GS.TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận TƯ
Nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII-sự kiện chính trị quan trọng của đất nước đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của Đại hội, tôi xin trao đổi một vấn đề mà tôi cho là rất lớn, nó chi phối đến toàn bộ công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay. Đó là việc Đảng ta phải phục hồi được lòng tin của dân với Đảng.
Lẽ đương nhiên là vì mất, hoặc sa sút lòng tin của nhân dân nên nay mới phải phục hồi lại. Mà lòng tin là quan trọng lắm. Người Việt Nam ta có câu mất niềm tin là mất tất cả.
Năm nay Đảng ta bước sang năm thứ 86, kể từ ngày thành lập. Sáng lập và rèn luyện Đảng ta là Bác Hồ kính yêu. Chặng đường hình thành và phát triển của Đảng liên quan đến một vấn đề rất then chốt là xây dựng Đảng.
Điều Bác Hồ bận tâm và lo lắng là khi Đảng cầm quyền thì cơ quan lãnh đạo có phạm phải sai lầm về đường lối, chủ trương, chính sách, có giữ được phẩm chất hay không? Nhất là phẩm chất không giữ được là mất đoàn kết. Mà mất đoàn kết là sức lãnh đạo của Đảng giảm sút, dân mất niềm tin vào Đảng.
Điều đó không chỉ liên quan đến Đảng mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và cả dân tộc, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền.
Đáng buồn là gần đây có suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng.
Một bộ phận không nhỏ nghĩa là lớn. Hồi Cách mạng Tháng Tám, Đảng chỉ có chưa đầy 5.000 đảng viên. Nay đảng viên đã tăng lên khoảng 5 triệu, gấp 900 lần so với trước, lại hoạt động trong điều kiện có nhiều thuận lợi. Trình độ học vấn cũng được nâng cao, thông tin, xã hội phát triển, đảng viên được giao phó trách nhiệm, quyền hạn, gắn với lợi ích mà lại suy thoái! Do một bộ phận suy thoái mà dẫn đến sa sút niềm tin trong dân với Đảng. Đây là một thực tế, mà là thực tế nghiêm trọng. Không phải chỉ nhân dân suy giảm niềm tin vào Đảng mà nặng hơn là “đang có sự suy giảm niềm tin của đảng viên với Đảng” (Nghị quyết TƯ 4, Khóa XI). Vấn đề trở nên tình huống rồi, Đảng phải nghiêm khắc sửa chữa thì Đảng mới tồn tại được.
Nhận thức được tầm nghiêm trọng của hạn chế, yếu kém đó nên xuyên suốt trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Các văn kiện không chỉ đề cập đến tăng trưởng kinh tế mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến những giải pháp nhằm phục hồi niềm tin của dân với Đảng. Đảng ta cho rằng đấy mới là nhân tố quan trọng bởi nhân dân có tin Đảng thì mới hành động tích cực, mới góp phần xây dựng Đảng, mới bảo vệ chế độ. Và đó là cơ sở để tăng trưởng kinh tế.
Trong Di chúc Bác Hồ đã nói: Dân chỉ thực sự kính trọng những đảng viên nào toàn tâm toàn ý vì dân, hy sinh cho cuộc sống dân tộc, phục vụ nhân dân. Bác còn nói Đảng ta là một Đảng vĩ đại, nhưng không phải lúc nào cũng vĩ đại nếu không còn trong sáng nữa. Chính vì vậy, Bác mới đặt ra yêu cầu rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên từ cán bộ, đảng viên đến từng tổ chức Đảng.
Thật là nhức nhối và chúng ta thấy không yên tâm được khi mà những người có quyền trong tay bị tha hóa về mục tiêu lý tưởng và nhân cách, lợi dụng chức quyền để mưu lợi cá nhân, không làm tròn trọng trách bổn phận với dân. Đó là chưa kể nạn chạy chức, chạy quyền, con ông, cháu cha, tài đức không đủ vẫn nằm trong hệ thống tổ chức của Đảng, càng tạo nên những bức xúc trong dân.
Mà số này không ít. Các vụ đại án vừa qua đều dính đến người có chức có quyền, quan hệ dằng dịt, hầu hết đều là đảng viên. Chính những người này làm yếu Đảng, làm mất niềm tin của dân với Đảng.
Khắc phục suy thoái trong Đảng như thế nào? Tất nhiên là cần nhiều giải pháp, nhưng theo tôi trong tình hình hiện nay học cách của Bác là dựa vào nhân dân (theo nghĩa rộng) để xây dựng Đảng. Hơn ai hết nhân dân biết người đảng viên nào tốt, người đảng viên nào xấu; người đảng viên nào giàu lên bất thường, người đảng viên nào sống lành mạnh…
Nói khái quát là dựa vào dân. Nhưng để dựa được vào dân đòi hỏi Đảng ta phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Vừa qua Đảng chưa phát huy được sức mạnh trong nhân dân để xây dựng Đảng, một phần do thiếu những giải pháp phù hợp.
Còn phê bình và tự phê bình trong Đảng, tuy là giải pháp thường xuyên, cơ bản và lâu dài, nhưng phê bình và tự phê bình mới chỉ làm thức tỉnh về mặt nhận thức, còn cần phải áp dụng các biện pháp về mặt tổ chức. Đảng là một tổ chức, có điều lệ Đảng. Còn Nhà nước có luật pháp. Đảng viên cũng là một công dân nên vừa phải thực hiện Điều lệ Đảng vừa phải thực hiện luật pháp Nhà nước, phải xử lý kỷ luật nghiêm minh những trường hợp vi phạm, nhưng Đảng ta đã làm không nghiêm. Có những quy định, như kê khai tài sản, không làm được hay làm hình thức nên rất phản cảm. Đây là chỗ yếu của Đảng ta. Bệnh nể nang, dĩ hòa vi quý tồn tại rất lâu và thành thói quen khó sửa.
Nếu muốn lấy lại được lòng tin của dân thì Đảng phải nhìn thẳng vào sự thật đó để sửa. Phải thực hiện nghiêm túc lời Bác dạy: Trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai.
Đảng phải có dũng khí thì mới đấu tranh chống lại được chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm.
Với tinh thần đổi mới toàn diện, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ những yếu kém trong Đảng. Bây giờ chỉ còn thực hiện nữa thôi.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng Đảng ta sẽ thực hiện được, sẽ lấy lại được niềm tin trong dân với Đảng. Giống như 30 năm trước, cả một bầu không khí sôi sục từ Dân đến Đảng, từ Đảng đến Dân thi đua thực hiện công cuộc đổi mới. Có được tinh thần đó là do Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Huy Thiêm (ghi)