Lễ xuất quân tiễn tàu đi đảo.

Hàng trăm tấn hàng Tết, quân nhu, quân trang, nhu yếu phẩm được cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân vận chuyển xuống 4 chiến hạm, vượt sóng to gió lớn đến 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân ngoài quần đảo Trường Sa. Mùa xuân đã bắt đầu thôi thúc lan tỏa trong tim những người lính biển nơi xa nhất của Tổ quốc.

Trước giờ đi đảo

Chiều ngày 3-1-2024, quân cảng Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa nhộn nhịp niềm vui. Hàng trăm sinh viên Trường đại học Khách Hòa và cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân có mặt tại quân cảng để tiễn đoàn chúc Tết đem quà xuân của nhân dân cả nước gửi tặng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa.

Lễ xuất quân diễn ra trang trọng, ấm áp và nghĩa tình. Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xúc động nói: “Mỗi năm khi Tết đến xuân về, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức đem quà xuân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang làm nhiệm vụ ngoài quần đảo Trường Sa. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước đối với biển đảo nói chung, huyện Trường Sa nói riêng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Những phần quà Tết của nhân dân cả nước gửi tặng, sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ thêm ấm lòng, vững vàng tay súng, vượt qua khó khăn, đoàn kết một lòng, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó. Chỉ ít phút nữa thôi, những con tàu sẽ rẽ sóng ra khơi. Đây là những chuyến tàu đặc biệt và chuyến hải trình đặc biệt. Cuộn gói trong những phần quà Tết là tình cảm của hậu phương đối với người tiền tuyến. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hãy yên tâm công tác, nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng luôn là hậu phương lớn mạnh để các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống”.

Cây quất được bọc cẩn thận chuyển xuống tàu.

Đáp lời Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - Nguyễn Tấn Tuân, Đại tá Ngô Đình Xuyên - Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân bày tỏ quyết tâm và xin hứa với đồng bào và chiến sĩ cả nước, quà Tết của nhân dân cả nước gửi tặng, sẽ được chuyển đến tận tay cán bộ, chiến sĩ ở 21 đảo, điểm đảo/33 điểm đóng quân. Đồng chí cũng yêu cầu Đoàn công tác trên các tàu nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, đưa quà Tết đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trăm tấn quà, triệu tấm lòng vượt sóng

Mỗi năm có hàng trăm chuyến tàu hải quân tiếp viện lương thực thực phẩm cho Trường Sa, nhưng hàng quà nhiều nhất vẫn là những chuyến tàu chở mùa xuân cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo.

Xúc động trước khi tàu nhổ neo rời cảng, Đại tá Ngô Đình Xuyên - Phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân, chia sẻ, đây là chuyến hải trình đặc biệt với những phần quà đặc biệt. Cuộn gói trong hàng trăm tấn hàng quân nhu, quân trang, quà Tết là hàng triệu tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của nhân dân cả nước gửi gắm, trao tặng quân và dân Trường Sa. Những phần quà sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ Trường Sa thêm ấm lòng. Đất liền có chung một mong muốn, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vững vàng tay súng, yên tâm canh biển, giữ đảo vững chắc cho nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đón Tết vui xuân yên bình. Dù khó khăn gian khổ đến đâu đi nữa, hàng quà Tết phải đến tận tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở tất cả các đảo, điểm đảo.  

Trước khi 4 con tàu ra khơi, hàng trăm tấn hàng hoá được cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân vận chuyển xuống tàu. Một trong nhiều chiến sĩ phục vụ bốc hàng quà Tết, Hạ sĩ Mai Anh Dũng (Vùng 4 Hải quân) là người có nhiều kinh nghiệm bốc dỡ hàng Tết cho biết: “Quất, đào được chúng tôi luồn trong bao nilon để phần hoa tránh rơi rụng. Các hàng quà như gạo nếp, miến, măng, mộc nhĩ, lá gói bánh chưng của đảo nào xếp gọn theo từng ô dưới hầm tàu để tránh lẫn lộn. Tàu đến đảo nào trước, hàng hoá để ngoài cùng. Các phương án bảo vệ hàng quà khi tàu hành trình đều tính toán cẩm thận, chống nước biển xâm nhập. Phương án chuyển quà lên đảo được tính toán thủy triều kỹ lưỡng, để tất cả các đảo, điểm đảo nhận được quà Tết sớm nhất”.

