Ngày thơ Việt Nam 2014 lấy chủ đề “Xuân đất nước-Từ Điện Biên đến Trường Sa”, cũng bởi năm nay tròn 60 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nên xuyên suốt trong Ngày thơ ở hai sân thơ: Sân thơ truyền thống, ấy là sân Văn Miếu, nhiều năm nay được ngầm hiểu là sân thơ “già”, thế hệ nhà thơ lớn tuổi và Sân thơ hiện đại, dành cho những nhà thơ trẻ trong khuôn viên nhà Thái Học, vang vọng là những bài thơ, ca khúc phổ thơ về Điện Biên và biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Thơ Việt Nam nhiều năm qua không ngừng đổi mới, sáng tạo trong các thế hệ nhà thơ để đưa thơ đến với công chúng, đến với hiện thực và nói lên được âm hưởng vang vọng của đất nước của dân tộc. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong Ngày thơ, khi nơi đây hằng năm diễn ra sự điểm mặt thơ trẻ. Những Ngày thơ tổ chức ở thời kỳ đầu mới xuất hiện Dạ Thảo Phương, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Thuý Hằng, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến... thông qua những trình diễn thơ, thì đến Ngày thơ của các lần tiếp nối là những gương mặt thơ mới, ít nhiều thơ của họ đi vào lòng công chúng như: Đoàn Văn Mật, Ly Hoàng Ly, Lan Tử Viên, Hoàng Chiến Thắng... Tới năm nay là những gương mặt Nguyễn Văn Cường (Bắc Ninh), Lê Vi Thủy (Gia Lai); Lê Vĩnh Thái (Huế), Lò An Dương (Hà Giang)… Sự xuất hiện của họ kèm theo là sự đổi mới về hình thức sáng tác thơ, giọng điệu mới, cách thể hiện mới... Ở đó, những người trẻ đang muốn vượt qua những lối mòn cũ của truyền thống, họ muốn tìm tòi trong cuộc sống đương đại, vậy nên cách viết của họ có sự mới mẻ, táo bạo và phóng thoáng. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, sự tìm tòi đó chưa thực sự làm cho công chúng tiếp nhận, đôi khi làm cho công chúng quay lưng với thơ. Điều đó thể hiện ở Sân thơ trẻ năm nay chưa thực sự có gương mặt nhà thơ nổi bật, bứt phá, còn khách thơ của sân trẻ chủ yếu lại là người lớn tuổi. Có thể, những bậc cha chú cũng muốn ngó vào sân thơ trẻ xem thế hệ con cháu mình giới thiệu đến người yêu thơ những gì.
Yếu tố kém hấp dẫn ở sân thơ trẻ năm nay nữa là thay vì những “cây thơ”, “poster thơ” giới thiệu các gương mặt nhà thơ trẻ như mọi năm, thì lại là các gian hàng thơ của các địa phương và một số trường đại học, cao đẳng. Thay vì những sáng tạo bày thơ, giăng thơ, các gian hàng này lại lủng lẳng treo nào ngô, xúc xích gác bếp, hoặc đặc sản của địa phương… khiến người xem cảm tưởng như đang vào hội chợ quảng bá nông sản hoặc du lịch của các địa phương. Vì vậy mà không níu chân được khách thơ trẻ ở lại thưởng thơ.
Thơ không phải món ăn quá xa lạ, vấn đề là thơ có hay không, có gần gũi với độc giả hay không, các nhà thơ có nói đúng tâm tư, tình cảm, xu hướng của thời đại họ không. Đó là điều quan trọng và thách thức với nhà thơ trẻ. Nhà thơ Hữu Quý từng gửi gắm tới các nhà thơ trẻ, rằng muốn cách tân, đổi mới thì thơ vẫn phải tiếp nhận truyền thống của dân tộc, thế mới hy vọng tồn tại được.
Nếu sân thơ trẻ thiếu sự sôi động, hấp dẫn, thì ở Sân thơ truyền thống nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lôi cuốn đông đảo khách thơ khi trên sân khấu ông thành kính đọc những vần thơ ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài thơ “Bất tử”: “Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì dân nước người trở thành bất tử…”. Theo nhà thơ, “Bất tử” viết về một con người trung chính với Tổ quốc, một tài năng, một nhân cách tuyệt vời, không màng vinh hoa, lợi lộc cho riêng mình. Đại tướng là người tạo nên vinh quang cho dân tộc, sự ra đi của Đại tướng chỉ là về với các thánh nhân, hiền triết mà thôi và Đại tướng như những vị thánh bất tử ngày xưa.
Trong Ngày thơ, quanh khu vực hồ Khuê Văn còn có triển lãm tranh của nhà thơ Mỹ Kevin Bowen với các bức họa chân dung các bạn văn cựu binh Việt Nam và triển lãm ảnh các nhà văn tuổi Ngọ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.
Khúc vỹ thanh của Ngày thơ Việt Nam sẽ là cuộc hành hương về Điện Biên Phủ vào đầu tháng 3-2014, với sự tham gia của hơn 100 văn nghệ sĩ. Đoàn sẽ đi dọc con đường huyết mạch dẫn lên vùng kháng chiến năm xưa và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Trong dịp này, hội thảo 50 năm thế hệ các nhà thơ chống Mỹ cũng sẽ được tổ chức.
Ngày thơ cũng như là thời điểm để nhìn lại một năm qua đi của thơ ca Việt Nam, không chỉ là ngày tôn vinh thơ ca, tôn vinh các nhà thơ và những đóng góp của họ cho thơ ca nước nhà, mà quan trọng hơn, đó là ngày mà các nhà thơ và những người yêu thơ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhau, đọc cho nhau nghe đôi vần thơ của mình, như một lời chào, một lời tri ân, một khối tâm tình trĩu nặng với độc giả.
Bài và ảnh: Việt Lam