Nhạc sĩ Ngọc Khuê (đứng thứ hai bên trái) cùng đồng đội Trung đoàn PCX 228 trên trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Nhập ngũ ngày 18-2-1965, huấn luyện tân binh khoảng 20 ngày, tôi được bổ sung vào Trung đoàn pháo cao xạ 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng, Thanh Hoá. Rồi 1 tháng sau, ngày 3-4-1965 Đại đội 5 pháo 37 ly của chúng tôi tham gia trận đầu tiên tại trận địa Đình Hương (phía làng Hạc Oa), bắt đầu cho gần mười năm trời sống và chiến đấu tại mảnh đất thân thương này. Vậy mà đã 55 năm trôi qua, hằng năm cứ đến tháng Tư, chúng tôi lại tụ họp để cùng nhau nhớ lại nơi có biết bao kỷ niệm đã theo tôi suốt cuộc đời. Vì dịch covid, năm nay chẳng gặp được nhau, nên nỗi nhớ, tâm tư đành gửi nhờ bàn phím.

Nơi huyết mạch giao thông Hàm Rồng những năm gian khó ấy, cánh lính cao xạ chúng tôi cùng Hải quân, dân quân tự vệ đã chiến đấu thật kiên trung, bất khuất để bảo vệ cây cầu. Nhiều đồng đội đã hy sinh ngay trên mâm pháo, ngay trên trận địa. Tôi nhớ mãi trận đầu 3-4, trận 31-5-1965, rồi những trận liên tiếp sau đó... Có ngày đánh từ lúc rạng sáng, đánh qua trưa, đánh khi chiều tà, rồi đêm cũng đánh...

Khi vừa 19 tuổi đời và tròn 1 tuổi quân, cùng cây sáo trúc trên trận địa bên cầu Hàm Rồng ấy, tôi đã có sáng tác đầu tay: “Tiếng hát bên dòng sông Mã”. Dạo ấy, đại đội cao xạ chúng tôi cơ động đến trận địa dã chiến nằm ngay bên bờ đê Nam Ngạn (gần đầu cầu phao trước đây). Một chiều yên ả, ngồi trực trên mâm pháo, ngắm cây cầu sừng sững bắc qua dòng sông trong xanh hiền hòa, tôi chợt nghĩ về chiến công của bộ đội Phòng không – Không quân, Hải Quân và dân quân Hàm Rồng trong trận đánh tuyệt đẹp ngày 31-5-1965 ấy. Thế là cao hứng viết nên bài ca này, đây là bài hát đầu tay của tôi: “Tôi đứng bên dòng sông quê hương/ Tôi hát bài ca sông quê hương/ Cánh buồm nâu hồng vượt gió ra khơi…/  Ơi tiếng hò là khoan dô khoan/ Trong lửa đạn chị dân quân lao nhanh,/ Trên dòng sông anh Hải quân rẽ sóng/ Chiến sĩ Phòng không hiên ngang chiến thắng...”.

Rất vui vì ngay lập tức, bài hát được anh em trong Đại đội, rồi sau đó là Trung đoàn rất yêu thích, nhiều anh em thuộc ngay. Khẩu đội trưởng Văn Cạnh của tôi là một cây đơn ca có hạng cũng rất thích “ca khúc của chàng lính binh nhì” này. Anh lấy làm bài tủ của mình trong tất cả những buổi liên hoan văn nghệ ở Đại đội, rồi đi biểu diễn ở Trung đoàn. Năm 1968, đội Tuyên văn Trung đoàn đi tham gia Hội diễn Quân khu 3, đã được tặng Huy chương Vàng và được đi biểu diễn phục vụ nhiều đơn vị trong Quân khu và nhiều nơi khác... Bài hát lại được thu thanh rồi phát sóng trên đài PTTN Việt Nam. Đó là một vinh dự lớn của một chiến sĩ văn nghệ, khởi đầu cho những ca khúc về sau của tôi.

Rồi tiếp đó, nhiều ca khúc của tôi về chiến sĩ Hàm Rồng được ra đời như: Kéo pháo vào trận địa, Tổ khúc Hàm Rồng ta đó, Cái mặt thằng Mỹ, Tiếng còi tàu, Hàm Rồng có bóng dừa xanh, Pháo ta bảo vệ giao thông vận tải, Đồi Quyết Thắng (thơ Từ Nguyên Tĩnh)... Riêng với ca khúc Kéo pháo vào trận địa, đã vinh dự được hát cho Giáo sư nhạc sĩ Fê-rê của Liên Xô (cũ) và Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, lúc đó là Tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam đến thăm trận địa nghe; được Giáo sư và Nhạc sĩ Đỗ Nhuận khen ngợi và động viên rất nhiều.

Rồi sau đó, khi chuyển về Quân chủng, tôi tiếp tục công việc của một người lính làm văn nghệ (cả quần chúng lẫn chuyên nghiệp) và tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc cho bộ đội. Những sáng tác của tôi, hình như bao giờ cũng có dấu ấn của một thời lửa đạn Hàm Rồng. Dấu ấn nơi khởi đầu một cuộc đời quân ngũ và nghiệp sáng tác của một chàng lính Binh nhì, lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ quê hương... Ngay cả đến “Mùa Xuân làng Lúa làng Hoa” - một ca khúc về Mùa xuân, về Hà Nội mà mọi người hay nhắc đến, thì trong đó tôi đã gửi gắm cả tình yêu Hàm Rồng - Thanh Hoá trong nét nhạc luyến láy đầy chất dân gian sông nước.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê