Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel tại Hội nghị các nhà lãnh đạo Trung Quốc - EU lần thứ 23 diễn ra trực tuyến, ngày 1-4-2022.

Báo tháng 4 - Vài tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Trung Quốc và Nga đã tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn”. Tới nay, Bắc Kinh vẫn ca tụng tình hữu nghị “vững như bàn thạch” với Moscow. Chính vì vậy, Liên minh Châu Âu (EU) đã không thành công trong việc ép Trung Quốc có hành động cứng rắn với Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ngược lại, Bắc Kinh đã có cơ hội “giảng bài” cho EU về quan hệ song phương, quan điểm cũng như cách hành xử của các bên tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến EU - Trung Quốc hôm 1-4 vừa qua.

Theo tường thuật về cuộc họp, EU gây áp lực với Trung Quốc khi kêu gọi Bắc Kinh phản ứng cứng rắn hơn với Moscow để góp phần chấm dứt các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine. EU cũng đánh tiếng cho rằng quan hệ thương mại song phương EU - Trung Quốc sẽ bị tổn hại nếu Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Nga. Đáp lại sức ép này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đưa ra những đảm bảo với EU rằng Trung Quốc sẽ thúc đẩy hòa bình theo “cách riêng của mình”, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông hy vọng EU sẽ đối xử với Trung Quốc “một cách độc lập”.

Như vậy, Trung Quốc đã khẳng định rõ lập trường của mình đối với vấn đề Nga-Ukraine rằng tự Bắc Kinh biết phải làm gì và sẽ làm theo cách của mình chứ không bị chi phối bởi các quốc gia khác, kể cả EU. Do đó, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ông Lý Khắc Cường và ông Tập Cận Bình, các yêu cầu của EU về việc Bắc Kinh không để cho Moscow né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đều không được đáp ứng dù rằng EU đã rất cởi mở và thẳng thắn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Charles Michel nói trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu - Ursula von der Leyen sau hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc: “Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Trung Quốc không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc Nga vi phạm luật pháp quốc tế. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm né tránh các lệnh trừng phạt hoặc cung cấp viện trợ cho Nga sẽ kéo dài cuộc chiến”.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine cũng như không gọi đó là cuộc xâm lược, và đã nhiều lần chỉ trích điều mà họ gọi là các biện pháp chế tài bất hợp pháp và đơn phương của phương Tây. Trong khi hơn 1/4 thương mại toàn cầu của Trung Quốc là với EU và Mỹ vào năm ngoái, so với chỉ 2,4% với Nga, mối quan tâm trong chiến lược của Trung Quốc không đơn thuần chỉ là kinh tế bởi nếu Nga suy yếu thì Mỹ sẽ rảnh tay hơn để tập trung cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc. Trong chính sách an ninh của mình, Mỹ coi Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên là những mối đe dọa từ nhiều năm qua. Và, dù có cuộc xung đột Nga-Ukraine hay không, Trung Quốc vẫn là đối thủ số 1 của Mỹ. Bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp ở Nga và Trung Quốc, cảnh báo: “Một khi chiến tranh Ukraine kết thúc, Mỹ sẽ ưu tiên chuyển hướng trọng tâm sang Trung Quốc nhưng không phải với cái nhìn thiện cảm. Do vậy, Bắc Kinh chỉ có lợi khi tiếp tục duy trì sự hợp tác với nước láng giềng Nga”.

Cũng theo cách riêng của mình, Trung Quốc đang xây dựng quan hệ năng lượng, thương mại và an ninh chặt chẽ hơn với Moscow và thể hiện mình là lực lượng toàn cầu có thể đứng lên chống lại Mỹ. Vậy nên, không có gì lạ khi tại cuộc họp thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Bắc Kinh một lần nữa cam kết không lách trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, nhưng mặt khác, lên án các trừng phạt “phản tác dụng”. Trong cuộc họp báo ngày 2-4, ông Vương Lỗ Đồng - quan chức phụ trách châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc không phải là một bên trong khủng hoảng Ukraine. Do vậy, quan hệ thương mại Trung-Nga không thể bị (các trừng phạt) nhắm tới”. Bắc Kinh cũng kêu gọi “đừng đánh giá quá cao vai trò của Trung Quốc” trong các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh tại Ukraine. Nói như vậy, Trung Quốc cho rằng nhiều quốc gia khác, trong đó có EU, phải có trách nhiệm tìm kiếm hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Vương Lỗ Đồng khẳng định: “Trung Quốc và EU đều tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và tất cả chúng ta đều ủng hộ một giải pháp ngoại giao, nhưng bóng không chỉ ở bên sân Trung Quốc”.

Trong khi không ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ và EU trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Trung Quốc có cách nhìn tổng thể và căn cơ hơn về cán cân an ninh châu Âu, gốc rễ của vấn đề và tìm kiếm một giải phải cho hòa bình chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa. Tại cuộc họp thượng đỉnh EU-Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ukraine là do những căng thẳng an ninh khu vực ở châu Âu đã hình thành trong nhiều năm qua. Một giải pháp cơ bản là phải đáp ứng các mối quan ngại an ninh hợp pháp của tất cả các bên có liên quan. Do đó, Trung Quốc ủng hộ châu Âu, đặc biệt là EU, đóng vai trò chính và hỗ trợ châu Âu, Nga, Mỹ và NATO tổ chức đối thoại để đối mặt với những căng thẳng đã hình thành trong nhiều năm và tìm ra các giải pháp cho một khuôn khổ an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững ở Châu Âu.

Dù gì, Nga cũng đã tấn công quân sự Ukraine và hơn 3.000 lệnh trừng phạt đã nhắm vào Nga. Tuy nhiên, các đòn trừng phạt kinh tế của phương Tây cũng bị Nga phản đòn bằng cách sử dụng dầu mỏ và khí đốt cũng như việc thanh toán bằng đồng ruble khiến nhiều quốc gia trong EU khốn đốn. Nếu một giải pháp hòa bình không sớm đạt được, việc trả đũa lẫn nhau của các bên sẽ tiếp tục khiến kinh tế toàn cầu chao đảo trong khi an ninh và địa chính trị của châu Âu bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và EU, với tư cách là hai thế lực lớn, nên tăng cường hợp tác thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, giữa Nga và Mỹ, Nga và NATO chứ không không phải bởi các lệnh cấm vận.

Quan hệ “vững như bàn thạch” giữa Trung Quốc và Nga lần đầu tiên được thử lửa ở một đấu trường lớn. Thượng đỉnh EU-Trung Quốc đã không giúp EU gây áp lực với Trung Quốc để chống Nga mà ngược lại nó đã trở thành dịp để Trung Quốc kêu gọi EU có trách nhiệm hơn trong việc chung tay tìm kiếm hòa bình cho khu vực.

Thanh Huyền