Kinh doanh cát theo hợp đồng thuê thầu

Năm 2008, UBND xã Nga Lĩnh đã cho gia đình ông Lê Văn Thơ, là thương binh hạng ¼ thuê bến bãi tại khu vực Bến Nghé, thôn Hội Kê để kinh doanh vật liệu xây dựng với tổng diện tích 2.369m2. Sau khi ký kết hợp đồng thuê thầu với giá trị là 1,5 triệu đồng/năm, ông Thơ đã vay vốn ngân hàng mua sắm các trang thiết bị như tàu vận chuyển, xe tải loại nhỏ, máy xúc… với tổng giá trị đầu tư hơn 2 tỷ đồng. Kinh doanh chưa đầy 1 năm, năm 2010, UBND huyện Nga Sơn thông báo cho gia đình ông Thơ phải tạm dừng việc kinh doanh lại vì chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Trước vấn đề trên, ông Thơ đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên UBND huyện Nga Sơn nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tiếp đến, ông Thơ cũng đệ trình lên các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xin gia hạn cho phép được kinh doanh trong một thời gian nữa, vì lý do số vốn đầu tư vào việc kinh doanh vẫn chưa đủ trả nợ cho ngân hàng và các cá nhân đã cho ông vay.

Tuy nhiên, vì bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng của ông Thơ vẫn chưa được cơ quan chức năng cho phép nên việc thực hiện ý kiến chỉ đạo giải tỏa bãi cát của ông Thơ được thể hiện tại Công văn số 3113/UBND-CN ngày 15-5-2012 của UBND tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu huyện Nga Sơn tập trung giải quyết dứt điểm bãi tập kết cát trái phép của gia đình ông Lê Văn Thơ.

Theo tìm hiều của PV, bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Thơ cách hành lang bảo vệ chân đê 35m, cách mép bờ sông vào 12m, cách chân cầu Báo Văn về phía nam 700m, đã được UBND xã Nga Lĩnh xem xét, khảo sát thực địa trước khi cho phép để mở bến bãi phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Như vậy, việc thương binh Lê Văn Thơ kinh doanh cát đã được chính quyền xã Nga Lĩnh cho phép theo hợp đồng thuê thầu bến bãi chứ không phải là ngang nhiên tập kết cát trái phép.

“Không giả điên để chống đối pháp luật”

Trước vấn đề trên, đã rất nhiều lần cơ quan chức năng huyện Nga Sơn mời ông Lê Văn Thơ làm việc, yêu cầu ông Thơ phải giải tỏa bãi tập kết cát tại phía nam chân cầu Báo Văn. Nhưng khi làm việc, ông Thơ đã phát bệnh động kinh khiến buổi làm việc phải tạm dừng. Trong khi đó, có nhiều thông tin cho rằng ông Thơ đã “giả điên, ăn vạ” nhằm trốn tránh các cơ quan chức năng yêu cầu ông giải tỏa bãi tập kết cát trái phép này.

Ông Thơ bức xúc: “Có thông tin cho rằng tôi giả điên để ăn vạ, điều này hoàn toàn không đúng. Tôi là thương binh, đã vào sinh ra tử cống hiến xương máu cho đất nước này. Thế mà giờ đây danh dự của tôi bị bôi nhọ cho là giả điên. Tôi bị chấn thương sọ não trong khi tham gia kháng chiến và giờ bệnh hay tái phát, người ta không biết lại bảo tôi giả điên, lên cơn động kinh để trốn tránh. Xét cho cùng tôi là thương binh loại đặc biệt, khi về quê cũng chỉ mong kinh doanh gì đó cho con cái ăn học thôi và đã được UBND xã Nga Lĩnh cho phép tôi mới làm. Tôi không giả điên để chống đối pháp luật”.

Tìm hiều thực hư câu chuyện này, chúng tôi được ông Thơ cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến vấn đề ông có bệnh động kinh là thật. Là thương binh hạng ¼, lại bị chấn thương sọ não trong kháng chiến nên ông Thơ thường xuất hiện những cơn đau thần kinh. Việc ông Thơ có “giả điên” trong các buổi làm việc hay không cần phải được các cơ quan chức năng xác minh rõ ràng, tránh để hình ảnh của người thương binh bị hiểu sang một khía cạnh khác.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Quyết, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho hay: “Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã ra các thông báo với hộ nhà ông Thơ, yêu cầu ông Thơ giải tỏa bãi tập kết cát này nhưng cho đến nay vẫn chưa giải tỏa xong. Hôm vừa rồi chúng tôi có mời ông Thơ lên để làm việc thì ông cũng phát bệnh động kinh phải đưa sang bệnh viện. Trường hợp này khó giải quyết. Tôi cũng đề nghị UBND tỉnh và xin hướng dẫn chỉ đạo tiếp đối với vụ việc này”.

“Tôi biết làm bãi tập kết cát mà không được UBND tỉnh cho phép là sai với quy định của pháp luật. Nhưng các ngành chức năng cũng cần phải giải thích rõ cho tôi biết vi phạm cụ thể thế nào. Tôi là thương binh, tàn nhưng không phế, vẫn mong được các cơ quan chức năng xem xét gia hạn cho tôi làm thêm một thời gian nữa để thu hồi vốn trả nợ, bao vốn liếng tôi đầu tư hết cả vào đấy rồi”. Ông Thơ tâm sự.

Việc kinh doanh vật liệu xây dựng của thương binh Lê Văn Thơ tại phía nam chân cầu Báo Văn là sai với quy định của pháp luật vì chưa được sự chấp thuận của UBND tỉnh Thanh Hóa. Nhưng xét cho cùng, khi bắt đầu kinh doanh, ông Thơ lại được UBND xã Nga Lĩnh cho phép; nên việc giải tỏa bãi tập kết cát của gia đình ông Lê Văn Thơ cũng cần phải được cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa xem xét một cách đạt lý thấu tình.

Lê Thanh