Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN tại Sunnylands (15 - 16/2/2016), nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu bật mối lo ngại luật pháp quốc tế bị Trung Quốc chà đạp trên Biển Đông bằng hành động quân sự hóa, Trung Quốc thách thức dư luận bằng cách kéo 08 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức phản đối, cực lực lên án hành vi đe dọa này. Trong đó, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc, đồng thời đề nghị Liên Hợp Quốc cho lưu hành rộng rãi công hàm phản đối hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa tới các phái đoàn ngoại giao tại các cơ quan của Liên Hợp Quốc.
Tiếp đó, ngày 23/2, hãng Reuters cho biết, hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đã lắp đặt hệ thống ra đa tần số cao ở đá Châu Viên (một trong 07 thực thể Trung Quốc đánh chiếm bất hợp pháp năm 1988 và 1995 ở Trường Sa). Hai tòa tháp ra đa có thể đã được Trung Quốc xây dựng ở phía Bắc và Nam đá Châu Viên với chiều rộng mỗi cực khoảng 20 mét. Ra đa tần số cao trên đá Châu Viên sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát bất hợp pháp các hoạt động hàng hải, hàng không từ eo biển Malacca đến Biển Đông. Hệ thống ra đa tương tự cũng có thể được lắp đặt thêm ở Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma cùng với sân đỗ trực thăng, ụ súng.
Thông tin này được tiết lộ chỉ một ngày trước khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đặt chân đến Hoa Kỳ. Trong khi đó, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc còn úp mở khả năng bố trí 04 chiếc Su-35 đầu tiên mua của Nga để "tuần tra Biển Đông".
Tất cả những động thái này đang chà đạp nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
1.Trung Quốc đã leo thang gây hấn như thế nào ở Biển Đông?
Năm 1947, chính quyền Trung Quốc vẽ ra cái gọi là “đường đứt đoạn”, yêu sách "chủ quyền" đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Yêu sách này còn gọi là đường chữ U, hay “đường lưỡi bò”.
“Đường lưỡi bò” đã trùm lên cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã được Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền một cách hòa bình, liên tục, hợp pháp ngay từ khi còn là đất vô chủ vào thế kỷ 17, cũng trùm lên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác được hưởng theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên phê chuẩn.
Chính việc theo đuổi hiện thực hóa giấc mộng bành trướng theo “đường lưỡi bò” bằng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, Trung Quốc đã gây ra các cuộc hải chiến đẫm máu xâm lược nốt nửa phía Tây Hoàng Sa năm 1974 sau khi đã chiếm nhóm đảo phía Đông Hoàng Sa năm 1956.
Tháng 3 năm 1988, trong khi biên giới Việt - Trung vẫn đì đoàng tiếng súng suốt 10 năm ròng rã kể từ khi Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã cất quân xâm lược 06 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai trận hải chiến ác liệt do Trung Quốc gây ra đã cướp đi sinh mạng của 74 người con đất Việt ở Hoàng Sa năm 1974 và 64 người con đất Việt ở Trường Sa năm 1988. Ngày nay nguy cơ ấy lại có khả năng tái diễn khi Trung Quốc theo đuổi việc đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.
Năm 2014, Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam, gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ trong quan hệ hai nước. Nhưng đó chỉ là kế nghi binh cho tàu thuyền Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn khủng khiếp ở 7 thực thể mà họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa từ năm 1988 và 1995.
2. Quá trình Trung Quốc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để từng bước độc chiếm Biển Đông:
Việc sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực là biện pháp chủ yếu để Trung Quốc thực hiện chiến lược tiến xuống Biển Đông, từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông.
Để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã 03 lần sử dụng vũ lực:
- Năm 1909, lần đầu tiên phía Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đổ bộ chớp nhoáng lên một số đảo ở Hoàng Sa, đánh dấu thời điểm phía Trung Quốc nhảy vào tranh chấp chủ quyền với Việt Nam đối với quần đảo này;
- Năm 1956, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lợi dụng thời khắc chuyển giao quyền quản lý lãnh thổ giữa hai miền Nam – Bắc Việt Nam theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã dùng lực lượng quân sự bí mật đánh chiếm nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa;
- Năm 1974, lợi dụng thời cơ quân đội Hoa Kỳ buộc phải rút khỏi Việt Nam, quân đội Việt Nam Cộng hòa suy yếu trước sức tiến công và nổi dậy của nhân dân miền Nam Việt Nam, Trung Quốc lại huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.
