(Tiếp theo kỳ trước)

...Có thể tìm thấy trong Phạm Tiến Duật sự suy tưởng triết lý mang chất tình, chất thơ của của cuộc sống, sự vật. Nhà thơ đã tạo cho người đọc suy nghĩ và liên tưởng sâu xa trước bản chất cao đẹp của con người, thiên nhiên tươi đẹp của đất nước, “Một dãy núi mà hai mùa mưa… Nước khe cạn bướm bay lèn đá”... Thiên nhiên trong thơ Phạm Tiến Duật như hòa vào cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc: "Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa/ Thân nhựa trắng là cây si cây sữa/ Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò/ Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò/ Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh" (Đi trong rừng). Hay: “…Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Nhớ). Cuộc sống sinh hoạt của người chiến sĩ gắn liền với thiên nhiên. Nơi ngủ là chiếc võng vắt qua hai thân cây giữa rừng. Khi không có cây thì lấy đất làm giường, lấy gió trăng, mây trời làm chiếu.

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu). Họ đã bỏ lại sau lưng tất cả, lên đường cống hiến trí tuệ, sức lực và tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Họ luôn nêu cao tinh thần anh dũng, bất khuất bởi “trái tim có thể ngừng đập nhưng con đường giao thông huyết mạch không thể tắc” và “sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”...  Đó là chân lý sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam và niềm tin sắt son vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Phạm Tiến Duật đã đúc kết tinh thần mấy nghìn năm trong thơ của mình: “Trên đất nước đêm đêm/ Sáng những ngọn đèn/ Mang lửa từ nghìn năm về trước” (Lửa đèn). “Dẫu hố bom kề bên còn cháy khét/ Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương” (Lửa đèn).Với niềm tin tất thắng son sắt ấy, trong trận đánh cuối cùng quân và dân ta đã làm nên một cơn lốc hùng vĩ.  Nhà thơ Phạm Tiến Duật là người có mặt trong trận đánh lịch sử vĩ đại ấy đã hòa vào dòng người bất tận tiến vào mặt trận Sài Gòn cách đây hơn 40 năm: “Khi lên xe ta chưa quen nhau/ Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn/ Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn/ Chúng ta đi đường dài/ Mấy trăm xe và mấy trăm người/ Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc/ Những trái tim xếp theo hàng dọc/ Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu” (Chim Lạc bay).

Sự nghiệp thơ của Phạm Tiến Duật gắn liền với đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, của dân tộc ta... Chúng ta tự hào về đường Trường Sơn huyền thoại và anh hùng, tự hào về con đường mang tên Bác Hồ vĩ đại, con đường bạt núi giữa pháo sáng với đạn bom, con đường có núi cao mấy tầng, con đường say chiến đấu, ghi chiến công lẫy lừng, đường soi sáng để các đoàn xe của ta luôn thẳng tới; đường mang bao nghĩa tình, đường Nam - Bắc yêu thương.

Thấm thoắt đã 60 năm, những con người, những bài thơ Phạm Tiến Duật viết về đường Trường Sơn của thời hoa lửa như vẫn lắng đọng trong mỗi chúng ta và vang vọng đâu đây. Chúng ta mãi mãi nhớ về những cán bộ, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn. Đọc lại những vần thơ ông viết, nhắc lại lịch sử để chúng ta hiểu sâu hơn giá trị tuyệt vời mà những người con anh dũng, kiên cường của Tổ quốc ta đã góp phần làm nên.

Từng tấc đất, triền đá bờ khe ở Trường Sơn đã thấm máu xương anh hùng, liệt sĩ. Gần 20 nghìn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và hơn 30 nghìn người bị thương trên tuyến đường Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hiện là nơi yên nghỉ của gần 10.300 liệt sĩ Trường Sơn đến từ mọi miền Tổ quốc. “Ôi Việt Nam muôn ngàn lần yêu dấu của ta ơi - Ta chưa công bằng với người, phía Rừng và phía Biển - Biển thì nhớ mà Rừng thì lỗi hẹn - Biển mỡ màng nhường này, Rừng xơ xác nhường kia... Đất phía Đông Trường Sơn vẫn còn rất nóng - Dưới đất nhiều vật thiêng, nhát cuốc hãy dè chừng” (Tôi mơ một con đường cao tốc - Phạm Tiến Duật).

60 năm - 60 mùa tri ân, xin thành kính cúi đầu trước những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, những người đã hy sinh tuổi thanh xuân, để lại một phần cơ thể của mình nơi chiến trường, để cho đất nước hôm nay được vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Để dân tộc ta, đất nước ta ngày hôm nay được phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng là thước đo lòng yêu nước của mỗi chúng ta lúc này.

Nguyễn Văn Thanh