Các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Nguyễn Hòa Bình và Dương Văn Thái trò chuyện với các CCB Trung đoàn Đề Thám.

Sáng 20/2, UBND hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ngãi tổ chức gặp mặt cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn Đề Thám tỉnh Bắc Giang chiến đấu ở chiến trường Quảng Ngãi.

Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND Tối cao, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Trung tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Quân khu 1; Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang; Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi.

Dự buổi gặp mặt còn có Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Bắc Giang và Quảng Ngãi; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty điều hành Dầu khí Phú Quốc và các CCB Trung đoàn Đề Thám trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt những CCB Trung đoàn Đề Thám, Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm cho biết, ngày 9/4/1965, tại thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Trung đoàn Bộ binh 21 (Trung đoàn Đề Thám) được thành lập, biên chế gồm 3 tiểu đoàn, phần lớn là con em của nhân dân 2 tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang, Bắc Ninh) và Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương, Hưng Yên) để vào miền Nam chiến đấu. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh lớn ở chiến trường quân khu 5, nhất là địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Đơn cử như trận đánh ở điểm cao 62, huyện Sơn Tịnh; trận đánh tiêu diệt tiểu đoàn địch ở Cẩm Khê…

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với CCB Trung đoàn Đề Thám.

Để có được những chiến thắng vang dội đó, ngoài sự mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn còn có sự giúp đỡ vô cùng to lớn của người dân địa phương. “Chúng tôi rất phấn khởi được gặp nhau để ôn lại những kỷ niệm một thời gian khổ ác liệt của chiến tranh. Chúng tôi luôn đau đáu muốn được thăm chiến trường xưa, thăm các mẹ, các chị cùng người dân Quảng Ngãi đã không ngại gian khổ, hy sinh để cưu mang, nuôi giấu, chở che các chiến sĩ con em Bắc Giang trong những năm tháng khó khăn ấy”, Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm nói.

Thay mặt thế hệ trẻ Bắc Giang, Thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Bộ CHQS tỉnh nêu cảm nghĩ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng tinh thần sẵn sàng xung phong đảm nhận những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi thử thách ác liệt của các thế hệ cha anh vẫn tiếp tục truyền lửa, cổ vũ mạnh mẽ thế hệ trẻ ngày nay.

Khát vọng xây dựng quê hương, đất nước của thế hệ trẻ ngày nay cũng mãnh liệt và đầy thôi thúc như khát vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc của thế hệ cha anh năm xưa. Quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh sẽ là hành trang, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ Bắc Giang vững bước.

Đáp lại những công lao, hy sinh của các CCB Trung đoàn Đề Thám, đồng chí Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, Bắc Giang không chỉ là địa danh nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mang đậm văn hóa Kinh Bắc xưa mà còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sinh ra những người con ưu tú cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có Trung đoàn Đề Thám.

“Chúng tôi rất xúc động khi biết được những chiến công của Trung đoàn Đề Thám tại chiến trường Quảng Ngãi. Bên cạnh những trận đánh ác liệt, Trung đoàn còn tổ chức giúp người dân địa phương ở vùng địch vừa tàn phá, như sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống, giúp dân chống địch càn quét. Trung đoàn đã để lại hình ảnh vô cùng tốt đẹp cho người dân địa phương”, đồng chí Đặng Văn Minh cho biết.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao việc 2 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ngãi đã tổ chức buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này. Qua đây nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thể hiện sự tri ân đối với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ trong cuộc kháng chiến; đồng thời giáo dục truyền thống và truyền lửa cho thế hệ trẻ để bước tiếp trên con đường mà thế hệ cha anh đã lựa chọn.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình bày tỏ: “Tham dự buổi gặp mặt này, tôi trào dâng rất nhiều cảm xúc. Cảm phục vì lòng quả cảm, tinh thần xả thân của các chiến sĩ Trung đoàn vì miền Nam ruột thịt đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho cuộc kháng chiến; tự hào vì những chiến công mà các đồng chí đã lập nên; biết ơn vì những đóng góp rất to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cho sự nghiệp giải phóng miền Nam; xúc động vì những hy sinh, mất mát của các đồng chí”.

Theo đồng chí Nguyễn Hòa Bình, cả hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ngãi đã dành nhiều nguồn lực chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công. Trong thời gian tới, hai tỉnh cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các CCB, thân nhân các liệt sĩ Trung đoàn Đề Thám để cải thiện đời sống; mong các CCB tiếp tục phát huy truyền thống của Trung đoàn, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục con cháu mang tinh thần của Trung đoàn vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Dương Văn Thái đánh giá cao những chiến công, sự hy sinh, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đề Thám năm xưa. Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã được nhân dân Khu 5, trong đó có nhân dân tỉnh Quảng Ngãi hết lòng thương yêu, cưu mang, nuôi dưỡng, chở che, đùm bọc. Những câu chuyện cảm động mà các CCB của Trung đoàn đã viết thành sách và kể tại buổi gặp mặt hôm nay là minh chứng sinh động về sự gắn bó máu thịt thắm tình quân dân trong kháng chiến.

Nhiều chiến sĩ của Trung đoàn đã để lại một phần thân thể, nhiều đồng chí anh dũng hy sinh; thân thể các anh đã hòa vào đất mẹ xứ Quảng anh hùng, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ngãi.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp trong Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Hội CCB tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, các chính sách hậu phương quân đội, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các CCB nói chung, CCB Trung đoàn Đề Thám nói riêng; kịp thời phát động, tổ chức các hoạt động thiết thực giúp đỡ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, hoạn nạn.

Ngành Tuyên giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về những chiến công vẻ vang của Trung đoàn Đề Thám, những tấm gương dũng cảm kiên cường trong chiến đấu của CCB Trung đoàn để giáo dục, bồi đắp truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; phát huy tinh thần xung kích, quyết thắng của các thế hệ cha anh để tiến công chiếm lĩnh và làm chủ khoa học, công nghệ, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng quê hương Bắc Giang ngày càng phát triển.

Đối với một số kiến nghị của các CCB Trung đoàn, đồng chí Dương Văn Thái cho biết, hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ngãi sẽ sớm phối hợp tổ chức cho các CCB của Trung đoàn vào thăm lại chiến trường xưa. UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo Sở Nội vụ xem xét thành lập lại Ban liên lạc CCB Trung đoàn Đề Thám theo quy định.

Được biết, trước khi tổ chức buổi gặp mặt, các đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của tỉnh./.

Theo https://dangcongsan.vn/