Đối với quần đảo Trường Sa: - Năm 1946, chính quyền Trung hoa Dân quốc, lợi dụng việc giải giáp quân Nhật theo lệnh của Đồng minh, đã điều động một hạm đội do Đô đốc Lâm Tuân chỉ huy ra quần đảo Trường Sa, chiếm một số đảo, trong đó có đảo Ba Bình. Sự kiện này đánh dấu thời điểm phía Trung Quốc bắt đầu nhảy vào tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa;
- Năm 1988, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lại sử dụng vũ lực đánh chiếm 06 thực thể, chủ yếu là những bãi cạn lúc chìm lúc nổi, nằm ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa;
- Năm 1995, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa điều động lực lượng chiếm thêm bãi cạn Vành Khăn (lúc đó Philippines chiếm giữ) ở phía Nam Trường Sa.
Sau khi đánh chiếm quần đảo Hoàng sa và một phần Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực; bất chấp sự chống trả và phản ứng của Việt Nam và cộng đồng khu vực, quốc tế, Trung Quốc không ngừng tiến hành đầu tư xây dựng, mở rộng, biến các thực thể họ chiếm đóng ở hai quần đảo này thành các căn cứ quân sự tiền tiêu, tạo lập nhịp cầu quân sự tấn công nối từ Hải Nam, qua Hoàng Sa, xuống Trường Sa; biến các thực thể trong hai quần đảo này thành các “hàng không mẫu hạm” bất khả chìm ở giữa Biển Đông; đáng chú ý là trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã khẩn trương tiến hành lấn biển, tạo đảo, biến các bãi cạn ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo và gấp rút xây dựng các đường băng, cầu cảng, đồn bốt, hầm hào; tăng cường điều động quân lính và phương tiện chiến tranh xuống chốt giữ các vị trí then chốt ở hai quần đảo này; đặc biệt còn kéo các dàn tên lửa đất đối không hiện đại xuống Hoàng Sa, lắp đặt các trạm ra đa quan sát cao tần hiện đại ở đá Châu Viên,… Những động thái này đã bộc lộ chủ trương quân sự hóa Biển Đông mà lâu nay họ luôn tìm cách che dấu, biện minh, hứa hẹn trước dư luận quốc tế, thậm chí còn tìm cách đổ vấy cho các nước khác. Tất cả những hoạt động nói trên của Trung Quốc rõ ràng là nhằm phục vụ cho chủ trương độc chiếm Biển Đông bằng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để khống chế Biển Đông, dùng Biển Đông thực hiện giấc mộng Trung Hoa, vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế của Hoa Kỳ.
Như đã phân tích ở trên, rõ ràng Trung Quốc luôn sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện quyết tâm chiến lược độc chiếm Biển Đông. Chắc chắn, thời gian sắp tới, nếu phản ứng và đối sách của các nước trong khu vực và quốc tế vẫn ở mức độ như hiện nay thì Trung Quốc sẽ lấn tới, tiếp tục điều động lực lượng quân sự, phương tiện chiến tranh xuống Hoàng sa và đặc biệt là Trường Sa; trước mắt, nếu cán cân sức mạnh của các siêu cường ở một số khu vực vẫn trong tình thế như hiện nay, chưa có gì đột biến, thì Trung Quốc sử dụng sức mạnh chủ yếu là nhằm diễu võ dương oai, dằn mặt, răn đe các nước nhỏ trong khu vực yếu hơn mình; để thách thức, thử phản ứng của các nước lớn có liên quan khác như Mỹ, Nhật, Úc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh hạn chế để mở rộng thêm vị trí chiếm đóng ở Trường Sa hoặc chiếm đóng một số bãi cạn chưa có ai đóng quân ở Biển Đông; tiến hành kiểm soát, khống chế các hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế qua Biển Đông; cản trở các hoạt động khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản hợp pháp của các nước trong khu vực; tiếp tục các hoạt động nghiên cứu thăm dò tài nguyên thiên nhiên; có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành khai thác dầu khí ở một số lô dầu khí nằm trong thềm lục địa của Việt Nam hay các nước khác quanh Biển Đông. Trên mặt trận ngoại giao, tuyên truyền, Trung Quốc vẫn áp dụng chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt”, tiếp tục hứa hẹn, ru ngủ dư luận, dùng quan hệ chính trị, kinh tế để mua chuộc, phân hóa và gây sức ép để họ dễ bề lấn tới thực hiện khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình”….
- Mục tiêu của những hoạt động gần đây của Trung Quốc là gì?
3.1. Một trong những mục tiêu mà Trung Quốc đang ưu tiên thực hiện trong tình hình hiện nay là tìm mọi cách để nhanh chóng kiểm soát, khống chế mọi hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế đi qua Biển Đông. Hiện nay có 02 luồng ý kiến trái chiều về việc Trung Quốc có thiết lập “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) ở Biển Đông hay không.
