Lá thư cuối cùng tiếp theo số 1453

“Em yêu quý!

Trước giờ xuất phát, giờ thiêng liêng và vinh quang của dân tộc, biết tâm sự gì với em đây. Ngày vinh quang nhất, ngày mong ước nhất của sự đoàn tụ của gia đình sẽ đến và đến rất gần, nhưng anh còn để cho em đón, hay trong cuộc chiến đấu từ đây anh sẽ vĩnh biệt em và các con thân yêu? Điều này chúng ta không thể nói trước ngay bây giờ được vì lúc này sự hy sinh là cần thiết, không có hy sinh thì không có ngày thắng lợi và chúng ta cũng không bao giờ được đoàn tụ, tuy nhiên không phải là hy sinh cả. Nhưng, anh muốn cùng em tâm sự trong những giây phút thiêng liêng này để xác định cho anh tư tưởng của người chiến sĩ Cộng sản, sẵn sàng xả thân cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng và cho cả hạnh phúc của em và các con nữa. Nếu có hy sinh thì cũng đã làm xong mọi việc đối với Tổ quốc, dân tộc …(thư mất một đoạn)…, người đồng chí và là người bạn yêu quý nhất của đời anh, những điều tâm huyết.

Em yêu quý!

Nếu chúng ta (anh hoặc em) chưa cần sự hy sinh thì chúng ta sẽ mơ ước những điều gì mà em muốn, nhưng, nếu… thì từ đây, anh sẽ mong cho em và các con trong cuộc sống ngày càng đầy đủ và hạnh phúc. Sống bên em trong thời gian ngắn ngủi, có những lúc sóng gió cam go, nhưng anh thấy em đã đem lại cho anh những gì yêu thương nhất, khó tả. Tim hình như lúc nào cũng cùng đập một nhịp, máu cùng hòa chung một dòng, anh cứ thấy em với anh như cùng sinh một ngày và cùng một mẹ. Hình ảnh của em không bao giờ phai mờ trong trí tưởng tượng của anh “người vợ yêu dấu và hiền hậu”. Vì vậy mà trước giờ xuất trận để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc, không thể không tâm sự với em. Nếu có phải vĩnh biệt, thương nhớ em vô cùng…. Chúng ta là người Cộng sản, người theo chủ nghĩa duy vật, ta không hẹn… (mất một đoạn)…, nhưng sẵn sàng xả thân cho sự nghiệp cách mạng khi cần thiết và trong ký ức của chúng ta không bao giờ phai mờ những gì yêu quý, thiêng liêng của những ngày chung sống… (Đang viết thì mấy quả bom nữa nổ bên cạnh, phải xuống hầm, bây giờ viết tiếp cho em đây. Thế là chẳng có gì xảy ra, đó chỉ là sự giãy giụa của con thú giữ sắp chết thôi).

Em thân yêu! Em và các con đang làm gì? Chỉ còn mấy tiếng nữa là Giao thừa, chấm dứt một năm thắng lợi đầy vinh quang và để đón một mùa xuân ca khúc khải hoàn… (mất một đoạn dài)…Chuyển lời cho anh nói với thầy mợ, anh thương thầy mợ và các anh chị em trong gia đình vô cùng. Thôi, cho anh dừng bút, viết mấy cũng thấy thương nhớ em nhiều. Hẹn ngày đón em không còn xa nữa. Hôn em nhiều trước giờ chiến đấu.

Anh của em.

Mồng Một Tết Mậu Thân.

                                    Đô”.

Cuối năm 1970, đơn vị của Trần Đô gửi giấy báo tử về gia đình qua Ban Chính trị Viện quân y 110. Đồng chí Đặng - Phó chính ủy Bệnh viện cho mời chị Nga lên trao tờ giấy ác nghiệt đó. Chi Nga chết lặng người! Hồi lâu, chị mới hỏi được một câu trong nước mắt: Nhà em hy sinh bao giờ và ở đâu? Đồng chí Phó chính ủy bệnh viện cũng chỉ biết trả lời theo Giấy báo tử, rằng: Trung tá Trần Đô - Phó ban Binh vận Mặt trận Trị Thiên hy sinh ngày 15-2-1968 trong khi chiến đấu, tại Hương Thủy, Thừa Thiên…

Thế là đêm hôm đó, trong tâm trạng đau đớn tột cùng, chị Nga lục lại những lá thư của anh gửi về “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Đến là thư cuối cùng của anh, chị ghi một dòng vào cuối thư: “Thế là hết ngày ấy anh đi mãi/ Còn mong chi ngày trở lại Đô ơi!”.

Từ đó, chị Nga ở vậy thờ chồng, nuôi dạy hai con khôn lớn. Đứa tốt nghiệp đại học ngân hàng, đứa tốt nghiệp đại học dược; cả hai đều xây dựng gia đình, con cái ngoan, học giỏi.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng mẹ con chị Nga đã ba lần vào Nam tìm kiếm mộ liệt sĩ Trần Đô, nhưng chưa được. Trong nhật ký “Con đi tìm Ba” mùa hè năm 2000, người con rể - dược sĩ Đỗ Văn Đông, có bài thơ làm xúc động bao người:

Con đi tìm Ba

Con đi tìm Ba suốt chiều dài đất nước

Khắp các nẻo đường Ba đã đi qua.

Vẫn còn nguyên Hương Thủy, Hương Trà

Núi Ngự Bình vẫn trong tròn, ngoài méo.

Con bước trên bờ sông An Cựu

Nước dưới dòng vẫn nắng đục, mưa trong

Con đi tìm Ba giữa vô tận mênh mông.

Trong ký ức của những người sống sót

Con đi tìm các cô, các bác

Các chú, các anh cùng chiến đấu năm nao

Chia đạn, sẻ cơm, chung một chiến hào

Ba mươi hai năm kẻ còn người mất

Con đi tìm Ba với ước mong khao khát

Cháy bỏng trong lòng suốt mấy chục năm qua

Com muốn Ba nằm giữa đất quê nhà

Cung Tiên tổ để cháu con hương khói.

Ba ở đâu, sao Ba chẳng nói?

Đất thì dày, trời thì rộng bao la.

Con đi tìm Ba, đi giữa tháng ba

Nắng đã cháy trên các cồn cát trắng

Nhưng ngôi mộ vô danh nằm im lặng

Xếp thẳng hàng trong các nghĩa trang

Cả cuộc đời danh vọng đã chẳng màng

Khi ngã xuống không một dòng tên tuổi!

Ba ở đâu, sao Ba chẳng nói?

Con đi tìm Ba, Ba có hay không?