Sai lầm của bà May là mặc dù chiến dịch tranh cử gắn với việc Anh sắp ra khỏi EU, song bà lại chỉ yêu cầu cử tri tin tưởng phán quyết của bà về các vấn đề Brexit mà không tiết lộ bất cứ chi tiết nào. Việc bà lẩn tránh những câu hỏi khó xung quanh vấn đề Brexit và không nêu cách thức chính xác để tiến trình đàm phán thành công đã khiến hình ảnh bà là một ứng cử viên “mạnh mẽ và ổn định” không được củng cố, trái lại còn khiến cử tri hoang mang.
Thêm vào đó, việc nước Anh liên tiếp hứng các vụ tấn công khủng bố ở London và Manchester đã tạo cơ hội cho Công đảng xoáy sâu vào việc khi làm Bộ trưởng Nội vụ, bà May đã cắt giảm số lượng lớn cảnh sát, dẫn tới hậu quả là lực lượng an ninh bị suy giảm nguồn lực, không đảm trách được nhiệm vụ.
Do vậy, cử tri Anh từ chỗ ủng hộ dần cảm thấy thất vọng trước những tuyên bố và cách xử lý không nhất quán của bà May và họ thể hiện sự không hài lòng bằng chính lá phiếu của mình.
Kết quả, đảng Bảo thủ giành được 318 ghế, mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước, còn Công đảng giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với kỳ bầu cử trước. Dù dẫn đầu, song đảng Bảo thủ của bà May không giành được 326 ghế cần thiết để thành lập chính phủ đa số, do vậy, sẽ phải liên minh với một đảng khác - có thể là đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland, giành được 10 ghế, để thành lập chính phủ thiểu số.
Kết quả bầu cử làm uy tín và quyền lực của Thủ tướng May bị suy yếu trong nội bộ đảng Bảo thủ và tại Hạ viện, khiến cho tương lai nước Anh trở nên bấp bênh trong các cuộc đàm phán sắp tới về Brexit. Mọi chính sách cũng như nội dung đàm phán về Brexit đã được đảng Bảo thủ và bà May chuẩn bị sẽ phải xây dựng lại từ đầu, điều này chắc chắn sẽ kéo theo nhiều vấn đề phức tạp.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, với bản lĩnh của một chính trị gia lão luyện, nữ Thủ tướng xinh đẹp này sẽ tìm được cách thức vượt qua những khó khăn chồng chất để bước vào đàm phán với tâm thế đường hoàng và mang lại lợi ích tối đa cho nước Anh trong “cuộc chiến” với các đồng chí cũ trong EU.
Nguyên Phong