Một thời chính quyền Hà Nội từng “đau đầu” tìm giải pháp quản lý người bán báo dạo, do họ dùng loa, gây ra tiếng ồn ở một thành phố đã “quá tải” về mọi thứ.

Khi chưa tìm ra giải pháp thì internet bùng nổ, báo điện tử phát triển, điện thoại thông minh ra đời, mạng xã hội lên ngôi... đã “khai tử” nghề bán báo dạo. Không chỉ thế, các sạp bán báo in hiện nay ở Hà Nội còn rất ít. Ở những nơi bán tạp hóa còn treo lủng lẳng báo in, số đầu báo thưa thớt dần. Tất cả các báo in đều sụt giảm số lượng bản in theo phương “thẳng đứng”.

Chưa bao giờ thị trường báo in “ảm đạm” như hiện nay. Và, điều thấy rõ là tương lai không “sáng sủa” trở lại. Đó cũng là xu thế, nhất là khi cuộc cách mạng 4.0 đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Có những tiến bộ của khoa học công nghệ vượt ngoài dự đoán, thậm chí gây sửng sốt cho loài người, mà điển hình là trí tuệ nhân tạo (AI). Kéo theo cơn lốc phát triển của khoa học công nghệ là chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số... cũng từng bước phát triển tương ứng.

Một điều dễ thấy là, công nghệ đang chi phối mạnh mẽ đến nội dung tác phẩm báo chí. Công nghệ chi phối cả cách thức làm nội dung truyền thông. Công nghệ báo in hiện tại đã trở nên lạc hậu so với thời đại truyền thông công nghệ mới...

Chính vì thế mà báo in không chỉ phải cạnh tranh với phát thanh, truyền hình, báo điện tử, mà còn cạnh tranh với cả mạng xã hội. Cuộc cạnh tranh này cũng không phải chỉ có báo in mà tất cả các phương tiện truyền thông đều đang đối mặt.

Vậy, tương lai nào cho báo in truyền thống?

Có ý kiến cho rằng, báo in sẽ “không chết” mà là “tồn tại hay không tồn tại”. Đúng vậy, báo in truyền thống luôn có “lợi thế” riêng, vượt trội hơn báo điện tử và các loại hình báo chí khác. Một là, trong xã hội, bộ phận bạn đọc vẫn duy trì thói quen đọc báo in còn tồn tại lâu dài. Tức là nhu cầu đọc báo in truyền thống chưa mất đi. Hai là, độ chính xác, tin cậy của báo in cao hơn các hình thức báo chí khác. Đặc biệt là báo in bảo đảm yên tâm về chất lượng thông tin. Và đây được coi là ưu thế “mấu chốt” của báo in truyền thống. Ba là, việc lấy cắp bản quyền, copy thông tin trên báo in diễn ra chậm hơn trên báo điện tử. Bốn là, báo in có giá trị về lưu trữ thông tin, tra cứu, trích nguồn hơn báo điện tử và các loại hình khác.

Đồng thời báo in truyền thống trong thời đại công công nghệ số cũng được làm mới bằng chính công nghệ số, mà điển hình là công nghệ in, trình bày. Chúng ta dễ nhận ra, việc ứng dụng công nghệ trong trình bày báo (kể cả tạp chí) in hiện nay, nhất là ở các ấn phẩm “chủ nhật”, “cuối tuần” của các cơ quan báo đã rất  thông thoáng, bắt mắt; hình thức trình bày không chỉ đẹp mà còn chuyển tải cả nội dung của bài báo; chuyển tải ý tưởng của Tòa báo.

Đó là những lý do để khẳng định vị trí của báo in trong công chúng, bạn đọc là không thể thiếu và nó có những thế mạnh dường như báo điện tử không thể sơm đạt đến được.

Nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng, chuyển đổi số báo chí không chỉ là xu thế mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan báo chí hiện nay; như Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tuy nhiên, phải hiểu “chuyển đổi số” không đồng nghĩa với “điện tử hóa” báo chí.

Chuyển đổi số là một nội hàm, hướng đến việc thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả. Để làm được việc này, thực hiện được sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội không có cơ quan báo nào “đứng ngoài” chuyển đổi số mà vẫn tồn tại. Hay nói cách khác, các cơ quan báo chí vừa nâng cao chất lượng thông tin trên báo in, vừa phải sẵn sàng chuyển đổi số, tối ưu hóa quản trị. Đồng thời, báo in phải là sản phẩm báo chí chất lượng cao, khẳng định được ưu thế không chỉ “trong lòng bạn đọc truyền thống” mà phải đủ sức quyến rũ cả những bạn đọc quen đọc báo điện tử.

Bước đi “thì tương lai” của báo in là số hóa bản in; chuyển bản in bằng công nghệ mới đến công chúng tiếp nhận ở dạng file số...  Hiện nay, trên giao diện điện tử của các báo in (đồng thời có giấy phép hoạt động điện tử), độc giả còn có  file số của từng số báo in được giới thiệu trên giao diện điện tử. Nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế.

Dù sao vẫn phải thấy một thực tế, doanh thu của báo chí truyền thống đang sụt giảm rất lớn. Để báo in truyền thống hoàn thành được sứ mệnh của mình, cùng với các giải pháp của các cơ quan báo chí; tiếng nói chung hiện nay vẫn là: Nhà nước cần tăng cường "đặt hàng" báo chí và có cơ chế mới để báo in đến với bạn đọc của mình.

Ngô Đức Hành