Cái sự “ở” mới thật thiêng liêng và quí giá làm sao! Ở với nhau sao cho có nghĩa, có tình, cái tình trên cái nền đạo đức thủy chung không phải dễ. Sự trở về nguồn cội trong dịp tết còn là dịp để bộc lộ tâm tình, giải tỏa tình cảm, sự ước muốn và giãi bày. Không chỉ đối với tổ tiến, vong linh người đã khuất mà còn đối với cả người thân thiện hữu.
Trong cuộc sống thường nhật người ta có thể có những va chạm với nhau về đối nhân xử thế, mang tiếng “không phải” với nhau, đôi khi nó cứ nương náu, lẩn khuất trong lòng không thể nói ra hoặc đôi khi không muốn nói ra, thậm chí bằng mặt mà không bằng lòng. Do đức vị tha, gặp nhau ngày tết họ có thể “cho quà” tất cả vì mong có sự khởi đầu của một trang mới tốt đẹp hơn.
Ở cạnh nhà tôi, năm ngoái có một trường hợp: Hai gia đình nợ thường xuyên nghi kỵ xích mích với nhau nhưng do có tình cảm ngày tết thôi thúc lại được những người tốt trong xóm chân tình tới hòa giải, cảm thông, họ đã chủ động tới gặp nhau chúc mừng năm mới và “cho qua” luôn chuyện cũ.
Sinh ra cái tết cũng là cái thước đo của dân trí và chiều sâu tâm hồn của mỗi người, mỗi gia đình. Cành đào, cành mai, mâm ngũ quả, chậu hoa, cây cảnh, tranh ảnh, câu đối trình bày đẹp, hài hòa, đúng vị trí cạnh bàn thờ tổ tiên. Một cuộc sum họp gia đình trong đêm giao thừa để cùng nhau điểm lại những việc lớn đã làm được trong năm qua và hướng phấn đấu làm ăn trong năm tới cũng làm một nét đẹp văn hóa ngày tết rất đáng làm.
Tết đến, từ muôn mặt đời thường sẽ luôn nở những nụ cười đẹp nhất trong năm, trẻ em và cụ già đều sung sướng như nhau trong những bộ quần áo mới nhất. Mọi người quây quần thức đêm chờ đợi quanh nối bánh chưng đậm đà bản sắc, chuẩn bị đón nhận món quà của tạo hóa ban cho thêm một tuổi mới.
Ngày tết, mọi hủ tục lạc hậu, không phù hợp với hành cảnh mới, thiếu văn hóa đều bị từ chối, bãi bỏ hoặc phê phán, chẳng hạn như rượu chè bê tha, cờ bạc, tệ nạn xã hội, thay vì những việc làm hữu ích được cộng đồng khuyến khích và chấp nhận.
Đã thành thói quen tốt đẹp từ lâu được đại đa số mọi người đồng tình và hoan nghênh chủ trương của Nhà nước nghiêm cấm đốt pháo trong dịp tết, mà đốt pháo tức là đốt tiền. Ngoài việc tiết kiệm được rất nhiều tiền còn tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra do pháo gây nên.
Ngày tết là dịp niềm vui luôn được thăng hoa của mỗi con người. Trong giờ phút bắt đầu của năm mới luôn đầy ắp nụ cười, ai cũng được nhận về mình món quà mừng tuổi đầy ý nghĩa, đó là những lời chúc năm mới tốt lành: “Vạn sự như ý, An khang – Thịnh vượng”.
Trương Thọ.