Trung Quốc đã giải thích và vận dụng “Vùng nhận dạng phòng không” nhằm phục vụ cho mục tiêu khống chế, cản trở các hoạt động hàng không, hàng hải quốc tế đi qua biển Hoa Đông, được coi là một trong các biện pháp quân sự để họ có thể giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách lãnh thổ trong khu vực biển Hoa Đông, và nếu họ áp dụng cho khu vực Biển Đông thì cũng nhằm phục vụ cho yêu sách “đường lưỡi bò” đầy tham vọng ở Biển Đông. Qua thực tế ở Hoa Đông, Trung Quốc thừa biết nếu họ công bố ADIZ ở Biển Đông vào thời điểm hiện nay sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng khi cần thiết và thuận lợi, Trung Quốc vẫn cứ nhắm mắt làm liều, phớt lờ phản ứng của dư luận như nhiều hoạt động và thái độ ứng xử mà Trung Quốc đã thể hiện trong thời gian qua ở Biển Đông, và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa trước.
3.2. Việc Trung Quốc vừa đưa hệ thống tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một trong những bước leo thang quân sự đã được Trung Quốc tính toán và rắp tâm thực hiện theo một kịch bản lớp lang rất rõ ràng của chiến lược độc chiếm Biển Đông, thông qua Biển Đông để vươn lên tranh giành ngôi vị siêu cường quốc tế của Mỹ. Dư luận hầu như không lạ lẫm trước những động thái quân sự đã và đang được Trung Quốc triển khai trong khu vực Biển Đông từ trước đến nay, ngoại trừ một số ít người “nhẹ dạ cả tin”, hoặc cố tình làm ngơ hay tỏ ra đồng tình, thậm chí hết lời ca tụng, chỉ vì lợi ích của mình trong quan hệ kinh tế, chính trị với Trung Quốc. Tuy nhiên, hành động quân sự hóa Biển Đông này diễn ra trong tình hình hiện nay khiến dư luận không thể không lo ngại, bất bình và một số quốc gia đã kịp thời lên án, cực lực phản đối, vì những lý do sau:
- Đây là sự tiếp tục vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, coi thường luật pháp quốc tế, không tôn trọng những cam kết chính trị giữa hai nước Việt -Trung; bất chấp những cam kết của lãnh đạo Trung Quốc trước cộng đồng khu vực và quốc tế, rằng “Trung Quốc không tiến hành quân sự hóa Biển Đông, cam kết cùng các nước ASEAN tiến hành đàm phán để sớm có COC”… Sự việc này thêm một lần nữa khiến dư luận nhận rõ Trung Quốc đã hành xử “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”; đây rõ ràng là thái độ tiền hậu bất nhất của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, nếu không muốn nói là tinh thần vô trách nhiệm của một cường quốc có vai trò trước cộng đồng quốc tế, nhất là trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, khi mà nhân loại đang đứng bên miệng hố chiến tranh do những tranh chấp về biên giới lãnh thổ, về tôn giáo, sắc tộc, về lợi ích địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các siêu cường và sự thao túng, tranh giành lợi ích của các tập đoàn lái súng quốc tế…
- Hành động này của Trung Quốc có thể nói là một sự đe dọa bằng sức mạnh nhằm vào các nước trong khu vực ASEAN trong tình hình mà quan hệ trong nội khối cũng như giữa ASEAN và Hoa Kỳ đang có những tín hiệu tích cực, nhất là sau khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Hoa Kỳ; những tín hiệu mà Trung Quốc không mong muốn; bởi vì nó sẽ là nguy cơ ngăn cản Trung Quốc triển khai thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” đầy tham vọng của mình.
- Cũng có thể nói, bằng hành động quân sự phiêu lưu này Trung Quốc đã thách thức và răn đe các nước ngoài khu vực đang có những hoạt động chống lại những toan tính của Trung Quốc trong việc khống chế, ngăn cản hoạt động hàng hải, hàng không quốc tế qua Biển Đông, nhất là Hoa Kỳ, Nhật, Ấn Độ, Úc… khi các nước này đã triển khai việc đưa tàu chiến, máy bay tuần tra vào phạm vi 12 hải lý quanh các bãi cạn lúc chìm lúc nổi hay các đảo nhỏ mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa….
