Thêm vào đó, đột biến gen của bản thân virus này có thể là nguyên nhân khiến chủng virus H7N9 lây sang người và dẫn tới tỉ lệ tử vong cao. Khu vực châu thổ sông Trường Giang (Trung Quốc) có thể là nơi phát sinh ra nguồn gen kết hợp trên. Chủng virus mới có thể là kết quả từ sự kết hợp gen giữa chim hoang dã di chuyển từ châu Âu sang châu Á với gen chủng virus cúm gà và vịt khu vực châu thổ sông Trường Giang.
Bộ Y tế Trung Quốc ngày 11/4 cho biết tại tỉnh Giang Tô, miền Đông nước này phát hiện thêm 2 trường hợp bị nhiễm virus cúm H7N9, nâng tổng số người bị nhiễm virus cúm H7N9 lên 35 người trong cả nước, trong đó 9 người đã tử vong.
Cụ thể những trường hợp mới nhiễm là một chủ tiệm ăn ở thành phố Dương Châu, 31 tuổi có các dấu hiệu cúm từ ngày 31/3 và được chuẩn đoán bị nhiễm cúm H7N9 chiều 11/4. Trường hợp còn lại là một nam giáo viên ở thành phố Tô Châu, 56 tuổi cũng có các triệu chứng cúm từ ngày 3/4 và xét nghiệm dương tính với virus cúm H7N9 chiều 11/4. Cả hai trường hợp này đang trong tình trạng nguy kịch.
Toàn bộ 52 người tiếp xúc với 2 người bệnh trên hiện chưa có dấu hiệu bất thường.
Nhằm ngăn chặn virus cúm H7N9 lây lan và trợ giúp các cơ sở sản xuất, chính quyền thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 10/4 đã quyết định trợ cấp cho các trang trại chăn nuôi gia cầm, theo đó các trang trại được trợ cấp 15 nhân dân tệ (tương đương 2,4 USD) cho mỗi con gia cầm từ ngày 1-30/4, các cá nhân nuôi gia cầm được trợ cấp 3 nhân dân tệ cho mỗi con gà đẻ trứng.
Chính quyền cũng mua gà từ người chăn nuôi để giảm bớt tổn thất cho người chăn nuôi đồng thời trả không thấp hơn 50% giá thị trường cho các hộ kinh doanh gia cầm để tiêu hủy lượng gia cầm đang dự trữ.
Trước đó, chính quyền Thượng Hải đã ra lệnh ngừng buôn bán và nhập khẩu gia cầm sống, đồng thời yêu cầu tiêu hủy gia cầm sau khi phát hiện virus cúm H7N9 trong mẫu gà thu được từ một khu chợ ở thành phố này hồi tuần trước. Đã có tổng cộng 20.000 gia cầm được tiêu hủy./.
Theo Vietnam+
(TH)