Dù dự án đã phá sản, tên doanh nghiệp đã thay đổi từ năm 2010, nhưng trong đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) giai đoạn 2013-2015 vẫn xuất hiện cái tên cũ của doanh nghiệp đã đổi tên?
Vinatex báo cáo gian dối Thủ tướng Chính phủ?
Ngày 8-2-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) giai đoạn 2013-2015, theo đó tại điểm b, khoản 4, mục II, điều 1, Quyết định số 320/QĐ-TTg quyết định: “Thoái 100% vốn của Công ty mẹ-Tập đoàn giai đoạn 2013-2015 tại Công ty CP công nghiệp Thiên Quan”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm năm 2010, Công ty CP công nghiệp Thiên Quan (Công ty Thiên Quan) cùng với Chi nhánh công ty ở Hưng Yên đã sáp nhập lại và đổi tên thành Công ty CP dầu khí An Thịnh (ATC). Chính từ việc đã đổi tên doanh nghiệp nhưng trong đề án tái cơ cấu của VINATEX, cái tên Công ty Thiên Quan vẫn “tồn tại” khiến cho nhiều người hoài nghi VINATEX có báo cáo gian dối Thủ tướng Chính phủ hay không? Cũng có luồng ý kiến cho rằng, đằng sau sự vụ này có khuất tất mờ ám?
Như Báo CCB Việt Nam đã đưa tin, dự án hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy “Tái chế chai nhựa PET phế thải thành xơ polyester” giữa VINATEX và Công ty Thiên Quan ký ngày 27-1-2005, có thỏa thuận: VINATEX sẽ sử dụng diện tích 19.100m2 đất cùng một phần nhà xưởng và các công trình phụ trợ trên đất tại Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối B làm vốn góp (tương đương 25% giá trị vốn góp dự án); phía Công ty Thiên Quan góp vốn bằng tài sản là dây chuyền công nghệ nhà máy, xây dựng nhà xưởng và vốn lưu động ban đầu để đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất kinh doanh (tương đương bằng 75% giá trị vốn góp dự án)...
Cũng theo thỏa thuận hợp đồng này, việc phân chia lợi nhuận từ dự án sau khi nhà máy đi vào hoạt động, tỷ lệ lãi chia theo tỉ lệ góp vốn.
Tuy nhiên, quá trình đầu tư xây dựng, Công ty Thiên Quan tự làm một mình, không thông báo, không phối hợp cùng VINATEX quyết toán vốn đầu tư dự án để xác định tỷ lệ vốn góp của VINATEX vào Công ty Thiên Quan như quy định của hợp đồng hợp tác đầu tư. Đến năm 2010, sau khi đổi tên thành ATC, lúc này ATC mới thuê kiểm toán để kiểm toán báo cáo tài chính, tiến hành lập quyết toán vốn đầu tư dự án và đề nghị VINATEX cùng quyết toán vốn đầu tư. Thời điểm này VINATEX xác định lỗ lũy kế của nhà máy quá lớn, nếu phê duyệt quyết toán, sẽ phải chịu phân bổ lỗ lũy kế lớn hơn cả giá trị tiền thuê đất mang đi hợp tác đầu tư. Do đó khi Nhà máy hoàn công, nhiều hạng mục không rõ ràng, quyết toán không được lập nên VINATEX khi đó không phê duyệt quyết toán…
Theo giới kinh doanh tài chính phân tích, nếu đặt ra giả thiết: Trường hợp Công ty Thiên Quan chính là ATC, thì VINATEX chưa phải là cổ đông của Thiên Quan và ATC, mà chỉ là một bên tham gia hợp đồng hợp tác đầu tư. Chính vì vậy khi chưa phải là cổ đông của Thiên Quan/ATC, liệu bằng cách nào VINATEX có thể xử lý dứt điểm trong năm 2015 được vấn đề thoái vốn như quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nêu trên?
