Ý hai câu thơ muốn nói: Ngoài biển khơi xa xôi kia, ở bất kỳ nơi nào có cuộc sống của người dân Việt Nam, có vóc dáng của người lính canh trời, canh biển, làm chủ đất đai thì nơi ấy là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc! Cũng bởi vậy mà trong tâm khảm người Việt dù ở trong nước, hay đang định cư ở nước ngoài luôn cảm nhận: Trường Sa thật thiêng liêng và gần gũi. Nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã từng thốt lên: “Trường Sa của Tổ quốc ta vô cùng đẹp và thiêng liêng”.
Nhớ lại ngày giải phóng Trường Sa (9 giờ sáng 29-4-1975) và sau đó là cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ Trường Sa của quân đội ta, 64 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh. Trong đó, tiêu biểu như Trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân); Anh hùng, liệt sĩ Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma...
Trước âm mưu thâm độc và sự tấn công của quân thù các anh đã quyết giữ lá cờ Tổ quốc và động viên đồng đội: “Không được lùi bước, sẵn sàng để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”. Đó là Anh hùng thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, đứng trước nguy cơ mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy con tàu HQ 505 vừa chiến đấu với tàu địch, vừa nhanh chóng đưa tàu vào bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành chiến hạm nổi tấn công quân xâm lược… Các anh đã vĩnh viễn hòa máu xương của mình vào lòng đại dương đất Mẹ. Giờ đây, khi đất nước hội nhập, đang trên đà tăng trưởng kinh tế, nhiều ngôi chùa ở Trường Sa đã được phục dựng lại, tạo cơ hội cho nhiều tăng sĩ ra đảo làm nhiệm vụ Phật sự, cầu cho “Quốc thái dân an”. Đặc biệt, chùa Song Tử Tây, được tiếp nhận pho tượng Phật Ngọc, do Giáo Hội phật giáo thế giới trao tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2010, và Thủ tướng đã chuyển tặng lại Chùa.
Cũng tại đảo Song Tử Tây, sừng sững bức tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo Đại vương cao hơn 10m, hiên ngang trên đảo quê hương. Trần Hưng Đạo là bậc “thủy tổ” của Hải quân Việt Nam. Bia chủ quyền xây dựng năm 1956 cũng đang được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, đề nghị Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Đã có những thời điểm, Biển Đông “dậy sóng”, nhưng Trường Sa vẫn ngân vang tiếng chuông chùa trong ngày Phật đản. Tiếng chuông cầu nguyện, cầu siêu các anh linh liệt sĩ… Sớm sớm tiếng trống trường điểm, các thầy cô giáo và học sinh rạng ngời trên khuôn mặt hân hoan đến trường, cũng là lúc quân và dân trên đảo thề trước cờ Tổ quốc, thề với Bác Hồ kính yêu: “Chúng con quyết giữ yên biển đảo quê hương”.
Và cũng thật diệu kỳ, từ bao đời nay, mỗi người con dân Việt cho dù ở xa Tổ quốc, đều cảm nhận Trường Sa thiêng liêng như chính máu thịt của mình. Tình yêu Trường Sa đã vượt mọi không gian, thời gian lan tỏa khắp địa cầu và tự lúc nào quần đảo Trường Sa trở thành nơi hội tụ tâm linh văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: Công Thi