640 người Afghanistan ngồi trong khoang máy bay C-17, vốn được thiết kế để chở tới 134 lính Mỹ, sơ tán khẩn cấp khỏi Kabul.

Báo tháng 9 - Quân Taliban tiến vào Kabul ngày 15-8 “dễ như chẻ tre”, chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ nhanh đến không ngờ khi Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lên máy bay sang quốc gia khác. 20 năm ròng can dự vào Afghanistan của Mỹ tan thành mây khói. Kế hoạch rút hết quân khỏi Afghanistan trước ngày 11-9-2021, kỷ niệm tròn 20 năm nước Mỹ bị tấn công cũng vì thế sẽ bị phủ bóng mờ.

Ai thắng? Ai thua? Ai lợi? Ai thiệt? Còn rất nhiều câu hỏi để trả lời cho kết cục cay đắng ở Afghanistan, nhưng trước mắt, hãy điểm lại quá trình triệt thoái quân của Mỹ, tạo khoảng trống để Taliban làm chủ Afghanistan.

Tháng 4-2021, Tổng thống Mỹ, Joe Biden thông báo từ ngày 1-4-2021 quân đội Mỹ sẽ bắt đầu rút khỏi Afghanistan và quá trình rút quân sẽ hoàn tất đúng dịp kỉ niệm lần thứ 20 nước Mỹ bị khủng bố tấn công. Quân đội các nước đồng minh trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng sẽ rút quân theo cùng lộ trình với Mỹ. Ông Biden giải thích cho quyết định của mình: “Chúng ta không thể tiếp tục vòng luẩn quẩn kéo dài và mở rộng sự hiện diện quân sự ở Afghanistan, hy vọng tạo ra các điều kiện lý tưởng để rút quân, và mong đợi một kết quả khác... Trong khi chúng ta không can thiệp quân sự và Afghanistan nữa, những công việc ngoại giao và nhân đạo của chúng ta sẽ tiếp tục. Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Afghanistan. Chúng ta sẽ tiếp tục hỗ trợ các lực lượng an ninh và quốc phòng của Afghanistan”.

Tuyên bố này có thể được kiểm chứng ngay từ trước ngày 15-8 khi Mỹ và đồng minh phải chịu sức ép lớn từ việc sơ tán công dân của mình và những người Afghanistan làm việc cho Mỹ và đồng minh vì sợ trả thù. Cũng có thể hiểu, với tuyên bố của ông Biden, việc rút quân của Mỹ và đồng minh đã không phải trong điều kiện lý tưởng, có nghĩa tình hình chưa được quân chính phủ Afghanistan kiểm soát. Trong khi cứu mình còn chẳng kịp khi quân Taliban tiến vào thủ đô, việc hỗ trợ cho các lực lượng an ninh và quốc phòng của Afghanistan là không thể, và thực tế, khi quân đội Afghanistan buông súng đầu hàng khi quân Taliban tiến tới; Mỹ không những không thể giúp mà còn thấy rõ nguy cơ những trang thiết bị quân sự mà Mỹ hỗ trợ quân đội Afghanistan giờ đây lại rơi vào tay Taliban.

Phát biểu của nhiều quan chức và giới tình báo Mỹ cho rằng họ bị bất ngờ và không thể dự báo việc Kabul thất thủ nhanh đến vậy. Nhưng nhìn lại, đây lại là cái kết đã được dự báo trước. Tháng 2-2020, tại cuộc đàm phán ở Doha, Qatar, Mỹ và Taliban đã thỏa thuận không cho phép những nhóm khủng bố quốc thế đe dọa Mỹ hay các lợi ích của Mỹ trên đất Afghanistan, và khuyến khích Taliban và chính quyền Kabul đạt được một thoả thuận hoà bình, hầu hết các mục đích an ninh trước đó của Mỹ và NATO cho Afghanistan đều bị loại bỏ. Washington cũng cam kết sẽ duy trì Đại sứ quán ở Kabul cũng như tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Afghanistan cũng như lực lượng an ninh của nước này.

Cam kết như vậy khiến chính quyền Kabul lúc đó nghe bùi tai. Tuy nhiên, xem kỹ ra bản cam kết đó giữa Mỹ và Taliban lại không có bất kỳ một cơ chế nào để thực thi, không có điểu khoản nào để giải quyết tranh chấp dù rằng có thể có những điều khoản bí mật chưa được giải mật. Như vậy, bổn cũ đã soạn lại, Mỹ đã đàm phán với Taliban với mục đích đầu tiên và duy nhất là bảo đảm lợi ích của Mỹ, bảo đảm cho việc rút quân của Mỹ êm thấm. Tương lai nào cho Afghanistan thì Mỹ không thể làm gì khác ngoài việc để Taliban tự quyết. Đại sứ quan Mỹ ở Afghanistan cũng đã huỷ tài liệu, sơ tán toàn bộ nhân viên.

