Những năm gần đây, cùng với việc đời sống nâng cao, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh cũng được chú trọng hơn và để đáp ứng nhu cầu đó, các di tích đền, đình, chùa…được trùng tu nâng cấp ở nơi nơi. Rất nhiều di tích được trùng tu bởi những người có tâm, có tài, hiểu được văn hoá tín ngưỡng của di tích, của thời có di tích ấy. Vào những nơi ấy ta thấy lịch sử, văn hoá được tôn trọng, mỗi chúng ta thấy nhưng mình tĩnh tâm trong sáng trở lại; những bon chen xô bồ ngoài đời bỗng trở nên nhỏ bé, lạc lõng.

Mấy năm trước tôi có dịch biên tập cuốn “Khởi nghĩa Lam Sơn” do giáo sư sử học Phan Huy Lê viết. Đến phần làm bìa sách, đưa đến ông bìa thứ nhất, bìa thứ hai, bìa nào tôi cũng thấy đẹp, sang trọng, nhưng bìa nào ông cũng bảo chưa được. Mãi đến bìa sách thứ năm ông mới đồng ý. Lý do rất đơn giản: hình rồng trước ngôi đền ở bìa sách đúng là hình rồng thời Lê, những hình rồng trước đó không đúng hình rồng thời Lê. Thế mới biết dù đẹp mấy thì đẹp, sang trọng mấy thì sang trọng, nhưng không đúng thời là không được, không tôn trọng lịch sử là không được.

Nói về trùng tu di tích, anh bạn tôi ngậm ngùi kể một câu chuyện hài hước: Tôi có ông bố già, ốm yếu, bệnh tật. Sau một thời gian “trùng tu” (chữa bệnh trọng bệnh viện), ông cụ 80 tuổi bỗng khoẻ như lực sỹ, hai cánh tay được thay bằng tay của thanh niên, da được thay bằng da của các cô gái… Có khoẻ, có đẹp, nhưng tôi chợt nhận ra rằng ông ấy không phải là bố tôi! Có thể cho ông uống thuốc tập thể dục để ông khoẻ lên, nhưng ông vẫn phải là bố tôi.

Nêu mấy mẩu chuyện nhỏ trên, chúng tôi muốn báo động về việc trùng tu di tích văn hoá, di tích lịch sử quân sự. Xin đừng để sau được trùng tu, di tích trở thành phế tích.

Đỗ Đỗ