Nhân viên bảo vệ đứng bên ngoài Viện Vi-rút học Vũ Hán hồi tháng 2-2021.

Khi vắc-xin ngừa Covid-19 đang ngăn chặn đáng kể đại dịch nguy hiểm này và dần đưa các nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin cao sang trạng thái “bình thường mới”, những câu hỏi xoay quanh nguồn gốc của vi-rút SAR-CoV-2 gây ra đại dịch vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Thiếu minh bạch trong khoa học, thiếu sự hợp tác, đặc biệt là sự nghi kỵ, có thể gắn với yếu tố chính trị khiến thế giới chậm tay hơn trong nỗ lực ứng phó đại dịch và có thể sẽ còn phải hứng chịu những hậu quả tàn khốc hơn khi một bệnh dịch mới bùng phát trong tương lai do thiếu sự hợp tác.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các nước phương Tây vẫn nghi ngờ Trung Quốc che dấu nguồn gốc phát tán của vi-rút, dù đã có một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được tiến hành với sự đồng ý của Trung Quốc. Tới ngày 27-8-2021, Tổng thống Mỹ - Joe Biden nói: Trung Quốc ngăn điều tra viên tiếp cận thông tin quan trọng về nguồn gốc Covid-19. "Thông tin quan trọng về nguồn gốc của đại dịch đang tồn tại ở Trung Quốc, song ngay từ đầu các quan chức nước này nỗ lực ngăn cản điều tra viên và thành viên của cộng đồng y tế công cộng toàn cầu tiếp cận nó" - Tổng thống Mỹ - Joe Biden tuyên bố. Mạnh mẽ hơn, ông Biden khẳng định: "Trung Quốc vẫn tiếp tục từ chối lời kêu gọi minh bạch và tiếp tục giữ kín thông tin, ngay cả khi số ca nhiễm và tử vong trong đại dịch tiếp tục tăng".

Từ thời ông Donald Trump còn tại nhiệm, ông đã cáo buộc Trung Quốc không trung thực về nguồn gốc của vi-rút và liên tục yêu cầu mở các cuộc điều tra quốc tế. Tới khi ông Biden lên nắm quyền, câu hỏi về nguồn gốc của vi-rút lại được nhắc lại, thậm chí mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) đã công bố bản tóm tắt báo cáo về cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong đó khẳng định IC đã đạt được “đồng thuận rộng rãi” rằng vi-rút SARS-COV-2 “không được phát triển như một vũ khí sinh học” và Chính phủ Trung Quốc không biết tới loại vi-rút này cho tới khi dịch bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm 2019. Thông báo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nêu rõ: IC đánh giá rằng vi-rút SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện và lây nhiễm sang người ở quy mô nhỏ muộn nhất vào tháng 11-2019 và bùng phát các ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12-2019.

Như vậy, dù là thông tin tình báo chứ chưa phải thông tin có được từ các nghiên cứu khoa học, IC thừa nhận vi-rút gây Covid-19 không phải do con người tạo ra. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải câu trả lời đầy đủ cho nguồn gốc của vi-rút. IC vẫn chia rẽ về nguồn gốc của mầm bệnh khi có 4 cơ quan và Hội đồng Tình báo Quốc gia cho rằng lý giải phù hợp nhất là do tiếp xúc tự nhiên giữa con người với động vật, trong khi một cơ quan khác ủng hộ giả thuyết vi-rút rò rỉ từ phòng thí nghiệm và 3 cơ quan không thể đưa ra kết luận.

Phía Trung Quốc ngay lập tức phản đối kết luận của IC. "Một báo cáo giả dối do cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra không đáng tin cậy về mặt khoa học. Truy tìm nguồn gốc Covid-19 là vấn đề khoa học và chỉ nên dành cho các nhà khoa học, chứ không phải các chuyên gia tình báo" - Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ra tuyên bố ngày 27-8.

Đại dịch tới nay đã khiến hơn 220 triệu người nhiễm bệnh với hơn 4,5 triệu ca tử vong trên toàn cầu, đẩy nhiều nền kinh tế vào khủng hoảng nhưng sự hợp tác với Trung Quốc để chống chọi với Covid-19 gần như lâm vào bế tắc. Trong khi phủ nhận các cáo buộc của phương Tây về việc không minh bạch trong cung cấp các thông tin về đại dịch, Trung Quốc vẫn chưa cho phép phái đoàn tiếp theo của WHO tới để tiếp tục điều tra.

Dù cuộc cạnh tranh có sòng phẳng và quyết liệt đến đâu, nếu các bên còn nghi kỵ, thiếu hợp tác trong khoa học để thế giới phải hứng chịu những hậu quả chết người thì đó là cuộc cạnh tranh không đáng có.

Thanh Huyền