Thuyền trưởng tàu 490, Đại tá Lê Văn Hải - một trong 4 chiến hạm chở quà Tết cho Trường Sa cho hay, theo dự báo thời tiết hiện tại vùng biển, đảo Trường Sa đang có sóng to gió lớn. Việc chuyển hàng quà Tết cho đảo gặp nhiều khó khăn, nhất là các đảo chìm có triền đảo trải dài, rộng lớn. “Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các phương án. Đối với các đảo nổi có cầu cảng, tàu sẽ cập cảng. Các đảo chìm, hàng quà sẽ được chuyển theo xuồng chuyển tải. Có hơn 100 phóng viên đi tác nghiệp lần này. Đoàn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các phóng viên tác nghiệp và tổ chức các hoạt động đón Tết cổ truyền sớm với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Các chuyến tàu sẽ là nhịp cầu mùa xuân nối đất liền với đảo xa. Đây là những chuyến tàu mùa xuân mang theo niềm tin yêu, tấm lòng trân quý của người thân, nhân dân cả nước gửi tới các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa có một cái Tết sung túc, đủ đầy như trong đất liền” - Đại tá Lê văn Hải thông tin.

Tạm biệt đất liền.

Xúc động vô bờ, chen lẫn niềm vui

Khó có thể nói hết được cung bậc cảm xúc, lời tạm biệt người đi người ở lai, chỉ biết khi các chiến hạm hú ba hồi còi rời cảng ra khơi, tất cả chúng tôi đổ dồn nhìn tàu. Những cánh tay vẫy chào tạm biệt, những cái ôm vội vã, và cả những ánh mắt đỏ hoe nói lời tạm biệt.

Tiễn chồng đi làm nhiệm vụ ngoài đảo Trường Sa Lớn, nữ Đại úy Quân chủng Phòng không - Không quân Vũ Thị Loan ôm bó hoa, nắm chặt tay chồng xúc động “Anh đi nhé”. Chị chỉ nói như thế rồi nén lòng. Dẫu vẫn hiểu thương nhớ chồng lắm, nhưng chị không muốn có giọt nước mắt trong phút chia xa. Ánh mắt chị xa xăm nhìn về hướng tàu 490 - con tàu chỉ ít phút nữa thôi sẽ chở chồng chị và đồng đội hải trình đi đảo. “Nhiều lần tiễn chồng đi công tác, nhưng chưa lần nào như lần này. Chồng làm nhiệm vụ ngoài đảo, vợ đón Tết ở đất liền, xa nhau ai chẳng nhớ thương, nhưng tôi không muốn giọt nước mắt trào ra khi tiễn anh đi. Để anh yên tâm công tác và vui vẻ lên đường”. Chị Loan trải lòng. Bàn tay phải của chị đan chặt bàn tay trái chồng kéo về lòng mình như tìm kiếm thêm chút hơi ấm trước giờ tạm biệt. Chồng chị - Thiếu tá Lê Xuân Long mỉm cười. Trên khóe mắt của chàng sĩ quan Phòng không - Không quân ánh lên niềm nhớ thương, sẻ chia và hẹn xuân sau tái ngộ.

19 tuổi xuân, 1 năm tuổi quân, lần đầu tiên bước chân xuống tàu ra đảo Cô Lin làm nhiệm vụ thay quân cho đồng đội vê bờ, Hạ sĩ Nguyễn Tuấn Linh quê gốc Nghệ An cứ xốn xang xúc động. “Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa nhà. Chuyến đi này sẽ gặp nhiều vất vả nhưng tôi cảm thấy tự hào, vì được canh trời giữ chủ quyền cho Tổ quốc vào dịp Tết đến xuân về. Đêm 30 Tết tôi sẽ gọi điện về gia đình và sẽ nói không khí đón giao thừa ngoài đảo Cô Lin. Chắc chắn bố mẹ tôi sẽ rất tự hào về tôi” - Tuấn Linh chia sẻ.

Trong khi đó Hạ sĩ Nguyễn Xuân Danh không dấu được háo hức lần đầu đi đảo. Đôi mắt rực sáng khi tôi hỏi “Danh đến Trường Sa lần này có tâm sự gửi gắm đất liền?”. Chàng trai 22 tuổi có quê Bình Thuận chia sẻ: “Tui quê ở Bình Thuận. Sau tốt nghiệp cao đẳng, tui tình nguyện vào Quân đội và xung phong đi đảo. Lần này tui ra đảo Song Tử Tây làm nhiệm vụ. Tui muốn nhắn gửi với quê hương và gia đình, hãy yên tâm, tui sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là người con của quê hương Bình Thuận”.

Bốn “chiến hạm” 561, 571, Trường Sa 01 và KN 490 của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã xuất kích ra khơi đem mùa xuân ra “pháo đài canh biển”. Dẫu chuyến biển cuối năm gian khổ khó lường bởi sóng to gió lớn với bao nỗi niềm chung riêng, nhưng chắc chắn họ sẽ trở về cập bến an toàn sau 20 ngày “vượt sóng”. Niềm vui của các thủy thủ trên những con tàu ấy chỉ trọn vẹn khi hàng trăm tấn hàng quà Tết chuyển đến tận tay quân và dân Trường Sa an toàn và bình yên trở về.

Cuộn gói trong những phần quà Tết là tình cảm của hậu phương đối với người tiền tuyến. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa hãy yên tâm công tác, nhân dân cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng luôn là hậu phương lớn mạnh để các đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Mai Thắng