- Động thái nói trên rõ ràng là một bước leo thang quân sự mới cực kỳ nguy hiểm, bộc lộ chủ trương quân sự hóa khu vực Biển Đông của Trung Quốc mà bấy lâu nay họ cố tình dấu giếm che đậy…; Việc này là mối hiểm họa thật sự cho nền quốc phòng, an ninh của các quốc gia trong khu vực Biển Đông mà trực tiếp là Việt Nam, Philippines, Malaysia….; đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông… Tình hình đó tất yếu dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới, các quốc gia sẽ đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị chiến tranh để phòng thủ, bảo vệ các quyền và lợi ích của mình… và khả năng đụng độ, xung đột sẽ tăng lên; tình hình Biển Đông sẽ nóng lên từng ngày…
Như đã phân tích ở trên, hành động này của Trung Quốc rõ ràng là sự đe dọa hết sức nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của các quốc gia xung quanh Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, một quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng và đang ngang nhiên bố trí các phương tiện chiến tranh. Chủ quyền Việt Nam bị xâm phạm, nền quốc phòng an ninh của Việt Nam đang bị uy hiếp, các hoạt động giao thông vận tải, khai thác tài nguyên của Việt Nam trong các khu vực biển thuộc các quyền chính đáng của mình bị ngăn cản, tính mạng tài sản của ngư dân Việt Nam bị đe dọa…
- Việt Nam và các nước liên quan cần làm gì trước tình hình trên?
4.1. Trước động thái này của Trung Quốc, chúng ta không thể không lên tiếng phản đối mạnh mẽ, rõ ràng thông qua các kênh ngoại giao cao nhất; Việt Nam cũng cần phải có công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp và có những biện pháp mạnh mẽ đối với hành động quân sự phiêu lưu và nguy hiểm của Trung Quốc; đã đến lúc Liên Hợp Quốc cần vào cuộc để bảo vệ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Những hành vi nêu trên của Trung Quốc khi đặt dưới ánh sáng Công pháp quốc tế mà cao nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc, có thể thấy rõ sự kiện Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988 là một sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt hơn nữa là Trung Quốc đã chà đạp Hiến chương Liên Hợp Quốc mặc dù là một thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an.
Nguy hiểm hơn nữa, những hành vi sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực đang có nguy cơ lặp lại trên Biển Đông, mà lần này đối tượng bị hại không chỉ là riêng Việt Nam, mà còn cả khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới có lợi ích cốt lõi trong tuyến đường biển huyết mạch đi qua Biển Đông.
Chưa bao giờ Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 lại bị Trung Quốc ngang nhiên thách thức, chà đạp như hiện nay trên Biển Đông, bất chấp phản đối của các bên liên quan.
Thậm chí là ngay cả cơ quan tài phán quốc tế, như trường hợp Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 đang thụ lý vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông cũng đang bị Trung Quốc chống đối tới cùng.
Nếu tiếp tục để Trung Quốc lộng hành ngang ngược ở Biển Đông, đe dọa các nước khác, bất chấp luật pháp quốc tế mà nhân loại văn minh phải mất bao xương máu, mồ hôi, trí tuệ để xây dựng lên nhằm giữ gìn hòa bình cho ngôi nhà chung nhân loại, thì những nguyên tắc cơ bản và giá trị phổ quát của nhân loại mà cao nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc có nguy cơ bị Bắc Kinh ném vào sọt rác.
Thiết nghĩ đã đến lúc các bên liên quan như Việt Nam, Hoa Kỳ, Philippines, Nhật Bản...cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa tại các diễn đàn của Liên Hợp Quốc để ngăn chặn hậu quả nguy hại của những hành vi leo thang trên Biển Đông, bảo vệ luật pháp và công lý, bảo vệ phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc xử vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông tới đây.
Cá nhân người viết tin rằng có thể chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tính đến điều này, đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các diễn đàn khác. Vũ khí công lý và công luận thiết nghĩ quan trọng và hiệu quả không kém súng đạn Trung Quốc kéo ra Biển Đông, vấn đề còn lại là sự đồng lòng, đoàn kết và hành động.
4.2 Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền trong nước và quốc tế để dư luận hiểu rõ về hành động quân sự hóa Biển Đông, nhấn mạnh hành động đó của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng và coi thường luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh, hòa bình và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa,… nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tạo sự nhất trí trong nội bộ ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, đồng thời nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình; tuy nhiên, ta cũng cần đề phòng, chủ động và sẵn sẵng ứng phó những tình huống xấu nhất có thể xẩy ra, thậm chí cả việc phải sử dụng vũ lực.
4.3 Việt Nam cần tăng cường hợp tác và thúc đấy các nước ASEAN xây dựng và thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, đưa ra các sáng kiến nhằm duy trì nguyên trạng, ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải – hàng không ở khu vực Biển Đông.
4.4 Việt Nam cũng cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời thực hiện hiệu quả giải pháp mang tính chiến lược và quyết định: Một mặt, chúng ta cần tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ của các lực lượng chức năng; Mặt khác, cần đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh pháp lý thông qua các kênh ngoại giao và thông qua các cơ quan tài phán quốc tế thích hợp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông trước các hành động đơn phương lấn lướt của Trung Quốc trong việc xâm phạm chủ quyền và lợi ích quốc gia Việt Nam ở Biển Đông./.