Trong đợt xét công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đã hi sinh, từ trần ở tỉnh Vĩnh Phúc vừa qua, có trường hợp của liệt sĩ Kim Văn Thuần (sinh năm 1915, trú tại xã Thượng Trưng) và liệt sĩ Phạm Văn Du (sinh năm 1924 trú tại xã Tân Cương). Cả hai trường hợp đều ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, được làm hồ sơ xét công nhận là Lão thành cách mạng (LTCM) vào thời điểm năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận.
Trong đơn ông Kim Văn Hòa, con trai duy nhất của liệt sĩ Kim Văn Thuần và là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Duyên phản ánh với Báo CCB Việt Nam thì “Đã hơn 4 năm qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vẫn cố tình không công nhận hai liệt sĩ chống Pháp - Kim Văn Thuần và Phạm Văn Du là LTCM, theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng”?!
Như Báo CCB Việt Nam đăng trong bài “Vĩnh Phúc: Ông Phạm Văn Du và ông Kim Văn Thuần vẫn chưa được công nhận là LTCM”, trên số 1035, ra ngày 4-9-2014 thì “Việc hai liệt sĩ chưa được công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 là do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc căn cứ vào Hướng dẫn số 30-HD/BTCTƯ quy định không lấy xác nhận của nhân chứng làm căn cứ mà nếu không có hồ sơ lý lịch cán bộ thì dựa vào: … - Hồ sơ của người hoạt động cách mạng đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ; - Người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 1-10-2007 trở về trước…”.
Tuy nhiên, khi làm hồ sơ xét LTCM cho hai liệt sĩ, đáng tiếc cuốn “Lịch sử Đảng bộ hai xã Thượng Trưng và Tân Cương” lấy làm căn cứ để xét duyệt chỉ ghi thời điểm hai liệt sĩ làm bí thư chi bộ mà không ghi thời gian bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Do đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lấy lý do cho là hai liệt sĩ tham gia hoạt động cách mạng sau tháng 8-1945, nên không công nhận là LTCM.
Quá trình đi đòi quyền lợi cho cha, ông Kim Văn Hòa cho biết, nếu chỉ lấy căn cứ “Cuốn lịch sử Đảng bộ và hồ sơ người hoạt động cách mạng đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ là cứng nhắc, khóa tay chân những người thực hiện chính sách và làm khó cho con cháu người có công lục tìm, đưa ra chứng cứ”.
Cụ thể, cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng” chỉ phản ánh liệt sĩ Kim Văn Thuần vào thời điểm tháng 8-1952, Chi bộ Minh Đức tổ chức đại hội kiện toàn bộ máy, giao đồng chí phụ trách công tác tổ chức. Từ tháng 7-1953, được bầu làm Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch UBKCHC và đến tháng 11-1953, bị địch giết hại, trong một trận đánh. Còn đối với liệt sĩ Phạm Văn Du, sách lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương cũng chỉ “cụ thể hóa” làm Bí thư chi bộ từ tháng 9 đến 11-1951, sau đó bị địch giết hại mà không thể hiện quá trình tham gia cách mạng từ khi nào. Do đó, nếu “vin” vào lý do sách lịch sử đảng bộ phải thể hiện được thời gian tham gia cách mạng trước tháng 8-1945 làm cơ sở xét duyệt LTCM cho hai liệt sĩ Kim Văn Thuần và Phạm Văn Du là điều không thực tế.
“Như chúng ta đều hiểu một quy luật, trước khi làm bí thư chi bộ thì hai liệt sĩ cũng phải là đảng viên thường và trước đó cũng phải được đồng chí, đồng đội giác ngộ để theo cách mạng và được giao giữ nhiệm vụ trọng trách nào đó… Thêm nữa, lúc sinh thành đến thời điểm ngày 1-1-1945, liệt sĩ Phạm Văn Du và Kim Văn Thuần cũng ở tuổi từ 20 đến 30, do đó việc hai ông tham gia cách mạng trước thời điểm 1-1-1945 là có cơ sở” - ông Hòa phân tích.
Và … “làm đau” người đã khuất?
Khi thực hiện kê khai làm hồ sơ xét duyệt, ông Hòa đã có nhiều ý kiến đề nghị những người làm chính sách ở tỉnh Vĩnh Phúc xem xét thẩm tra lại trường hợp của hai liệt sĩ Du và Thuần, bởi ông phát hiện cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã không thể hiện đầy đủ thời gian tham gia cách mạng của hai liệt sĩ.
