Hơn 120 suất đất nói là cấp cho người nghèo nhưng chính quyền đã phù phép “ bán “ ( chuyển nhượng ) cho nhà giàu hưởng lợi. Hàng trăm hộ gia đình mất đất sản xuất, con em lâm vào cảnh bỏ làng ra đi tha phương cầu thực. Sự thật xót xa đó khiến các CCB của thôn 6 xã Thạch Hưng ( Thành phố Hà Tĩnh ) ký tên tập thể gửi đơn kiện đến các cấp lãnh đạo và báo CCB Việt Nam.

Lần theo dấu đơn

Ngày 8/5/2013, Chi hội Cựu chiến binh ở thôn Tiến Hưng gồm 81 hội viên đã có đơn tố cáo gửi đến báo CCB Việt Nam trình bày: “ Xã Thạch Hưng chúng tôi có một bộ máy lãnh đạo đứng đầu là ông Phan Văn Hội và ông Nguyễn Thanh Tịnh thay nhau làm Chủ tịch và Bí thư qua nhiều nhiệm kỳ. Hai cán bộ này lập luận chứng kinh tế làm dự án lừa dối Đảng viên và nhân dân ở thôn Kinh Đông và Kinh Tây, lợi dụng chức quyền và chính sách đổi mới của Đảng lấy đất của dân bán lấy tiền hoa hồng, làm dự án lấy tiền %. Đất sản xuất của dân đã có sổ đỏ, khi thu hồi không được đền bù. Lập luận chứng kinh tế đầu tư tiền xây 34 cái cống, dùng máy đào sâu 2-3m biến hơn 40 mẫu ruộng của dân đang trồng lúa 2 mùa thành đất hoang đã 7 năm nay. Lợi dụng chính sách quy hoạch lại ruộng đất, ruộng dân làm ổn định 18 năm nay đem chia lại. Những gia đình có con em đi Tây Nguyên làm ăn bị ép phải nộp 1.000m2 mới làm giấy tờ chuyển nhượng…”

Thôn Kinh Đông và Kinh Tây thuộc xã Thạch Hưng, huỵên Thạch Hà ( nay là Thành phố Hà Tĩnh ) nằm sát con sông Rào Cái bao đời bị nhiễm mặn, nhân dân đã tốn bao công sức để đắp đê ngăn mặn tạo ra một cánh đồng lúa 2 vụ nuôi sống hàng ngàn người dân. Năm 2003, UBND xã Thạch Hưng làm tờ trình xin chuyển đổi 20ha đất ruộng lúa và đất nông nghiệp làm hồ chứa nước trời. Năm 2005 tiếp tục xin chuyển đổi 20ha đất trồng lúa và đất nông nghiệp với nguồn vốn là 3,5 tỷ đồng, xây dựng vùng nuôi trồng thuỷ sản, gần 60 hộ gia đình bị thu hồi đất không được đền bù một khoản tiền nào.

Ông Nguyễn Chính Ty, một CCB bị mất ruộng bức xúc cho biết: Trước khi triển khai dự án, Đảng uỷ và Chính quyền xã đã về họp với dân 2 xóm Kinh Đông và Kinh Tây nhưng đều bị dân phản ứng. Lãnh đạo xã tiến hành nhiều cuộc họp Chi bộ và các đoàn thể, đồng thời đưa ra viễn cảnh: Dự án này chỉ quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, làm hệ thống kênh mương bơm nước vào. Ruộng của dân được cơ cấu loại giống mới có năng suất cao. Tổ chức sản xuất theo công nghệ hiện đại, vừa trồng lúa vừa nuôi cá và tôm càng xanh. Mỗi năm sản lượng thóc 2 vụ, mối ha đạt trên 5 tấn, dân còn thu hoạch khoảng 35 tấn thuỷ sản, mở ra một hướng sản xuất mới đầy hứa hẹn. Đời sống nhân dân sẽ có bước đổi đời, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Sự thật xót xa

