Quả đồi ấy vốn chưa có tên. Đồi “Gà rừng” là do chúng tôi ngẫu hứng đặt trong lần đi tìm đường để đột nhập vào vùng địch ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Cuối năm 1972, nhóm chúng tôi đi chuẩn bị chiến trường gồm 6 anh em, do anh Thập - Đại đội trưởng chỉ huy. Chúng tôi đang ém quân ở làng Tân Điền ở bờ bắc sông Mỹ Chánh, khoảng 10 ngày thì anh Thập có lệnh trên gọi về nhận nhiệm vụ khác. Người xuống thay anh Thập là anh Thiệc - trợ lý tham mưu tiểu đoàn. Anh Thập đi lúc 4 giờ chiều thì 7 giờ tối thấy anh quay lại và bực bội nói: “Địch đổ quân bịt hết đường về rồi. Trời tối, không biết chúng đổ quân những đâu, đành quay lại để mai xem thế nào”. Anh Thiệc hỏi: “Chúng đổ quân chỗ nào thế anh, chiều qua xuống đây, tôi có thấy gì đâu?”. Anh Thập bảo: “Ở quả đồi bên kia con đường tăng ấy”.

Ngẫm nghĩ vài giây, tôi nói: “Gọi là đồi Gà rừng đi, các anh còn nhớ hôm xuống đây, lúc ngồi đợi trời tối để vượt qua quả đồi ấy, cứ nghe tiếng gà rừng gáy dưới khe”. Thế rồi cả nhóm thống nhất gọi đồi Gà rừng cho dễ bàn bạc.

9 giờ sáng hôm sau, chúng tôi ẩn mình trong đồi chè, chiếu ống nhòm quan sát đồi Gà rừng, thấy trên đỉnh đồi, bọn lính đang xoay trần đào công sự. Có 5 cái nhà bạt dựng theo hình vòng tròn. Anh Thập bảo: “Chắc là bọn thám báo rồi. Nếu chúng cắm chốt ở đây thì thật phiền phức cho ta, phải đánh ngay đêm nay khi chúng chưa kịp bố phòng cẩn thận…”.

Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, chúng tôi bí mật áp sát vị trí chốt của địch. Một sự im ắng khác thường! Chả lẽ chúng mất cảnh giác đến thế? Chúng tôi kiểm tra thì thấy cả 5 lều bạt đều trống không. Lập tức anh Thập ra lệnh: “Rút ngay. Chú ý quan sát, đề phòng địch phục kích bên ngoài”.

Nhưng điều chúng tôi đề phòng đã không xảy ra. Ngày hôm sau, chúng tôi thay phiên nhau bám chặt đồi Gà rừng. Bọn địch vẫn hì hụi đào công sự. Chúng tôi phán đoán, có thể vì công sự quá sơ sài, sợ bị tập kích, nên đêm qua bọn địch tìm một nơi kín đáo tá túc tạm. Nếu đêm nay chúng còn chốt lại, chúng tôi sẽ tấn công. Còn nếu chúng tiếp tục di tản, chúng tôi sẽ bám theo. Và đêm hôm đó, chúng tôi tìm ra nơi bọn địch ngủ qua đêm.

Phải hơn 7 giờ tối, bọn địch mới ra khỏi ngọn đồi. Chúng có khoảng ba chục tên, lặng lẽ theo hướng tây xuôi xuống chân đồi. Chúng tôi bám theo. Khoảng chừng 20 phút sau, chúng dừng lại. Ánh đèn pin chiếu găm xuống mặt đất đủ để chúng tôi tôi nhận ra những vạt cỏ tranh bị xẹp xuống từng đám. Chắc đêm qua chúng ngủ ở đây! Anh Thiệc bảo tôi và một người nữa quay lại đón tổ của anh Thập đang đợi chúng tôi ở đồi chè.

Gần 9 giờ đêm, tổ của anh Thập mới tới. Bọn thám báo mắc màn giữa những lùm cây, trải bạt lên vạt cỏ tranh. Một số tên đã ngủ, vài đứa còn thức, hút huốc lá, rì rầm trò chuyện. Sương đêm xuống đặc, lành lạnh. Giấu mình trong đám cỏ tranh, chúng tôi gồng mình chịu đựng bầy muỗi tấn công. Nhác thấy Thêm - chiến sĩ bên cạnh mình không tập trung quan sát địch, tôi đập nhẹ vào vai Thêm, thì thào: “Tập trung vào…”.

Hơn 10 giờ đêm, chúng tôi nổ súng. Sườn đối sáng lóa những ánh chớp và dồn dập tiếng thủ pháo, lựu đạn của chúng tôi. Bất ngờ bị tấn công, địch không kịp phản ứng. Có mấy tên vùng dậy, cuống cuồng lao vào trảng cỏ tranh, vô tình kích nổ thêm những quả lựu đạn US  và những băng đạn AR15 của địch.  

Trận đánh chớp nhoáng, kéo dài chừng 10 phút. Đề phòng địch trả đũa ngày hôm sau, chúng tôi nhanh chóng rút về cửa rừng. Suốt đêm đó và ngày hôm sau, địch liên tục nã pháo về phía cửa rừng và vùng đồi giáp ranh; trực thăng thì thay nhau quần đảo, ném lựu đạn, bắn đại liên xuống khu vực xung quanh. Sáng ngày thứ ba, tình hình có vẻ êm, chúng tôi quay lại đồi Gà rừng. Một đơn vị thám báo khác của địch đã tới thay. Chúng xếp những bao đất lên miệng công sự và đóng cọc sắt để căng hàng rào. Thấy thế, anh Thiệc bảo: “Chắc bọn này cắm chốt ở đây lâu dài rồi”. Lập tức nhóm chúng tôi báo cáo tình hình địch lên Ban Chỉ huy tiểu đoàn và tìm con đường khác để xuống Phong Điền. Ba ngày sau, một tổ chiến đấu của trung đội hỏa lực mang theo 4 quả mìn định hướng ĐH.10 cùng hai xạ thủ B.41 bí mật áp sát, thổi bay dãy nhà bạt và phá hủy hai ụ đại liên của bọn thám báo.

Vào những ngày cuối tháng 11-1972, khẩu đội cối 82 của tiểu đoàn tôi liên tục nã đạn xuống vị trí địch, gây áp lực căng thẳng dai dẳng cho chúng. Đầu tháng 12-1972, đám thám báo rút khỏi đồi Gà rừng.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari được ký kết. Ngay sau đó, đơn vị chúng tôi được lệnh rút khỏi Trị Thiên, vào tăng cường cho mặt trận Quảng Đà. Rời Trị Thiên, chúng tôi mang theo bao kỷ niệm, trong đó có cái tên đồi Gà rừng và trận đánh đồi Gà rừng cuối năm 1972.

Bùi Trung Thủy - CCB Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ, Thái Bình