Nước mắt chủ đầm
Ông Đoàn Văn Vươn, sinh năm 1963, ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng. Năm 1981, ông nhập ngũ và đến năm 1984 xuất ngũ, sau khi trở về địa phương ông theo học Đại học Nông nghiệp. Năm 1992 ông xây dựng gia đình với bà Nguyễn Thị Thương. Vốn là kỹ sư nông nghiệp, tính chịu khó, chất phác, ông Vươn quyết ra chinh phục biển “bạc”. Thời điểm đó, cả khu đầm ở cống Rộc, thuộc xã Vinh Quang là bãi bồi và biển nước mênh mông, chỉ có vài ba cây sú, cây vẹt sống vật vờ. Năm 1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao cho hơn 21 ha bãi bồi, mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản, thời hạn giao là 14 năm. Thả được con tôm, con cá, ông Vươn đã phải bán toàn bộ đất đai nhà cửa tại xã Bắc Hưng và vay mượn hàng trăm triệu đồng của gia đình, bạn bè để đầu tư đắp bờ, quai đê dài tới 2km. Năm 1997, ông Vươn lại được giao nhận thêm 19,3 ha. Khi có được khu đầm rộng lớn, ông Vươn đưa thêm gia đình người em trai Đoàn Văn Quý cùng ra đầm sinh sống làm ăn.
Năm 2001, do có trận bão lớn, sóng biển dâng cao đã tàn phá hơn 100m bờ, xoáy sâu tới 4-5m và cuốn đi toàn bộ tôm, cua, cá theo biển. Cũng chính năm ấy, con gái 8 tuổi của đôi vợ chồng ông Vươn, bà Thương theo bố mẹ ra đầm đã rơi xuống đầm chết đuối… Đau thương, mất mát lớn như vậy nhưng ông Vươn vẫn quyết tâm làm lại từ đầu và tiếp tục chinh phục biển cả, mất hơn một năm sau ông mới khắc phục xong.
Mồ hôi chưa ráo, bất ngờ ngày 7-4-2009, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 461 thu hồi 19,3 ha đất giao đã hết hạn sử dụng đối với ông Vươn. Nhận được quyết định trong tay, gia đình ông Vươn rất hoang mang nhưng vẫn làm đơn khiếu nại. Ngày 19-6-2009, UBND huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 1237 về việc giải quyết khiếu nại quyết định đối với ông Vươn. Thấy không thỏa đáng, ông Vươn đã làm đơn khởi kiện vụ án lên Tòa án.
Ngày 20-1-2010, TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm Bản án số 01/2010/HCST, tuyên giữ nguyên Quyết định thu hồi đất số 461 của UBND huyện Tiên Lãng. Không chấp nhận phán quyết của bản án sơ thẩm, ông Vươn tiếp tục làm đơn kháng cáo bản án lên TAND TP Hải Phòng. Tòa hành chính TAND TP Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, ông Vươn đã có đơn xin rút lại nội dung kháng cáo, ngày 22-4-2010 TAND TP Hải Phòng đã ra Quyết định số 02/2010/HCPT-QĐ đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính. Bản án sơ thẩm lại có hiệu lực.
Ngày 11-6-2010, ông Đoàn Văn Vươn làm đơn khiếu nại, ngày 25-6-2010 TAND TP Hải Phóng có Công văn số 291 trả lời đơn ông Vươn với nội dung: “Sau khi TAND huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính mà ông là người khởi kiện, ông đã có đơn kháng cáo. Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án và ngày 9-4-2010 tại trụ sở TAND TP Hải Phòng ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật, đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật. Vì vậy TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử vụ kiện. Để được tiếp tục thuê đất, ông cần làm đơn (và hồ sơ xin thuê đất) gửi tới UBND huyện Tiên Lãng để giải quyết theo thẩm quyền”. Công văn trả lời như vậy, ông Vươn thấy tin tưởng và tiếp tục làm hồ sơ theo như hướng dẫn của Tòa án tới UBND huyện Tiên Lãng để tiếp tục được sử dụng đất nhưng không được chấp nhận.
