Tiến sĩ - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin Liên lạc Đặng Đình Công giới thiệu về “Luận chứng kinh tế kỹ thuật” về “Dự án thay thế, mở rộng hệ thống truyền dẫn biển - bờ”.
Để kết nối mạng lưới thông tin giữa 50 giàn khoan dầu khí ngoài thềm lục địa phía nam Tổ quốc với đất liền, ông làm việc với tất cả say mê, nhiệt huyết, bản lĩnh và tác phong mau lẹ của người lính để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất cho “hành trình kết nối mạng lưới thông tin biển - bờ”. Ông được ví như “người hùng thầm lặng” giữa thế giới mạng công nghệ thời đại số 4.0. Ông là Tiến sĩ Đặng Đình Công - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và liên lạc - Phó chủ tịch Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Chủ tịch Hội CCB Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.
Lặng thầm cống hiến
Khó có thể miêu tả được những khó khăn, nhọc nhằn của cán bộ, kỹ sư, chuyên viên thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin và Liên lạc (viết gọn là Trung tâm)khi lần đầu đến “thực mục sở thị” nơi làm việc của họ mà Chủ tịch Hội CCB Vietsovpetro Đặng Đình Công làm Giám đốc. Chỉ biết họ như những con ong chăm chỉ miệt mài trước máy tính để theo dõi vận hành “đường truyền thông tin” giữa 50 giàn khoan dầu khí ngoài thềm lục địa phía Nam với đất liền và sẵn sàng “xử lý” khi sự cố xảy ra.
Chủ tịch Đặng Đình Công cho biết: Nhìn các kỹ sư chuyên viên bên máy tính tưởng nhàn, nhưng thực chất não họ đang xử lý hàng trăm dữ liệu thông tin. “Để mạch máu thông tin liên tục kết nối giữa biển với bờ, trong bất luận trường hợp nào, chúng tôi cũng phải chủ động như người cầm cương con ngựa, để ngay lập tức ứng phó nhanh, xử lý ngay, nên tất cả các kỹ sư được cài đặt phần mềm làm việc trong điện thoại. Ở đâu cũng có thể xử lý ngay được công việc. Hệ thống thông tin thông suốt, đồng nghĩa với sự cống hiến thầm lặng của các kỹ sư chuyên viên của Trung tâm. Vào làm việc là vào vị trí chiến đấu”- Tiến sĩ Đặng Đình Công chia sẻ.
Trung tâm là đơn vị hàng đầu nghiên cứu, xây dựng, triển khai, vận hành, khai thác, quản lý toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. 5 năm qua, là những năm Trung tâm đột phá vào nhiều lĩnh vực công nghệ 4.0, với tinh thần sẵn sàng “đi tắt đón đầu”, mà Hệ thống giao ban trực tuyến không dây CCM toAvaya UC là một ví dụ. Thay vì trước đây giao ban tập trung, thì nay giao ban trực tuyến thông qua thiết bị điện thoại di động. Đến giờ giao ban, khác với trước đây tập trung, thì nay “ai đâu ngồi đó”, thậm chí đang lái xe cũng tham gia giao ban bình thường. Nhưng để làm được như thế, đường truyền phải rất ổn định, âm thanh phải to, rõ... Hiệu quả mang lại rất nhiều, nhất là thời gian và kinh phí công tác, nhiệm vụ được triển khai hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Hay như công trình “Văn phòng điện tử VSP eOffic”, hiện nay đang sử dụng, không những hiệu quả cao trong làm việc, mà còn tạo cảm hứng để các kỹ sư của Trung tâm tiếp tục có những “sáng tạo đột phá” mới, đồng thời thay đổi nhận thức tư duy quản trị mạng theo tiêu chí công nghệ số của mỗi kỹ sư...
Là Giám đốcTrung tâm, Chủ tịch Đặng Đình Công luôn miệt mài với “núi việc không tên”. Nhưng điều hạnh phúc nhất là ông được đem kinh nghiệm, trí tuệ của mình phục vụ cho những công trình mạng ngoài biển. Ông chia sẻ, công việc của ông và đồng nghiệp là quản trị các hệ thống công nghệ TTLL, bao gồm hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống máy chủ, hệ thống bảo mật an ninh mạng và các hệ thống phần cứng chuyên dụng khối địa chất khai thác ERP.
“Núi” công việc ấy, khiến ông và các cộng sự có những lúc “ăn trên máy, ngủ trên máy”; làm việc thầm lặng không có ngày nghỉ và bất kể ngày, hay đêm, khi các đơn vị sản xuất, hoặc giàn khoan có yêu cầu về công nghệ thông tin là phải nhanh chóng hỗ trợ và xử lý ngay.
Khát vọng vươn xa
Chủ tịch Hội CCB Vietsovpetro - Tiến sĩ Đặng Đình Công cho tôi xem cuốn “Luận chứng kinh tế kỹ thuật” về “Dự án thay thế, mở rộng hệ thống truyền dẫn biển -bờ” với các hạng mục kết nối thông tin trong tương lai khoa học và sáng tạo hơn do ông làm chủ đề tài. Công trình đã được 26 đại diện các tổ chức liên quan ký nhận. Đây là công trình được ông ấp ủ từ nhiều năm trước. Hiện nay, Công trình đã được chấp thuận và đang tiến hành những thủ tục khoa học cần thiết để triển khai. “Vượt lên trên giá trị kinh tế làm lợi cho Vietsovpetro hàng triệu USD, là giá trị tinh thần vượt trội chưa từng có trong lịch sử phát triển công nghệ thông tin Ngành Dầu khí Việt Nam trong tiền lệ” - Tiến sĩ Đặng Đình Công cho hay.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, khi Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng,sẽ có hàng nghìn công việc được tự động hoá. Ví dụ, như việc vận chuyển hàng hoá, giữa tàu biển và giàn khoan. Thay vì như trước đây các tàu chở hàng hoá từ đất liền ra giàn khoan được “hiệp đồng chặt chẽ” giữa tàu và trưởng giàn từ trước đó; thì nay “công đoạn” ấy không còn nữa, mà hoàn toàn “automatic”. Hay khi tàu từ bờ mang hàng cho các giàn khoan ngoài biển, không có sự hiệp đồng nào nhưng thuyền trưởng vẫn biết tàu đến cấp hàng cho giàn khoan nào trước, giàn khoan nào sau là do hệ thống thông tin truyền dẫn tự động “khai báo” giàn khoan nào đang cầu “nhận hàng”. Tàu sẽ đến cấp hàng cho giàn khoan đó một cách tuyệt đối chính xác; Còn khi băng thông được mở rộng, thì tất cả công nhân đang lao động ngoài 50 giàn khoan có thể nói chuyện với người thân ở đất liền hoặc nước ngoài qua mạng zalo, facebook như ở đất liền mà không cần (nói đúng hơn là không có) trạm chuyển tiếp. Các hệ thống cứu hộ, cứu nạn toàn cầu (GMDSS), vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa cũng hoàn toàn được tự động hoá mà không cần có sự tác động cơ học từ con người...
Giờ đây, trong giai đoạn phát triển như vũ bão của nền kinh tế tri thức, người CCB gương mẫu ấy đang dồn tâm sức cùng đồng chí, đồng đội bước vào hành trình mới - hành trình ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, điều hành của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro không ngừng phát triển nhanh và bền vững.
Bài, ảnh: Mai Thắng