Sáng 24-2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Vientiane, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith.

Đúng 9 giờ sáng 24-2, tại Phủ Chủ tịch, Lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith.

Không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại

Ngay sau lễ đón, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đã tiến hành hội đàm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm hữu nghị chính thức Lào, nhấn mạnh chuyến thăm nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước của đồng chí Nguyễn Phú Trọng một lần nữa thể hiện sâu đậm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, gắn bó, tin cậy và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, đồng thời là nguồn cổ vũ to lớn đối với nhân dân Lào đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng Nhân dân Cách mạng (NDCM) Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho Lào sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; nhấn mạnh những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới và không ngừng nâng cao vị thế và uy tín trên trường quốc tế đã mang đến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em những kinh nghiệm quý báu trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng NDCM Lào.

Ôn lại những chặng đường cách mạng vẻ vang của mỗi dân tộc, hai nhà lãnh đạo bày tỏ niềm tự hào sâu sắc về bề dày truyền thống đoàn kết đặc biệt và mối quan hệ thuỷ chung giữa hai Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong, cùng nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân Việt Nam và Lào dày công vun đắp; đồng thời khẳng định quyết tâm giữ gìn và phát huy truyền thống đó như một tài sản vô giá của cả hai dân tộc. Hai bên khẳng định không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, coi đây là quy luật phát triển và nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng Việt Nam cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào”, hai nhà lãnh đạo khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, hơn bao giờ hết, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước càng phải chung sức, đồng lòng, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc vững bước đi lên theo mục tiêu XHCN.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng thăm lại đất nước Lào tươi đẹp, chân thành cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhân dân Lào đã dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, thắm tình đồng chí, anh em, thể hiện sinh động mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân Lào anh em đã giành được qua 30 năm đổi mới; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ và toàn diện đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng nhân dân Lào anh em nhất định sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội lần thứ X của Đảng NDCM Lào đề ra, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Hai bên nhất trí đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, đồng thời dành ưu tiên, ưu đãi hợp lý cho nhau phù hợp với tính chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.

Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao, mở rộng giao lưu giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên giới hai nước. Hai nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh cần đi sâu trao đổi thông tin, lý luận-thực tiễn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, nhất là việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc của mỗi Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tăng cường trao đổi tình hình và kinh nghiệm về giáo dục chính trị tư tưởng, an ninh mạng, chống suy thoái, tự diễn biến, nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của Đảng; chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô và mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; xây dựng tuyến biên giới hai nước ổn định, bền vững; nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học-kỹ thuật; tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong hợp tác trên các lĩnh vực và ưu tiên tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, nhất là kết nối về giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác về giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith hài lòng thấy rằng Việt Nam và Lào có lập trường thống nhất trên các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai nhà lãnh đạo khẳng định trong bối cảnh tình hình diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thông tin kịp thời, hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Liên hợp quốc, các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mê Công; phối hợp quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông Mê Công; tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên thứ ba khác trong khuôn khổ Hành lang Đông-Tây và các chương trình, dự án hợp tác đa phương khác. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông; ủng hộ vai trò và các nguyên tắc của ASEAN; nhất trí thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảm ơn Lào đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

*Ngay sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 9 văn kiện hợp tác giữa một số bộ, ngành của hai nước.

Theo QĐND