Ngày 5-1-2012, lực lượng cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng vẫn tiến hành cưỡng chế theo quyết định thu hồi đất đã ban hành đối với ông Vươn. Khi tiến hành, lực lượng cưỡng chế đã vấp phải sự chống trả của ông Vươn và một số người, mìn đã nổ, súng đã bắn từ ngôi nhà hai tầng của ông Quý làm cho 6 chiến sĩ công an, quân đội tham gia cưỡng chế bị thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau đó ông Vươn, ông Quý (em trai ông Vươn) và nhiều người thân của ông Vươn đều bị bắt giam về tội giết người và chống người thi hành công vụ…
Đau thương, ly tán, gia đình ông Vươn bắt đầu rơi vào bi kịch. Ngay tối ngày 5-1 nhiều người dân ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng bắt đầu chứng kiến tiếp một sự kiện khủng khiếp, toàn bộ ngôi nhà hai tầng của ông Quý và lều trại sinh sống, trông nom của gia đình ông Vươn nghi ngút trong khói lửa, lửa cứ cháy, người dân vẫn chỉ biết nhìn. Không dừng lại ở đó, sáng ngày 6-1-2012 một chiếc máy xúc và đoàn người tiến lại khu nhà hai tầng đập phá, san phẳng và xuất hiện một lực lượng xã hội đen bao vây giám sát khu đầm, có một số đối tượng lạ mặt đưa thuyền và te kích điện để vơ vét những tài sản cuối cùng của gia đình ông Vươn. Nhân chứng và sự thật
Sự việc xảy ra, cấp ủy và chính quyền huyện Tiên Lãng khẳng định đã làm đúng pháp luật và biện minh cho việc cưỡng chế là cần thiết để bảo đảm công bằng xã hội và giữ vững kỷ cương. Nhưng người dân và các chuyên gia luật pháp , kể cả cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu không đồng tình với nhận định đó.
Ông Nguyễn Đình Đạt, 70 tuổi, hiện đang sinh sống ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương cho biết: “Tôi là người đưa máy móc xuống Tiên Lãng quai đê, đắp bờ đầu tiên cho ông Vươn, lúc đầu xuống tôi cũng rất ái ngại, vì nhìn biển nước mênh mông, khi đắp bờ đất thì không có, chỉ có cát không, phải dùng xà lan đưa đất từ nơi khác về tới hàng vạn mét khối, có hôm đắp được đoạn bờ xong đến sớm mai ra không thấy đâu, sạt lở hết, vì lúc đó chưa trồng được cây chắn sóng, làm hơn một năm mới xong khu đầm cho anh Vươn. Nhưng đến năm 2001, khu đầm của anh Vươn lại bị sóng đánh sạt lở, lúc đó tôi thấy gia đình anh Vươn quá khó khăn, nhưng vì anh ấy là người tốt nên tôi nhận làm và cho anh ấy nợ tiền, nhưng tiền công anh ấy vẫn chưa trả được, lại còn nhờ tôi vay hộ tiền cho anh ấy thêm mấy chục triệu đồng”. Nói xong ông Đạt cầm tờ giấy nghiệm thu công việc mà ông Vươn vẫn chưa thanh toán tiền công (2.522 giờ máy móc làm, mỗi giờ có giá là 250.000 đồng) và tờ giấy vay tiền ông Vươn ký nhận với ông Đạt.
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội thủy sản huyện Tiên Lãng cũng rất bất bình với việc thu hồi và cưỡng chế đất của gia đình ông Vươn. Ông Luân cho rằng việc UBND huyện Tiên Lãng thu hồi đất là không đúng với qui định của Luật Đất đai năm 1993, thu hồi như vậy sẽ là dồn người ta vào đường cùng.
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam, ông Ngô Văn Khánh, Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng quả quyết rằng, việc thu hồi và cưỡng chế đất của ông Vươn là đúng qui định của pháp luật, hết thời hạn thì thu, thu để đưa ra đấu thầu, để đảm bảo công bằng xã hội… Nhưng kế hoạch cụ thể sau khi thu hồi đất để làm gì thì vẫn chưa có!

**Cần các giải pháp cấp bách về an sinh xã hội **
Vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn xảy ra ngày 5-1 vừa qua đang là điểm nóng, rất bức xúc. Tình hình tư tưởng, tâm lý của nhân dân Tiên Lãng đang diễn biến phức tạp. Hoạt động của chính quyền Tiên Lãng và Hải Phòng bị xáo động, ảnh hưởng lớn đến giải quyết sự vụ hàng ngày.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến cho người dân bị đẩy đến đường cùng, phải chống người thi hành công vụ. Đồng chí Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ và nhiều luật sư, trong đó có Đại tá, luật gia Lê Đức Tiết đã phân tích rất rõ những sai phạm của chính quyền trong việc diễn giải và áp dụng Luật Đất đai cũng như trong công tác tổ chức cưỡng chế.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X đưa ra những lời nhận định đáng suy ngẫm về tác động xấu của vụ việc tới tình hình an ninh chính trị xã hội của đất nước, coi đây là bài học đắt giá về công tác lãnh đạo.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII cho rằng bên cạnh hành vi thu hồi đất trái pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng còn bội tín với dân, thể hiện qua việc lập biên bản hoà giải tại toà án đồng ý cho dân tiếp tục thuê đất để dân rút đơn kiện, rồi bất ngờ đem lực lượng đến cưỡng chế. Đây có thể coi là hành vi không thể chấp nhận được, làm mất đi tính chính danh của chính quyền. Đặc biệt, việc sử dụng quân đội vào cưỡng chế là sai.
