Cụ thể, mức lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm phải đóng được đề xuất là gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội hoặc 2 lần lãi suất liên ngân hàng.

Hiện tại, lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội phải trả thấp nên ngày càng nhiều doanh nghiệp chậm, nợ bảo hiểm xã hội để lấy vốn kinh doanh, khiến người lao động không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ. Vì vậy, việc tăng mức lãi suất sẽ khiến các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc quy định về thời hạn đóng bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, không chỉ tăng mức lãi suất, dự thảo luật sẽ bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, không khống chế tuổi trần tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bổ sung quyền của người lao động được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thai sản, sửa đổi quy định mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày cho một lần điều trị, quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu tương đồng với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Sau 6 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, các chuyên gia cho rằng nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Mọi người lao động đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội với những hình thức bắt buộc và tự nguyện. Các chế độ bảo hiểm xã hội được thiết kế phù hợp hơn, bảo đảm tốt hơn nguyên tắc đóng - hưởng; việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội được bảo đảm đầy đủ...

Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội khi triển khai cũng xuất hiện nhiều hạn chế cần được khắc phục như: Chưa quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn khá phổ biến. Một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội bộc lộ nhiều bất cập; quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội chưa dễ dàng, thuận tiện...

Theo Vietnam+