Về sau này, chúng ta mới biết viên thượng sĩ đó chính là một điệp viên mang bí số H3 của ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với vỏ bọc là văn thư lưu trữ những tài liệu tuyệt trong cơ quan cao cấp của địch, H3 đã sao chụp, cung cấp cho ta nhiều tin tức quan trọng mang tầm chiến lược. Hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất, danh tính của H3 được công khai là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Minh, nhưng CIA vẫn không tin và không hiểu nổi vì sao chúng ta lại có thể xây dựng được một điệp viên siêu hạng, làm việc giữ tài liệu mật ngay trong sào huyệt của quân ngụy.
Người có công vận động H3 theo về với cách mạng là bà Sáu Chi (Nguyễn Thùy Chi). Bà Sáu Chi sinh năm 1936 ở Phnôm-Pênh. Bố bà là công chức cho Tòa khâm sứ Pháp tại Cam-pu-chia nhưng ông ngầm tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Năm 1954, bố bà tập kết ra Bắc nhưng bà Sáu Chi ở lại công tác tại Sở Y tế Nam Bộ. Năm 1960, trong một lần đi công tác, bà bị địch bắt và giam đến năm 1964 mới được thả. Năm 1966, Sáu Chi kết hôn với bác sĩ Nguyễn Văn An, người cùng công tác trong Ban dân y Khu 9.
Năm 1970, do yêu cầu công tác, Sáu Chi đành đem cậu con trai mới hai tuổi về Sài Gòn để gửi người em gái của chồng là bà Nguyệt nuôi dưỡng. Trong những lần lén về Sài Gòn thăm con, Sáu Chi gặp và hiểu rõ hơn người em trai của chồng có tên Nguyễn Văn Minh (Ba Minh), lúc đó bị bắt đi quân dịch cho quân ngụy. Ông Ba Minh đã gửi Sáu Chi đem con trai mình là Nguyễn Minh Hoàng vào căn cứ để trốn quân dịch.
Năm 1973, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cấp trên đề nghị bà Sáu Chi về Biên Hòa, móc nối, xây dựng một lưới tình báo ở đây nhưng không thành. Bà Sáu Chi quyết định thay đổi kế hoạch, đề nghị cấp trên cho phép móc nối với em chồng, lúc này làm văn thư trong Dinh Tổng tham mưu trưởng quân ngụy. Được cấp trên đồng ý, bà đã vận động Nguyễn Văn Minh đi theo cách mạng, trở thành điệp viên với bí số H3. Lưới tình báo H3 của Nguyễn Văn Minh hoạt động vô cùng hiệu quả, phục vụ tin tức có giá trị cao trong giai đoạn cuộc chiến tranh giải phóng bước vào giai đoạn quyết định để kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc.
Hơn ba thập kỷ sau, đến năm 2006, cái tên H3 vẫn là một bí ẩn đối với tình báo Mỹ. Trong hội thảo quốc tế về “Tình báo trong Chiến tranh Việt Nam” do Trung tâm Việt Nam thuộc Đại học Công nghệ Texax cùng Trung tâm Nghiên cứu Tình báo thuộc CIA, Merle Pribbenow - cựu nhân viên CIA, căn cứ từ nhận định của Frank Snepp, căn cứ những đoạn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng và một vài chi tiết báo chí khác, đã chắp nối và phỏng đoán rằng: “Đúng là phải có một điệp viên cộng sản từng nằm ngay trong lòng Bộ Tổng tham mưu (ngụy). Dường như không phải là sĩ quan cao cấp, không phải là tuỳ tùng thân cận của Tổng thống Thiệu, song chắc chắn nhân vật này đã gửi ra Bộ Chính trị Bắc Việt nhiều tin tình báo chiến lược”.
HỒNG HẢI