Mặc cho người dân phản ứng, dự án vẫn được triển khai. Cả khu vực Cồn Cọ - Đập Ao được đào đắp hình thành 7 khu ao lớn, trung bình mỗi ao khoảng 3ha. Nền đất bị đào bới có chổ sâu hơn 2- 3m, biến một vùng đồng lúa nước ngọt thành vùng ao hồ nước mặn bỏ hoang. Vùng dân bị mất ruộng có 180 hộ với 800 nhân khẩu, trong đó có 81 gia đình là hội viên CCB. Từ ngày 40ha đất lúa thành ao hoang đã có 60 lao động trẻ phải bỏ quê sang làm thuê bên Thái Lan; hơn 50 lao động phải chạy vào các tỉnh phía Nam; nhiều nam, nữ trung niên không còn ruộng đất cày cấy phải lên thành phố và các huyện lân cận làm nghề thợ xây, phụ hồ, bốc vác và bán hàng rong. CCB Trần Xuân Hưng khi trở về địa phương hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ và thôn trưởng, nay đã nghỉ việc, nhà mất ruộng đất không còn phương tiện làm ăn. Cả 5 đứa con đẻ và con dâu phải phiêu bạt sang Thái Lan đi làm thuê. Gia đình CCB Nguyễn Chính Ty bị mất khá nhiều ruộng, khi người con lớn vào miền Nam lập nghiệp, UBND xã còn bắt ép gia đình này phải giao lại 1.000m2 đất mới cho giấy chuyển hộ khẩu, khiến sự bức xúc càng tăng thêm. Có lần Chủ tịch xã về họp với dân, CCB Ty đã thẳng thắn chất vấn: “ Tôi hỏi ông Chủ tịch, có cán bộ nào trong xã 7 năm nay không nhận lương mà sống nổi không? Vậy mà dân chúng tôi 7 năm nay bị các ông lấy ruộng không có nguồn thu lấy gì mà sống…”. Ông Nguyễn Văn Vân, một thương binh tỷ lệ thương tật 51% bị lấy mất 3 sào ruộng không được đền bù, không còn đât sản xuất buộc 4 đứa con rể và 1đứa con dâu phiêu bạt vào Nam và sang Thái Lan kiếm kế sinh nhai.

Trước đó, năm 2004 biết được chủ trương xã Thạch Hưng sắp sát nhập vào Thành phố Hà Tĩnh, UBND xã lập tờ trình gửi UBND huyện Thạch Hà cho “ bán “ 76 suất đất trước khi bàn giao về Thành phố. Kế hoạch được triển khai, mỗi suất được định giá 20.500.000 đồng, hầu hết cán bộ mỗi người chiếm dụng một suất chỉ nộp một số tiền tượng trưng rồi đem ra bán. Năm 2010 khi địa bàn này đã trực thuộc Thành phố, UBND xã lập tờ trình xin chuyển đổi 45 suất đất ở trên diện tích 2 vụ lúa thuộc đội 6 và đội 7 cấp cho các hộ nghèo làm nhà. Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND Thành phố, lãnh đạo xã Thạch Hưng “ ngầm “ cho cán bộ đi từng hộ nghèo nhờ ký vào đơn xin đất mỗi suất là 60 triệu đồng. Những hộ nghèo không đủ khả năng để mua và không hiểu được quyền lợi của mình, họ bị lợi dụng, được cán bộ biếu cho một khoản tiền rồi họ đứng tên cho cán bộ làm thủ tục lấy đất bán hưởng lợi. Hiện tại 120 suất đất chuyển và bán cho người nghèo nói trên hầu như vào tay nhà giàu và cán bộ. Mỗi suất 200m2 được rao bán với giá 500 triệu đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Gặp gỡ, trao đổi và trò chuyện với các CCB ký đơn khiếu kiện, ai cũng bày tỏ nỗi bức xúc với chính quyền xã Thạch Hưng. Hơn 6 năm được nhập vào Thành phố, từ một miền quê yên bình, những tưởng người dân sẽ thoát được cảnh chân lấm tay bùn. Nào ngờ, khi diện tích trồng lúa bình quân mối nhân khẩu trên 2 sào thì nay chỉ còn lại 300m2. Hàng tỷ đồng của nhà nước đổ vào đây để biến 20 ha đất trồng lúa thành ao hồ bỏ hoang…Đã 7 năm nay người dân thất thu, xót xa nhìn cánh đồng mà chính mình đã đổ bao công sức quai đê, lấn biển, ngăn mặn giờ không còn khả năng cải tạo, con cháu đành ngậm ngùi bỏ quê ra đi, từ những người làm chủ ruộng đồng giờ trở thành những kẻ đi làm thuê, sống tha phương cầu thực.

Ai đã đẩy người dân Thạch Hưng, trong đó có gia đình các CCB vào hoàn cảnh này? Rất mong được các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra kết luận để làm sáng tỏ vấn đề, đem lại niềm tin cho người dân và CCB xã Thạch Hưng.

Y Thanh - Đức Đạo