Chúng tôi gặp CCB Đặng Xuân Chước tại cuộc Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức. Ông Chước năm nay 81 tuổi, quê ở Hà Nam hiện đang sinh sống tại phố 12, phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ. Ông kể: Tôi là chiến sĩ của Đại đội 317, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Trong 39 ngày đêm chiến đấu trên đồi A1 thì 10 ngày trong đợt tiến công thứ 2 là gay go ác liệt nhất. Chúng tôi chỉ cách địch từ 15 đến 20m, hai bên tranh giành nhau từng tấc đất và rình nhau để bắn tỉa. Anh em ta thường chọc đầu súng vào chiếc mũ rồi thụt lên thụt xuống cho địch bắn, khi chúng nạp đạn thì nhô lên bắn lại. Lần xung phong tiến công cuối cùng, đơn vị vấp phải hàng rào mướp, hàng rào mái nhà mà ở dưới chúng chôn mìn cài, mìn đạp nổ rồi bắn ngăn chặn, đạn bay như mưa. Vài năm sau trở lại tôi vẫn còn thấy những bộ xương người vắt trên hàng rào ấy thì quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Cùng ở Trung đoàn 174 còn có CCB Tô Vinh Niên, cư trú tại C9A, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ông Niên mặc bộ quân phục đã sờn cũ, trên ngực ông lấp lánh những chiếc huân chương chiến thắng. Trong đó có Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông vốn quê ở Cao Lộc, Lạng Sơn nhập ngũ tháng 2-1946, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với cương vị Trung đội phó trinh sát, nhiệm vụ là hàng ngày quan sát xem địch thả xuống Điện Biên những loại dù gì, thả hàng gì để báo cáo cho chỉ huy quyết định bắn hủy diệt, hay “lái” về phía ta. Vì thế mà ngay cả chiếc dù mang quyết định phong quân hàm Thiếu tướng lẫn rượu, bánh kẹo mừng của Đờ Cát cũng bị rơi vào tay quân ta...
Nay Hội CCB tỉnh Điện Biên có gần 15 ngàn hội viên, đa số là người các dân tộc Tây Bắc, sinh hoạt ở 1.364 chi hội, của 186 cơ sở. Để làm tốt công tác chăm lo đời sống hội viên, giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo Hội thành lập 419 tổ vay vốn do hội viên CCB làm tổ trưởng, với số tiền 272.836 triệu đồng. Toàn tỉnh có 40 doanh nghiệp với 1.015 hội viên sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Ngoài ra còn 600 trang trại và gia trại do hội viên CCB làm chủ, mỗi năm thu nhập từ 20 đến 40 triệu đồng, góp phần hình thành những vùng chuyên canh như trồng ngô hè thu ở Mường Nhà và trồng cam ở Thanh Lương, huyện Điện Biên; chăn nuôi bò ở Xuân Lao, huyện Mường Ảng; ươm giống cây cao su ở Mường Mươn, huyện Mường Chà; xây dựng khu tái định cư ở Ná Lan, thị xã Mường Lay, khu công nghiệp xi măng Điện Biên…
Cùng với việc tích cực sản xuất kinh doanh, các cấp Hội coi trọng hoạt động tình nghĩa, xây dựng các loại quỹ: "Nghĩa tình đồng đội", "Vì người nghèo", "Khuyến học khuyến tài"... để hỗ trợ hội viên vượt qua gia đình khó khăn trong cuộc sống, nay Tỉnh hội còn khoảng 4% số gia đình hội viên nghèo. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2014, với phong trào thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Hội CCB đã vận động các doanh nghiệp, Hội CCB các tỉnh, thành phố và của MTTQ tỉnh ủng hộ trị giá trên 1,17 tỷ đồng. Tiêu biểu là MTTQ tỉnh hỗ trợ sửa chữa và xây mới 47 nhà cho 47 CCB Điện Biên Phủ, xong trước ngày 30-4-2014, trị giá 600 triệu đồng; Liên đoàn Đua xe đạp lên Điện Biên có 358 suất quà trị giá trên 250 triệu đồng; Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng cộng tiền và một ngôi nhà lắp ghép 160 triệu đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với 60 suất quà, trị giá 120 triệu đồng; Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Việt Nam Lê Văn Kiểm 100 triệu đồng... Hội tham mưu cho UBND tỉnh gặp mặt tặng quà 743 hội viên tham gia kháng chiến chống Pháp, tổ chức giao lưu với 4 đoàn CCB trong nước và quốc tế thăm Điện Biên và tổ chức cho 192 hội viên CCB tham gia diễu hành, sự lễ mít tinh kỷ niệm vào ngày Đại lễ (7-5).
60 năm đã trôi qua, từ một bãi chiến trường đổ nát, sắt thép, bom mìn bừa bãi, Điện Biên như đã rũ bùn đứng dậy. Có lẽ, tinh thần Điện Biên Phủ là ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên. Trong 60 năm ấy, hình ảnh người lính Cụ Hồ vẫn tiến bước và tỏa sáng để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
TÔ KIỀU THẨM