Những ngày cuối tháng 11-2023, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) hoàn tất Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group), thì lập tức vụ án  “chiếm sóng” trên mặt báo, còn dư luận xã hội thì bàng hoàng. Tháng 11-2022, Ban Chỉ đạo T.Ư về “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vụ án này vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Con đường của “quyền lực tuyệt đối”

VTP Group tiền thân là Công ty tư doanh Vạn Thịnh Phát được thành lập năm 1991 do Chủ tịch Tập đoàn,bà Trương Mỹ Lan sáng lập, sau Công ty chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát.

Năm 2012, Công ty vươn mình thành Tập đoàn, dần dần hình thành nên cái gọi là “Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” (mạng lưới kinh doanh hoàn chỉnh).

Hệ sinh thái VTP Group  có khoảng 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm này được chia thành nhiều “tầng”, “nấc”, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Theo KLĐT, bà Lan và các thành viên trong gia đình (con gái, cháu gái) sở hữu lượng cổ phần lớn tại nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, hay CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú. Trong đó, Công ty Việt Vĩnh Phú còn có 3 cổ đông đều có quốc tịch từ "thiên đường thuế" British Virgin Islands (quần đảo Virgin, thuộc Anh).

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo cấp dưới lập các công ty "ma" nhằm vay vốn khống, rút tiền từ Ngân hàng SCB. Cấp dưới thực hiện các công việc gồm đặt tên công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò là người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở công ty, chọn ngành nghề kinh doanh...

Với SCB, bà Lan thành “bà chủ” nhà băng, có “quyền lực tuyệt đối” như thế nào?

Trước năm 2011, bà Lan sở hữu phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất. Để sát nhập hai nhà băng này vào Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và thâu tóm quyền lực, bà Lan phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần.

Để thực hiện tham vọng này, bà Lan bố trí người thu gom 80-98% cổ phần của 3ngân hàng. Tháng 1-2012, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) ra đời trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, 1 cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% cổ phần của 1 ngân hàng, bà Lan chỉ đứng tên hơn 4%, còn 80% nhờ 74 người khác. Đến năm 2018, bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần ở SCB dưới danh nghĩa của 27 pháp nhân, cá nhân.

Tính đến tháng 10-2022, SCB có 1 hội sở chính ở TP. Hồ Chí Minh, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Vốn điều lệ thời điểm này là 15.000 tỷ đồng với hơn 4.100 cổ đông.

Đó thực sự là một “ma trận” để thực hiện hành vi siêu lừa đảo, qua mặt cơ quan chức năng, đưa vào nhận hối lộ.... gây thiệt hại đặc biệt lớn, nghiêm trọng.

Thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng

Bà Lan không nắm chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng là cổ đông chính ở đây, thời điểm ít nhất cũng giữ 85% cổ phần. Có được SCB, bà Lan đã dùng SCB làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân mình; cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào. Bước đầu Cơ quan Điều tra xác định bà Lan và đồng phạm lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Cơ quan điều tra cũng xác định, bà Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.

Bà Lan - “CEO quyền lực” một thời, bị đề nghị truy tố về các tội:Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. Ngoài ra, 85 bị can khác bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản; vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Do 7 bị can đang bỏ trốn nên Bộ Công an đã phát lệnh truy nã. Những người bị truy nã gồm: Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB), Chiêm Minh Dũng (cựu Phó Tổng giám đốc SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên Hội đồng Quản trị SCB), Sun Henry Ka Ziang (thành viên Hội đồng Quản trị SCB, quốc tịch Trung Quốc), Lam Lee George (cựu thành viên Hội đồng Quản trị SCB) và Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc chi nhánh Bến Thành SCB). Ngoài 3 tội danh đó, bà Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố thêm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.  

Vụ án tại VTP Group, SCB và các đơn vị liên quan là đặc biệt nghiêm trọng với rất nhiều "kỷ lục". Đó là "kỷ lục" về số bị can, về số tiền bị chiếm đoạt, thời gian diễn ra vụ việc, số lượng người bị tác động. Và đặc biệt là "kỷ lục" về hệ lụy với nền kinh tế cũng như niềm tin của người dân vào hoạt động tín dụng.

Ngô Đức Hành

(Còn nữa)

Bài 2: “Báo động đỏ” về hoạt động thanh tra!