“Khoảnh khắc Trường Sa”, đó là tên gọi như một thuật ngữ của các phóng viên ảnh, quay phim. Trường Sa nắng và gió, cây và chim, mây và biển. Những bất chợt rung động không chỉ ở góc độ ống kính mà còn là tọa độ với tình yêu biển đảo. Đó chính là hiện thực sống động qua lăng kính tâm hồn của các nhà báo thành những khuôn hình, những thước phim nóng hổi cuộc sống của người lính đảo đến với bạn đọc ở đất liền và đến ngay với chính mình…
Có một trữ lượng Trường Sa, trầm tích Trường Sa từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng của những trái tim giàu nhiệt huyết, năng lượng của quá khứ trầm tích lịch sử oai hùng. Đến với Trường Sa là một cách truyền lửa, tiếp thêm và nhận thêm cộng hưởng. Đằng sau những bài báo tươi rói nét mực, ngổn ngang nhấp nhô như sóng đã phản ánh trung thực đời sống của Trường Sa, vẻ đẹp tâm hồn của Trường Sa là bóng dáng thấp thoáng của các nhà báo. Ngọn bút của họ là ngọn sóng!
Tôi biết khi đến với Trường Sa trong hành trang tác nghiệp của mình các nhà báo còn dành dụm mang theo những hạt giống rau chọn lọc để gieo mầm sống. Họ gieo rau như ươm chữ. Họ đã hóa thân thành người lính đảo. Cũng chiếc áo phao cứu sinh màu đỏ bọc lấy tấm áo chuyên dụng nhà báo, vật lộn với sóng gió biển khơi với những cơn say sóng mệt nhoài. Họ khát khao mong muốn được đặt chân lên Nhà giàn chao nghiêng đảo nổi, đảo chìm như những quả cân đang cân lên tình yêu tổ quốc đang đối trọng với bao thử thách khắc nghiệt.
Tôi biết các nhà báo đến với Trường Sa để cắt nghĩa thêm hai chữ với giá trị “Sinh Tồn” đế lắng thấm thêm giọng hót véo von của chim “Sơn Ca”. Hay sự uyển chuyển “Tiên Nữ” tên hòn đảo đá. Và bất chợt lại gặp đảo “Trái Thị” cây vườn ở nơi đây. Rồi một hình hài “Thuyền Chài” như hoa văn khắc trên trống đồng Hùng Vương. Một “Song Tử Tây” đọc tên lên đã nghe âm vang hùng hồn oanh liệt lại là tên hòn đảo có ngôi trường trẻ thơ dựng bên mép sóng. Bức tượng oai phong lẫm liệt của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo hiên ngang ra đây trấn giữ ở nơi này. Rồi công viên tuổi trẻ mang tên vị đại tướng huyền thoại đã đi vào sử sách. Các nhà báo đến với Trường Sa là đến với một điểm tựa tinh thần lớn lao. Ở đây họ được lọc mình không chỉ qua sóng gió thiên nhiên khắc nghiệp mà còn được lọc mình qua sự vững chãi thành trì của tình yêu Tổ quốc với Trường Sa. Những ngôi mộ gió được cát đắp bồi càng thao thiết biết bao như nhà thơ Trịnh Công Lộc đã thổn thức: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt”. Trường Sa không chỉ là đề tài, Trường Sa đã trở thành máu thịt. Rồi đến lúc chia tay tạm biệt Trường Sa, trong hành trang của các nhà báo có thêm con ốc gọi hồn trong gió, có cành san hô hoa đá - hoa của linh khí kết tụ biển khởi. Và thêm những chồi bàng non được ươm qua nắng gió Trường Sa mồ hôi của người lính đảo. “Không xa đâu Trường Sa ơi” vẫn gần bên ta, vẫn ở trong ta có một Trường Sa như thế...
Nguyễn Ngọc Phú