Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ.
Bóng ma chiến tranh đang lù lù hiện ra ở Trung Đông, một khu vực vốn đang phải vật lộn đi lên từ đống đổ nát của nhiều cuộc chiến tranh liên tục. Nguy cơ lần này sẽ là sự đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran và nếu chiến sự nổ ra ắt hắn nhiều nước trong khu vực và thế giới chắc chắn sẽ phải can dự.
Ngày 19-5, Tổng thống Mỹ - Donald Trump viết trên trang Twitter cá nhân: "Nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran". Ông cũng cảnh báo Tehran "Đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa". Đây là lời đe dọa mạnh mẽ nhất của ông chủ Nhà Trắng sau một loạt các động thái nhằm dồn Tehran vào chân tường.
Sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump đã thực hiện cam kết của mình bằng quyết định rút khỏi Kế hoạch hạt nhân toàn diện (JCPOA), một thỏa thuận được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 sau 15 năm kiên trì đàm phán ngoại giao. Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho rằng thỏa thuận này không đủ để ngăn Iran phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo, trong khi Nga, Trung Quốc và các nước châu Âu ký thỏa thuận cho rằng JCPOA cần được duy trì.
Tiếp sau bước mở đầu này, Mỹ tái áp dụng các đòn trừng phạt kinh tế với Iran, đặc biệt là việc xuất khẩu dầu mỏ của nước này. Mới đây nhất, thời hạn Mỹ cho phép Iran bán dầu cho 8 nước được kéo dài thời hạn mua dầu của Iran đã hết, đồng nghĩa với việc Iran không còn nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ.
Không dừng ở đó, Washington còn liệt Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố. Nói cách khác, đây là lần đầu tiên Mỹ coi lực lượng quân sự của một nước là khủng bố.
Hai tuần trở lại đây, bên cạnh việc lời qua tiếng lại và đồn thổi về các nguy cơ mất an ninh có thể gây ra từ phía Iran, Mỹ đã điều tàu sân bay, tàu chiến, máy bay ném bom chiến lược đến Trung Đông đồng thời rút những nhân viên ngoại giao “không khẩn cấp” khỏi Iraq. Thậm chí, Công ty Exxon của Mỹ cũng rút nhiều nhân viên khỏi Iraq.
Đó là những gì chúng ta có thể thấy về bề nổi và là cách thường diễn ra trước khi Mỹ phát động một cuộc chiến. Theo quy định, Mỹ chỉ đưa quân tham chiến khi Quốc hội nước này đồng ý. Tuy nhiên, cũng có một quy định cho phép Tổng thống phát động các cuộc không kích, tấn công từ xa mà không dùng bộ binh trong thời gian tới 60 ngày. Liệu điều này có xảy ra với trường hợp của Iran hay không, điều đó còn phụ thuộc vào thái độ của các bên và cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Iran vẫn cho rằng các động thái của Mỹ chỉ là "tâm lí chiến" và là "trò chính trị". Ngày 18-5, Ngoại trưởng Iran - Mohammad Javad Zarrif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực, khẳng định Tehran phản đối chiến tranh, dù cho rằng không quốc gia nào "ảo tưởng" có thể đối đầu với nước Cộng hòa Hồi giáo trong khu vực. Tổng thống Iran - Hassan Rouhani đã khẳng định rằng nước Cộng hòa Hồi giáo này không dễ để có thể bị bất cứ nước nào hăm dọa".
Nhiều quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc và một số quốc gia lớn ở châu Âu phản đối các biện pháp Mỹ nhằm vào Iran, nhưng chưa có nước nào công khai lên tiếng sẽ đứng về phía Iran một khi xung đột hay chiến tranh xảy ra giữa nước này và Mỹ. Hay nói cách khác, dù Iran có tiềm lực quân sự mạnh nhưng nước này vẫn đang cô độc trong thế đối đầu với Mỹ. Đây là điều bất lợi. Do vậy, chỉ còn cách các nước lớn trên thế giới và các quốc gia trong khu vực Trung Đông đóng vai trò hòa giải tích cực cùng các động thái kiềm chế của Mỹ và Iran mới có thể đẩy lùi bóng ma chiến tranh khỏi khu vực này.
Ngọc Hưng