CCB - thương binh Hoàng Thi, cho biết: Thực ra vừa rồi việc con gái liệt sĩ Nguyễn Thanh Xuân (chị Nguyễn Thị Lý - PV) bị hành hung khi ra đuổi tàu hút cát khiến dân chúng tôi rất bức xúc. CCB chúng tôi muốn lên tiếng bảo vệ dân nhưng chính quyền lại không làm hết trách nhiệm nên sự việc mới như vậy. Đồng đội hy sinh, gửi gắm con cái tàn tật lại. Vậy mà, cát tặc hành hung cháu nó như thế. Mỗi khi nghĩ đến, tôi cảm thấy có lỗi với vong linh của ông ấy. Bức xúc thì rất lớn, chúng tôi không chịu đâu. Vì giữ đất giữ cát của làng cháu Lý mới bị đánh như vậy.
Theo CCB Hoàng Thi, tàu hút cát đến chúc thẳng vào bờ sông nơi mà mọi người đang tăng gia sản xuất? Luật pháp quy định quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân. Chứ làm sao có chuyện đuổi chúng nó mà lại bị hành hung trắng trợn như thế được.
“Tôi không hiểu thế lực nào đứng sau mà chúng nó làm như vậy, dám đến đây bắt người, đánh người. Thế mà chính quyền lại làm ngơ. Nhìn cái cảnh trời nắng nóng như thế này bà con ngủ ngoài bờ sông trông coi đất, trông giữ 2 chiếc tàu hút cát bị dân bắt mà tôi rơi nước mắt. Nhưng tôi không biết làm sao được, không hiểu chính quyền rồi công an giải quyết sự việc đến đâu mà việc mất đất của người dân vẫn tiếp tục diễn ra” - ông Thi đặt câu hỏi?
Việc hút cát, đánh người rõ như ban ngày nhưng tại sao các vị không giải quyết theo pháp luật? Chính quyền sở tại như gà mắc tóc, chẳng qua các vị không công minh. Kẻ đánh người vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? Chúng nó đánh một người bình thường đã là có tội, đằng này lại hành hung một người tàn tật mất 81% sức khỏe... (Chị Lý con liệt sĩ Xuân bị rối loạn nhịp tim, bị ảnh hưởng chất độc màu da cam - PV) - ông Thi cho biết tiếp.
Theo ông Thi thì Sở TNMT tỉnh Hưng Yên đã có kết luận hàng loạt sai phạm của Công ty Sông Hồng. Vậy mà bây giờ họ vẫn cãi. Họ nói Công ty Sông Hồng đúng còn dân sai! Người dân cũng chỉ biết kêu thôi. Vừa rồi, quá bức xúc chuyện đánh người, rồi hằng ngày khoảng 15 đến 20 tàu chúc vào đất bồi hút cát xâm phạm vào đất tăng gia của dân nên dân đã kéo ra bắt giữ hai tầu hút cát để làm rõ…
Ông Thi cũng cho rằng, quy định chỉ cho phép Công ty Sông Hồng hút cát ở lòng sông, cách bờ khi cạn 100m. Bây giờ họ hút cho lở rồi thì chỗ nào cũng là bờ sông. Công ty Sông Hồng hút vào đến gần hàng trăm mét đất bồi, sát cả vào đất bà con được giao, có bìa đỏ (đất giao theo nghị 64 - PV). Hút như thế khiến diện tích đất canh tác của bà con ngày càng thu hẹp hàng trăm mét đất (chiều dài) mà bây giờ nhà nào nhiều lắm còn hơn 10m thôi. Tàu hút cát suốt ngày đêm như thế, tôi không hiểu sức mạnh cấu kết, chống lưng đằng sau như thế nào mà chính quyền im lặng?
Điều người dân thôn Ninh Tập mong muốn là chính quyền hiểu được việc dân giữ tàu là vì quá bức xúc. Cách giải quyết thì rất dễ, chỉ cần có ba mặt một lời, tức là việc giải quyết phải có cả bên người của tàu hút cát, nhưng đằng này, khi chính quyền mời dân ra giải quyết chỉ có hai bên - dân và chính quyền, không có bên thứ ba là chủ tàu hút cát. Vậy thế thì giải quyết làm sao, đối chất làm sao - ông Thi chỉ rõ.
Theo ông Thi thì chỉ cần chính quyền xã đứng ra chịu trách nhiệm và lập biên bản xác nhận tàu hút cát... người dân sẵn sàng giao trả tàu. Nhưng tại sao lãnh đạo xã không dám chịu trách nhiệm việc đó? Mà cứ đùn đẩy kiểu "không đủ thẩm quyền"...
Chúng tôi mong báo chí thêm tiếng nói, bảo vệ lẽ phải. Bờ sông của chúng tôi đẹp như thế. Bây giờ biến mất rồi. Ngày xưa bờ thoai thoải bãi bồi nhưng giờ mà ngã xuống bờ sông là chết đuối... Rồi không biết mùa nước tháng 7 năm nay sẽ thế nào? Dân chỉ mong Công ty Sông Hồng không hút cát nữa. Sai phạm của hoạt động khai thác cát đã rõ ràng, chúng tôi mong các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên sớm vào cuộc làm rõ để trả lại cuộc sống bình yên cho người dân Đại Tập - ông Thi nói!
Chính Nhi (lược ghi)