàu cá nước này đâm tàu khu trục nước khác; tàu quân sự nước này cố tình đâm tàu cá của ngư dân nước kia; tranh thủ Covid-19 để triển khai các khí tài, các phương tiện nghiên cứu khoa học ở những vị trí vốn đang chiếm đóng trái phép của nước khác. Những hành vi như vậy trong thời bình vốn đã bị cộng đồng quốc tế lên án thì giữa cuộc siêu thế chiến này càng đáng bị lên án hơn, vì đó là những hành động “cắn trộm” hèn hạ.

Siêu thế chiến chống siêu virus thì cũng cần có các siêu biện pháp mang tính đột phá toàn cầu. Hơn lúc nào hết, đây là lúc các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, dù có nhiều khác biệt, cần có các siêu biện pháp để gác lại những lợi ích riêng tư, cùng nhau tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, củng cố lòng tin để cùng chiến thắng đại dịch.

Ngọc Hưng