Hơn nữa, việc tổ chức lực lượng cưỡng chế hàng trăm người, dồn ép dân, hủy hoại tài sản của dân ngay trước Tết Nguyên đán là hành động trái đạo lý, xô đẩy người dân vào chân tường khiến con giun xéo lắm cũng quằn.
Ngày 15-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phải điều tra, làm rõ vụ việc, báo cáo lại. Mới đây, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và chính quyền thành phố chuẩn bị nội dung để trình bày trực tiếp trong phiên họp do Thủ tướng chủ trì. Thủ tướng yêu cầu Ban thường vụ Thành ủy phải làm rõ 3 nội dung: Việc giao đất, thu hồi đất đúng sai ở điểm nào, trách nhiệm thuộc cá nhân nào; việc tổ chức cưỡng chế có đúng quy định của pháp luật không (trường hợp, điều kiện cụ thể huy động lực lượng công an, quân đội tham gia cưỡng chế); việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn như ao cá, nhà do ai chủ trương, ở cấp nào… Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ cũng phải nắm chắc thông tin, phân tích vụ việc, nêu ý kiến rõ ràng về 3 vấn đề trên.
Vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng đang là vấn đề phức tạp, nhạy cảm ở khắp các tỉnh, thành phố liên quan trực tiếp đến hàng chục triệu người dân. Để xảy ra sự việc Tiên Lãng là bài học đắt giá đối với chính quyền, cấp ủy, dù ở bất cứ khía cạnh luật pháp, đạo lý hay an sinh xã hội thì từ bài học Tiên Lãng cần nghiêm khắc xem xét lại hàng loạt vấn đề. Đó là xây dựng hệ thống luật pháp, đặc biệt là Luật Đất đai và các qui định kèm theo đã lạc hậu, bất cập trong cuộc sống. Đó là tình trạng tham nhũng tiêu cực về đất đai, tình trạng quan chức câu kết với các nhóm lợi ích là nghiêm trọng, đáng báo động. Đó là việc quan hệ giữa một số cấp chính quyền với nhân dân, công tác vận động thuyết phục đã bị xem nhẹ, quan liêu, xa dân, mang nặng tính trừng phạt răn đe, không hiểu biết và không tôn trọng quyền lợi sở hữu chính đáng của người dân. Đó là sử dụng biện pháp cưỡng chế đẩy người dân vào bần cùng khiến họ phản ứng tiêu cực, kể cả mạng sống để chống trả. Đó là vào thời điểm giải quyết vụ việc trong dịp tết đến xuân về, trái với đạo lý, rất thiếu tình người. Một vấn đề nữa là liệu thu hồi đất có minh bạch hay ẩn chứa đằng sau đó những toan tính lợi ích riêng tư của một số cá nhân có quyền lợi ở xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng? Dư luận cũng xầm xì về nhân thân của Chủ tịch huyện Tiên Lãng và quan hệ thân thích giữa Chủ tịch huyện với Chủ tịch xã Vinh Quang có thể làm cho việc cầm cân nảy mực không minh bạch.
Từ bài học đau lòng ở Tiên Lãng, cần các giải pháp cấp bách về an sinh xã hội, quan tâm đến nguyện vọng và lợi ích của nông dân.
Dư luận mong đợi cần có kết luận và xử lý vụ việc nghiêm túc, công tâm, đúng pháp luật. Người dân sai vì đã chống người thi hành công vụ phải xử lý theo pháp luật nhưng có tính đến yếu tố giảm nhẹ do khách quan, chủ quan đem lại. Ngược lại về phía chính quyền, người nào, cấp nào sai cũng phải xử lý nghiêm minh, cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, truy tố trước tòa án dù người làm sai có giữ cương vị gì. Chỉ có như vậy mới đem lại niềm tin cho nhân dân vào sự nghiêm minh của một nhà nước pháp quyền.
Ban Công tác bạn đọc Ngày 7-2, Ban thường vụ Thành ủy TP Hải Phòng đã nhìn thẳng vào sự thật và nhận trách nhiệm nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước Đảng bộ và nhân dân TP Hải Phòng để xảy ra sự việc gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Bước đầu đã xử lý: Đình chỉ công tác của Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh trực tiếp chỉ đạo tổ chức vụ cưỡng chế đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Quyết định kiểm điểm Trưởng công an huyện Tiên Lãng Lê Văn Mải, Bí thư Đảng uỷ xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Văn Liêm và xử lý nghiêm khắc khi có kết luận về trách nhiệm cá nhân và giao Công an TP Hải Phòng khẩn trương điều tra, khởi tố vụ án phá nhà trông đầm của gia đình ông Đoàn Văn Quý, em ông Vươn, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Quyết định kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ Huyện uỷ Tiên Lãng và cá nhân Bí thư Huyện uỷ về trách nhiệm do đơn giản, thiếu lãnh đạo kiểm tra để xảy ra hậu quả do chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.