Hằng năm, cứ vào cuối tháng tám âm lịch, đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long lại tưng bừng đóng chào lễ Tết Đôn ta theo phong tục cổ truyền.
Nếu người Việt có lễ Vu lan (rằm tháng bảy) thì đồng bào Khmer có lễ Tết Đôn ta nhằm tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ và người thân; tạ ơn những người đã khuất và cầu phúc tốt lành cho những người còn sống. Từ đó tạo nên sự gắn kết, nối liền mạch giữa quá khứ và hiện tại, tương lai; giữa cháu con với Tổ tiên, ông bà.
“Đêm đêm thắp ngọn đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.
Câu ca dao bộc lộ tấm lòng thành của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Đó là một nét đẹp văn hóa quý báu có tự nghìn xưa. Con cháu luôn bày tỏ tấm lòng của mình đối với bậc sinh thành. Lòng hiếu thảo, sự tri ân là truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Việt cũng như đồng bào Khmer.
Đây cũng là “mùa báo hiếu” bởi thời điểm này là lúc vụ mùa, cày cấy trên đồng đã xong xuôi. Mọi người có dịp nghỉ ngơi, gọi là mùa “nông nhàn” để có sức khỏe cho vụ mùa sắp tới.
Theo các bậc cao niên trong phum, sóc, lúc này nếu ra ngoài đồng sẽ nghe văng vẳng trong gió từ rất xa tiếng chim trời kêu tha thiết. Họ cho đó là “Chim Tổ tiên”; báo hiệu cho mọi nhà, mọi người chuẩn bị thật tốt, thật vui, thật ý nghĩa cho lễ Tết Đôn ta sắp đến. Tiết trời giữa mùa mưa mát mẻ, trong lành rất thuận lợi cho những ngày lễ Đôn ta được tổ chức trong ba ngày (từ 29-8 đến 1-9 âm lịch) với đầy đủ nghi thức cổ truyền từ xưa do Tổ tiên, ông bà truyền lại.
Nếu trong ngày lễ Vu lan; người Việt, người Hoa lên chùa dâng hoa, dâng hương, bánh trái để cúng Phật, cúng ông bà thì lễ Đôn ta của người Khmer diễn ra trong ba ngày. Mỗi ngày của lễ đều có những trình tự công việc cúng bái khác nhau; tạo nên những nét đặc sắc của các ngày lễ.
Ngày cúng thứ nhất: Trước hết, con cháu trong nhà quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp; dọn dẹp, trang trí bàn thờ Tổ tiên để chuẩn bị cho việc cúng ông bà. Tiếp theo, giường được trải chiếu mới và gối mới, chăn màn mới. Ý nghĩa của các công việc này là chuẩn bị mọi thứ tốt nhất cho ông bà, Tổ tiên về vui Tết cùng con cháu.
Khi các công việc đã ổn định, mọi người thành kính đưa bánh, trà thơm và dọn một mâm cơm có bốn cái bát và thắp đèn, đốt nhang khấn vái; kính mời Tổ tiên, ông bà về vui lễ và độ trì cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn khấm khá. Liền đó, gia đình cử người qua nhà lối xóm, mời họ qua để cùng cúng vái.
Tiếp theo, người chủ lễ cúng rót ba tuần (lần) rượu, nước trà thơm vào ly nhỏ và cùng mọi người trong lễ cúng xới cơm, gắp thức ăn vào chén, đổ trà, rượu vào chung (lya). Tiếp đó, mọi người mang ra sân, đổ xuống chân hàng rào. Ý nghĩa của việc làm này là mời “ma quỷ” đã đưa ông bà, Tổ tiên về nhà và cùng ở lại trong ba ngày lễ, sau đó đưa giúp ông bà, Tổ tiên về lại nơi cũ.
Cúng buổi sáng gọi là “Cúng tiếp đón”: Rước ông bà, tổ tiên về chung vui ba ngày lễ cùng mọi người, cùng con cháu. Buổi chiều, sau khi tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới; mọi người lại cúng ông bà, Tổ tiên.
Sau khi làm lễ xong, người chủ lễ “kính mời” ông bà, Tổ tiên cùng vào chùa để nghe các vị sư sãi tụng kinh lấy phúc và cùng “đi xem” múa hát trong chùa. Lúc này, mọi người đều cảm thấy vui vẻ, phấn chấn, vì họ nghĩ rằng đang có ông bà, Tổ tiên về vầy cùng con cháu.
Ngày cúng thứ hai của lễ Đôn ta, theo trình tự lễ cúng, thì linh hồn ông bà, Tổ tiên đã ở trong chùa một ngày và một đêm. Lúc này, mọi người làm lễ để rước ông bà, Tổ tiên về lại nhà mình, tiếp tục “vui chơi” cùng con cháu một đêm nữa. Ý nghĩa của việc cúng này là mọi người luôn cảm thấy ông bà, Tổ tiên luôn có mặt, theo giúp đỡ cho con cháu, người thân.
Ngày cúng thứ ba được gọi là “Cúng đưa”. Mỗi gia đình chuẩn bị thức ăn, bánh trái, nhang đèn như ngày đầu để làm lễ cúng ông bà tại nhà trước khi đưa tiễn linh hồn người quá cố “lên đường”. Trình tự cúng cũng như trước. Ý nghĩa của công việc này là đưa tiễn ông bà, Tổ tiên trở về nơi cũ. Những thức ăn ngon, trà thơm, rượu ngon… là để dành cho các linh hồn dùng dọc đường, không lo bị đói. Trên tàu buồm, mọi người treo cờ phướn hình tam giác bay phấp phới trong nắng sớm. Ngoài ra còn vẽ hình cá sấu, tắc kè ở đầu và đuôi chiếc tàu buồm nhằm trừ ma quỷ, tránh mọi trục trặc trên đường trở về để tàu buồm “thuận buồm xuôi gió”.
Toàn bộ công việc đã hoàn tất. Mọi người trịnh trọng, thành kính mang chiếc tàu buồm thả trên sông, rạch gần nhà trong tiếng tụng kinh thành kính của các vị sư sãi. Sau buổi “tiễn” tàu buồm, mọi người trở về nhà và mời anh em, họ hàng, lối xóm dùng bữa cơm thân mật và ca hát vui vẻ. Nhiều gia đình mời ông Lục đến tụng kinh để thêm phần trang trọng cho buổi cúng…
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào Khmer ngày càng no ấm, hạnh phúc. Những ngày lễ Tết Đôn ta; đồng bào Kinh, Hoa trong các làng, xã lân cận cũng được mời chung vui cùng đồng bào Khmer; thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm trong tinh thần đoàn kết thương yêu nhau.
Đây là một nét đẹp truyền thống cần được giữ gìn và phát huy.
Thạch Hoài Lam