Tượng của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội).

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Nguyễn Trãi (1380-1442) là Danh nhân Văn hóa thế giới vào năm 1978, tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) là Danh nhân Văn hóa thế giới vào năm 2013. Bởi vậy, thật thú vị khi vào mùa xuân chúng ta được nghe tâm sự của những Danh nhân Văn hóa thế giới này trong những bài thơ.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Trãi có cái đẹp của thiên nhiên, nhưng vẫn chan chứa tình người

Nguyễn Trãi không chỉ là quân sư giỏi của khởi nghĩa Lam Sơn, người có công lớn trong việc giải phóng dân tộc ta thoát khỏi sự đô hộ của giặc Minh, mà còn là một nhà văn, một nhà thơ nổi tiếng. Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, UNESCO đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Thơ Nguyễn Trãi là tâm hồn của Nguyễn Trãi, trong sáng và đầy sức sống. Thơ Nguyễn Trãi... là thơ của một người yêu đời, yêu người; tâm hồn Nguyễn Trãi sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui” (Phạm Văn Đồng - “Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1973, tr.318-319).

Tác giả Hoài Vân trên Báo Tổ quốc - Báo điện tử của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch thì viết: “Với Nguyễn Trãi đọc thơ xuân hóa ra đọc được cả con người”.

Với tâm hồn “yêu đời, yêu người”, mùa xuân trong thơ Nguyễn Trãi có cái đẹp của thiên nhiên nhưng vẫn chan chứa tình người:

Độ đầu xuân thảo lục như yên,

Xuân vũ thiêm lai thuỷ phách thiên.

Dã kính hoang lương hành khách thiểu,

Cô châu trấn nhật các sa miên.

(“Trại đầu xuân độ”)

Dịch thơ:

Cỏ xuân đầu bến xanh như khói

Thêm lại mưa xuân trời nước đầy

Đường nội vắng teo hành khách ít

Thuyền côi gác bãi ngủ thâu ngày

(“Bến đò xuân đầu trại”)

Và mùa xuân cũng khiến con người Nguyễn Trãi thêm “yêu đời, yêu người”:

Nhãn biên xuân sắc huân nhân túy

(“Hải khẩu dạ bạc hữu cảm”)

Dịch thơ:

Sắc xuân bên mắt khiến người say

(“Đêm đậu thuyền ở cửa biển cảm hứng”)

Với Nguyễn Trãi, khi vạn vật “bén” hơi xuân cũng là lúc tâm hồn ông thăng hoa. Nhờ vậy tâm hồn “trong sáng và đầy sức sống”, “yêu đời, yêu người” của Nguyễn Trãi đã “sống một nhịp với non sông đất nước tươi vui”:

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm

Đầy buồng lạ, màu thâu đêm

Tình thư một bức, phong còn kín

Gió nơi đâu, gượng mở xem

(“Cây chuối”)

Trong thời khắc mùa xuân sắp qua, Nguyễn Trãi đã nuối tiếc và... làm thơ. Trong tiếng cuốc kêu, Nguyễn Trãi như thấy  xuân đang đang già đi, tức là xuân đã muộn:

Nhàn trung tận nhật bế thư trai,

Môn ngoại toàn vô tục khách lai.

Ðỗ Vũ thanh trung xuân hướng lão,

Nhất đình sơn vũ luyện hoa khai.

(“Mộ xuân tức sự”)

Dịch thơ:

Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn

Khách tục không ai bén mảng gần

Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn

Ðầy sân mưa bụi nở hoa xoan

(“Chiều xuân tức cảnh”)

Do đó, Nguyễn Trãi cũng khao khát được trẻ lại và nuối tiếc vì tuổi trẻ đã qua:

Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,

Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.

(“Tích cảnh” bài 3)

Đại thi hào Nguyễn Du là một người rất thích mùa xuân

Tượng đại thi hào Nguyễn Du tại Khu lưu niệm ở quê hương Nghi Xuân (Hà Tĩnh). 

Nguyễn Du được biết đến là “đại thi hào của dân tộc Việt Nam”. Tháng 12-1964, tại T.P Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du vào năm 1965. Đây là sự ghi nhận với những cống hiến của đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại. Ngày 25-10-2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng UNESCO họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du và khuyến nghị các nước tổ chức 250 năm ngày sinh của ông vào năm 2015.

Đại thi hào Nguyễn Du là một người rất thích mùa xuân, rất thích vẻ đẹp của mùa xuân dù cuộc đời ông luôn u sầu vì thời thế. Ông viết:

Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật

(“Mộ xuân mạn hứng”)

Dịch thơ:

Một năm xuân đẹp chín mươi ngày

(“Làm thơ vào cuối xuân”)

Và:

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Truyện “Kiều”)

Với chim én bay đi bay lại, chao liệng như thoi đưa, đại thi hào Nguyễn Du cho thấy ngày xuân trôi qua nhanh. Bởi thời điểm này đã bước sang tháng ba. Tuy nhiên, cảnh xuân lúc này là một bức họa tuyệt đẹp. Màu xanh là chủ đạo nhưng “điểm” vào đó là một tí màu trắng khiến cảnh vật thật dịu êm và thanh khiết, khiến người đọc có một cảm giác vô cùng dễ chịu.  

Huế, ngày 3-2-2023

Nguyễn Văn Toàn