Người dân ghi thông tin trước khi vào nhận gạo từ các tình nguyện viên tại phường Phú Diễn.

Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân và khiến cho cuộc sống của nhiều người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, các tổ chức, nhóm thiện nguyện, cá nhân có nhiều cách làm để giúp đỡ lực lượng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, cũng như dành nhiều phần quà giúp người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong xã hội.

Kêu gọi từ thiện ngay trong khu phong tỏa

Nhiều năm nay, chị Phạm Quỳnh Trang, ngụ tại quận 3, T.P Hồ Chí Minh tổ chức nhiều chương trình từ thiện hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và phí sinh hoạt cho các gia đình lao động nghèo bán vé số, nhặt ve chai, xóm trọ bệnh nhân ung bướu, bệnh nhi nghèo chạy thận tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Dịch Covid-19 lan rộng ở thành phố, con phố nơi gia đình chị Trang sinh sống bị phong tỏa do có nhiều ca nhiễm bệnh. Trong thời gian phải ở khu phong tỏa, chị nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người từng được hỗ trợ ngày xưa. Dịch bệnh khiến họ mất việc làm, nhiều gia đình không còn tiền để mua thực phẩm và mong muốn tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của chị Trang cũng như các đoàn thiện nguyện.

Chị Trang cho biết: “Mỗi ngày tôi đều gọi hàng chục cuộc điện thoại, nhắn tin tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài cho các bệnh nhân, người nghèo. Từ mì ăn liền, bánh mì, nước uống... cho người trong khu cách ly, đến những bữa ăn hằng ngày cho bệnh nhân, người nhà đang nằm viện tại Bệnh viện Nguyễn Trãi. May mắn, lời kêu gọi của tôi luôn nhận được hồi đáp tích cực. Các nhà hảo tâm nhiệt tình ủng hộ. Làm từ thiện ngoài tấm lòng yêu thương chân thành thì việc minh bạch thông tin cũng rất quan trọng, mỗi một khoản tiền nhận được, mỗi một hoàn cảnh được giúp đỡ đều phải công khai, mọi người mới tin tưởng, đồng hành cùng mình”.

Phát gạo, trao cơm, miễn phí tiền phòng trọ cho người nghèo

Người nghèo xếp hàng nhận những suất cơm miễn phí tại phường Phú Đô.

Ngày 18-8, từ sáng sớm đã có hàng chục người đeo khẩu trang, xếp hàng ngay ngắn theo ô vạch sẵn trên vỉa hè tại điểm phát gạo tự động dành cho người nghèo tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, T.P Hà Nội. Đây là sáng kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng - người nổi tiếng với dự án “ATM gạo” miễn phí hỗ trợ bà con ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong năm 2020. Bên trong khuôn viên trụ sở đặt “ATM gạo”, đội ngũ tình nguyện viên tất bật vận chuyển từng bao gạo lên bồn chứa để cung cấp cho người dân. Vừa lấy túi gạo từ “ATM gạo”, cô Nguyễn Thị Huệ, làm nghề thu mua ve chai tại phường Phú Diễn cho biết: “Việc phát gạo miễn phí như thế này giúp người nghèo, người lao động tự do có được lương thực để ăn qua ngày là rất quý. Tôi thực sự rất xúc động”.

Nhận phần gạo từ tay các tình nguyện viên, ông Nguyễn Tiến Đông, đến từ Nam Định xúc động: “Tôi lên Thủ đô hành nghề tự do, ai thuê gì thì làm nấy nên thu nhập cũng bấp bênh. Từ ngày Hà Nội giãn cách xã hội, tôi mất việc làm và cũng không thể về quê. May mắn, khi lương thực trong nhà sắp hết thì nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Số gạo miễn phí và một số nhu yếu phẩm vừa được phát sẽ giúp cho gia đình tôi có bữa ăn, tạm vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” càng lan tỏa rộng khắp ở nhiều khu phố, con đường. Những suất ăn, thùng nước mát, tủ bánh mì đặt bên đường, siêu thị, cửa hàng, quán ăn 0 đồng, giảm tiền điện, nước, phòng trọ… kịp thời đã giúp đỡ hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn, từ đó còn tạo sức lan tỏa của lòng nhân ái, yêu thương, một truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt.

Gần 1 tháng qua, đều đặn mỗi ngày Đoàn Thanh niên phường cùng 2 hộ gia đình ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm phân phát từ 300-400 suất cơm miễn phí cho lao động nghèo và sinh viên không về được quê. Ngay từ những ngày đầu Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội, nhóm thiện nguyện đã đứng ra kêu gọi sự đồng lòng, đóng góp của nhân dân, chung tay vì cộng đồng. Chị Trần Thị Giang, thành viên trong nhóm thiện nguyện chia sẻ: “Nhìn thấy rất nhiều người lao động và sinh viên từ các tỉnh thành khác hiện rất khó khăn nhưng chưa thể về quê được, tôi đã nấu cơm để phát cho mọi người. Nhờ sự lan tỏa và chung tay của cộng đồng, chúng tôi tiếp tục duy trì, trước mắt là đến hết thời điểm giãn cách xã hội”.

Căn phòng chỉ khoảng 10m2 tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình là không gian sinh hoạt của vợ chồng ông Nguyễn Văn Quang. Cuộc sống của gia đình phụ thuộc vào việc dọn dẹp các công trình xây dựng trên địa bàn. Dịch bệnh bùng phát, mất việc làm, không thể về quê khiến họ trước đã khó khăn nay lại càng thêm cơ cực. Hiểu được nỗi vất vả này, UBND phường Phúc Xá có văn bản gửi cấp uỷ chi bộ các địa bàn dân cư, 22 tổ dân phố, các chủ hộ có nhà cho thuê trọ về việc chung tay khắc phục khó khăn.

Trao đổi với PV, đại diện phường Phúc Xá cho biết: “Phường kêu gọi và đề nghị các gia đình có nhà trọ đang cho người lao động thuê trên địa bàn có phương án hỗ trợ người thuê bằng cách giảm tiền thuê trọ từ 50 đến 100%. Tính đến thời điểm này đã có hơn 10 chủ nhà trọ với gần 200 phòng cho thuê trọ cam kết sẽ giảm 50% tiền phòng cho người lao động ngoại tỉnh trong thời gian giãn cách xã hội. Đặc biệt, gia đình CCB Nguyễn Văn Cường ngõ 44 Phúc Xá cho biết sẽ giảm 100% tiền thuê trọ cho trường hợp có hoàn cảnh khó khăn”.

UBND T.P Hà Nội vừa ban hành văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn. Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động các quận huyện, T.P Thủ Đức, T.P Hồ Chí Minh, đến nay có 621 chủ nhà trọ giảm hơn 5 tỷ đồng tiền thuê nhà cho hơn 34.000 người lao động ở trọ.

Võ Hóa

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)