Rạng sáng 14-4, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đã thực hiện cuộc tấn công quân sự vào Syria nhằm đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Bộ Quốc phòng Nga cho biết: Syria đã chặn được ít nhất 71 trong tổng số 105 tên lửa của Mỹ và đồng minh bằng các hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô. Đây được cho là minh chứng cho thấy năng lực tác chiến của lực lượng phòng không Syria được cải thiện đáng kể. Cũng chính vì thế mà người dân Syria tỏ ra rất bình tĩnh trước vụ công kích của phương Tây; mọi sinh hoạt ở Thủ đô Damascus vẫn diễn ra bình thường.Mỹ và đồng minh dường như rất thận trọng khi chọn mục tiêu tấn công ở Syria để tránh nguy cơ tạo xung đột trực tiếp với Nga. Ba mục tiêu bị liên quân công kích đều là những cơ sở được cho là liên quan tới vũ khí hóa học; quy mô, mức độ cuộc tấn công cũng không đủ làm thay đổi thế cân bằng chiến lược trong nội chiến Syria - rõ ràng nghiêng về phía Quân đội chính phủ của Tổng thống Assad, vốn được Nga ủng hộ. Đây là lý do Nga hoặc Iran không tung ra biện pháp đáp trả, giúp thế giới và khu vực tránh được một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa các cường quốc hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, việc Mỹ, Anh, Pháp tiến hành cuộc công kích kéo dài 45 phút vào Syria ngay sau khi Nga bị cáo buộc là thủ phạm trong vụ hạ độc cựu điệp viên hai mang Skripal - dẫn đến việc các nước phương Tây đồng loạt trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga, dường như trước hết chỉ để thế giới thấy rằng hành động của 3 ông lớn này là “rất logic”, rất “nhất quán” trong vấn đề vũ khí hóa học, đồng thời phô trương “sự đoàn kết” của phương Tây. Đối với Tổng thống Mỹ - Donald Trump, dường như ông hy vọng cuộc tấn công vào Syria có thể giúp tăng cường vị thế của ông cả ở trong và ngoài nước. Ông muốn thế giới thấy sự kiên quyết của mình trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới; rằng ông sẵn sàng dùng tới vũ lực khi ngoại giao thất bại. Ông Trump cũng hy vọng, tấn công quân sự Syria có thể giúp lái dư luận Mỹ khỏi cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy vậy, dù thế nào, vụ tấn công của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria với lý do đáp trả việc chính quyền Damacus được cho là sử dụng vũ khí hóa học chống dân thường, là hành động thách thức quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng quốc tế. Cái cớ mà 3 nước này bao biện cho hành động của họ chỉ là sự ngụy biện bởi cho tới nay, vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma (vốn là thành trì của phe đối lập Syria ở Đông Ghouta) 1 tuần trước đó vẫn chưa được xác minh. Thậm chí các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được cử tới làm rõ vụ việc còn chưa đặt chân tới Douma.
Hành động trút bom đạn xuống một đất nước vừa trải qua giai đoạn dài xung đột, vừa mới le lói hy vọng hưởng hòa bình sau khi lực lượng khủng bố gần như bị quét sạch và bước vào giai đoạn đàm phán chính trị để ổn định, là vô đạo đức và không thể biện minh. Nhiều người lo ngại, đây là một diễn biến rất nguy hiểm, đe dọa đến an ninh và ổn định trong khu vực bởi nó sẽ góp phần giúp các phần tử khủng bố - vốn đã bị đẩy lùi khỏi Iraq và phần lớn lãnh thổ Syria, quay về hoạt động trở lại.
Mặt khác, Hiến chương LHQ quy định quân đội nước ngoài chỉ được phép can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với 3 lý do cụ thể, đó là tự vệ hợp pháp, theo yêu cầu của quốc gia mà sẽ xảy ra, hoặc trong trường hợp được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ. Ở Syria, không thể đưa ra lý do chính đáng nào để biện minh cho hành động can thiệp quân sự của mình, rõ ràng Mỹ, Anh, Pháp đang phớt lờ luật pháp quốc tế. Cần phải nói thêm rằng đây không phải lần đầu tiên Mỹ và đồng minh “bỏ qua” Hội đồng Bảo an LHQ khi mở chiến dịch tấn công một quốc gia có chủ quyền, như chiến dịch không kích Nam Tư của NATO tháng 3-1999, hay cuộc tấn công Iraq năm 2003 do Mỹ và Anh phát động.
Mỹ, Anh, Pháp đều là những quốc gia thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - cơ quan có chức năng hàng đầu là duy trì hòa bình cho thế giới. Nhưng thay vì phải mẫu mực thực hiện chức năng này, họ lại vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế qua việc đơn phương tấn công quân sự một quốc gia có chủ quyền - thành viên LHQ, mà không có sự cho phép của Hội đồng Bảo an. Đây chính là điều cộng đồng quốc tế lo ngại nhất.
Đăng Song