Vậy tương lai nào sẽ đến với Afghanistan. Mới đầu tháng 8 vừa qua, các chuyên gia đưa ra ba kịch bản cho quốc gia Tây Nam Á này. Thứ nhất, phe Chính phủ Afghanistan thân Mỹ làm theo những gì Mỹ hối thúc trong việc tập trung quân bảo vệ Kabul, Kandahar, Jalalabad và một số thành phố chính khác. Thứ hai, Taliban và chính quyền Afghanistan đạt được một thoả thuận hoà bình, tuy việc này sẽ làm thụt lùi tiến trình dân chủ và hiện đại hoá ở Afghanistan kể từ ngày 11-9-2001. Thứ ba, phương án xấu nhất, Afghanistan rơi vào một cuộc nội chiến giữa Taliban và chính quyền Afghanistan. Tới nay, cả ba kịch bản này đều đã sai khi Taliban làm chủ hoàn toàn Afghanistan, chỉ còn một khu vực rất nhỏ nơi Phó tổng thống Afghanistan cố thủ và kêu gọi kháng chiến chống lại Taliban.

Trong khi ba kịch bản trên không xảy ra, vấn đề đặt ra trước mắt là việc có công nhận một chính thể mới ở Afghanistan hay không và làm sao để cứu trợ nhân đạo người dân ở quốc gia phải chịu cảnh chiến tranh triền miên này giữa lúc đại dịch Covid-19 kinh hoàng đang hoành hành khắp nơi trên thế giới và cả ở Afghanistan.

Xu hướng gần đây cho thấy một số quốc gia, dù chưa công khai thừa nhận một chính thể do Taliban kiểm soát ở Afghanistan, đã có những động thái ủng hộ để Taliban có thể xây dựng một chính phủ có tính “hợp tác” với cộng đồng quốc tế. Rõ ràng, đây là xu thế khó có thể đảo ngược bởi giờ đây chẳng quốc gia nào can dự quân sự vào Afghanistan như việc Mỹ đổ quân vào đánh tan quân Taliban trước đây.

Dù gì, Taliban sẽ có chính phủ mới trong một thời gian ngắn nhưng theo người phát ngôn của Taliban, mô hình chính phủ mới của Afghanistan không hẳn là một nền dân chủ theo định nghĩa của phương Tây nhưng sẽ bảo vệ quyền của tất cả mọi người. Đó là tuyên bố từ phía Taliban, dư luận chỉ có thể hy vọng Taliban sẽ không bạo lực và sẽ không áp dụng các điều luật hà khắc như những năm cuối thế kỷ XX, trước khi Mỹ đổ quân vào Afghanistan. Tới nay, Mỹ đã khẳng định nước này chia sẻ với Nga và Trung Quốc những mục tiêu chung trong vấn đề Afghanistan, kêu gọi thành lập một chính phủ mới mang tính bao trùm tại Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Ebrahim Raisi của Iran, quốc gia trước đây luôn căng thẳng với Taliban, cũng đã điện đàm với các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc nhằm thiết lập "hòa bình và ổn định" cho Afghanistan. NATO và một số quốc gia khác, trong khi nỗ lực giải cứu công dân của mình ở Afghanistan, cũng lên tiếng kêu gọi Taliban kiềm chế để có một giải pháp hợp lý trong quan hệ quốc tế và coi trọng vấn đề nhân đạo và tuyệt nhiên không có quốc gia nào đe doạ tấn công quân sự Taliban.

Như vậy, Taliban sẽ là tương lai của Afghanistan, giấc mộng đổi thay Afghanistan của Mỹ sau 20 năm tốn người, đổ của vào quốc gia này đã bị cuốn trôi như lá cờ Mỹ ở Đại sứ quán ở thủ đô Kabul được vội vã hạ xuống và cuốn lại, không như buổi lễ hoành tráng lần đầu nó được kéo lên. Taliban liệu có khác trước để mang lại một cuộc sống ổn định hơn cho Afghanistan? Thời gian sẽ trả lời. Trước mắt, thực tế vẫn là một Afghanistan hỗn loạn và nghèo đói, người dân tìm cách di tản sang các quốc gia khác và nguồn lực để xây dựng lại Afghanistan cũng chẳng biết lấy từ đâu khi số tiền ước tình cần cho cứu trợ nhân đạo ở đất nước này tạm thời là 800 triệu USD, với khoảng 12 triệu người thiếu lương thực, 900.000 người lớn bị suy dinh dưỡng cấp tính và con số này với trẻ em ở mức khủng khiếp là 3,1 triệu. Tổng dân số Afghanistan theo điều tra năm 2019 là 38 triệu người.

Thanh Huyền