Những dấu hiệu coi thường pháp luật ?
Theo qui định về quản lý kinh tế; quản lý, sử dụng đất đai thì dự án của VINATEX và Công ty Thiên Quan đã phá sản, về nguyên tắc hai bên phải thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư khi đối tượng của Hợp đồng hợp tác đầu tư không còn. Có nghĩa là Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng dự án nhà máy “Tái chế chai nhựa PET phế thải thành xơ Polyester” mà hai bên đã ký ngày 27-1-2005 phải được thanh lý. Đồng thời, VINATEX cũng phải tiến hành thu hồi diện tích đất là tài sản được Nhà nước giao cho Tập đoàn để sử dụng đúng mục đích, thực hiện đúng và đầy đủ quyền của chủ sử dụng đất theo qui định của pháp luật về Luật Đầu tư, Luật Đất đai cũng như các văn bản quy phạm khác liên quan.
Thêm nữa, khi dự án đã phá sản, dừng hoạt động 2 năm liên tục thì Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên phải biết và thực hiện thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của dự án theo qui định của Luật Đầu tư. Thế nhưng, từ khi Nhà máy tái chế chai PET để sản xuất sơ Polyester dừng hoạt động (tháng 6-2009) đến nay đã quá 5 năm, và từ khi ATC bị Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí (PVFC) “xiết nợ” phát mại tài sản (tháng 7-2011) tới nay hơn 3 năm không thấy được xử lý. Trong khi đó một kiểu biến tướng của dự án xuất hiện, bằng việc tháng 5-2012, ATC đã đứng ra ký “hợp đồng” cho Công ty CP Vĩnh Thành thuê lại diện tích, nhà xưởng ở dự án đã phá sản (thực chất đây là tài sản, vốn góp của VINATEX góp vào dự án -PV).
Cũng theo thỏa thuận hợp đồng thuê lại, Công ty CP Vĩnh Thành hằng tháng trả cho ATC 250 triệu đồng. Nếu làm phép tính đơn giản, số tiền ATC thu được đến này lên tới gần 8 tỷ đồng. Không biết số tiền này có được chia cho VINATEX hay không, nhưng đây là số tiền không nhỏ, rất cần được làm rõ? Điều khá khôi hài trong phi vụ hợp đồng cho thuê lại, phía ATC được giữ lại một gian phòng trong khu nhà máy đã cho Công ty Vĩnh Thành thuê, để chỉ làm mỗi việc tiếp các cơ quan quản lý tỉnh Hưng Yên. Và hằng tháng, Tổng giám đốc và kế toán ATC chỉ “ngồi chơi xơi nước” vẫn có thu nhập khủng lên tới hàng trăm triệu đồng?!
Ông Phạm Thái Sơn-Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên xác nhận với phóng viên,, đến thời điểm này Công ty Vĩnh Thành không thấy có đăng ký hoạt động trong khu công nghiệp Phố Nối B…
Rõ ràng, đã và đang có sự “bất bình thường” trong phi vụ ở dự án đã phá sản của VINATEX và ATC. Nếu các cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật không sớm vào cuộc điều tra làm rõ, thì nguy cơ sai phạm còn trượt dài, và không biết đến khi nào có điểm dừng!
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ việc này với những tình tiết mới khác.
Doanh Chính-Hoàng Thanh
BOX: Quá trình xác minh thông tin về dự án, cuối năm 2014, nhiều lần phóng viên Báo CCB Việt Nam liên lạc điện thoại, đến đặt lịch làm việc trực tiếp qua bộ phận Văn phòng của VINATEX và PVFC (nay là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam - PVcomBank), sau đó, phóng viên đều nhận được những lời hứa hẹn là sẽ báo cáo lãnh đạo để bố trí người có trách nhiệm làm việc, cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, đến nay có đơn vị hơn một tháng, có đơn vị hơn nửa tháng không thấy hồi âm!