Thiếu sót này, chính một số người biên soạn sách lịch sử Đảng bộ hai xã Thượng Trưng và Tân Cương thừa nhận là “do chưa lấy đủ thông tin nên chưa đưa được thời gian bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng của hai liệt sĩ vào”.
Do đó, nếu không thẩm tra rà soát kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra trường hợp người có công thực sự không được vinh danh, còn người không có công được “hợp thức” ở một công đoạn nào đó lại được vinh danh khiến cho con cháu đời sau họ oán hận.
Nói thế bởi trong rất nhiều đơn ông Hòa viết gửi các cơ quan chức năng có những dòng viết chua chát, đay nghiến khiến ai đọc cũng giật mình:
“…Tôi đâu cần xin ân huệ cho cha tôi. Ở quê tôi có tình trạng, người có công thực sự với cách mạng, thì không được công nhận. Kẻ đầu hàng, làm tay sai cho giặc, phản bội lại đồng đội và những người đã từng che chở, nuôi dưỡng mình trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp thì lại công nhận là người có công, được vinh danh là LTCM…?”.
Cả hai liệt sĩ Phạm Văn Du và Kim Văn Thuần ai cũng đều được tặng Bằng Tổ quốc ghi công; Huân chương Kháng chiến hạng ba. Đặc biệt, thân mẫu của liệt sĩ Kim Văn Thuần đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH từ năm 2002 (con trai duy nhất là liệt sĩ). Trong hồ sơ truy tặng Bà mẹ VNAH này cũng có văn bản từng thể hiện liệt sĩ Kim Văn Thuần tham gia cách mạng trước ngày 1-1-1945.
Bên cạnh đó, lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương còn viết về liệt sĩ Phạm Văn Du rất đáng thương tâm: “…Đồng chí Du đã chiến đầu ngoan cường và hi sinh anh dũng. Để uy hiếp tinh thần nhân dân, kẻ địch đã chặt đầu đồng chí bỏ vào rổ, bắt bố đẻ và vợ đưa đi quanh làng, rồi sau đó chúng cắm vào cọc ở ngã ba đường...”.
Đó là những hình ảnh anh dũng hi sinh của liệt sĩ Phạm Văn Du cũng như thành tích của liệt sĩ Kim Văn Thuần. Thế nhưng, những người làm chính sách ở Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lại không sớm nhận ra là “không ai bỗng nhiên được bầu làm bí thư chi bộ”, mà nó phải có cả một quá trình mới có được vị trí bí thư chi bộ. Trong sách lịch sử đảng bộ không ghi hết quá trình tham gia cách mạng mà chỉ ghi giai đoạn làm bí thư chi bộ là chưa phản ánh hết thời gian hoạt động cách cách mạng của hai liệt sĩ. Do đó, trong trường hợp cụ thể này thì lỗi, trách nhiệm sẽ thuộc về ai nếu “vin” vào lịch sử đảng bộ xã không thể hiện thời gian tham gia cách mạng trước tháng 8-1945, để làm cơ sở xét duyệt LTCM?
Mặt khác ông Hòa cho rằng, dựa vào Hồ sơ người hoạt động cách mạng đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ để làm cơ sở xét duyệt LTCM cũng không phản ánh hết quá trình tham gia hoạt động cách mạng của hai liệt sĩ. Minh chứng là Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Phạm Văn Du cũng chỉ ghi chức vụ là “Chính trị viên xã đội” và thời điểm hi sinh ghi năm 1951. Thân nhân cũng chỉ ghi bố: Phạm Văn Thiệm, trong khi liệt sĩ Phạm Văn Du có con gái là Phạm Thị Lịch… Những thông tin thiếu sót này ai chịu trách nhiệm khi làm hồ sơ xét duyệt LTCM cho liệt sĩ?
Đó là một loạt những câu hỏi chưa có lời giải mà ông Kim Văn Hòa đặt ra và có lẽ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã áp, vận dụng một cách cứng nhắc với Hướng dẫn số 30-HD/BTCTƯ ngày 12-8-2009 của Ban Tổ chức T.Ư? Bởi trong văn bản số 617-CV/TC ngày 4-7-2012 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trả lời bà Phạm Thị Lịch (con gái liệt sĩ Phạm Văn Du) thì nêu: Căn cứ để xét, công nhận người hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 đã hi sinh, từ trần: “…Trường hợp người hoạt động cách mạng không có lý lịch (hoặc không còn lý lịch) thì căn cứ vào một trong các tài liệu có liên quan sau:... - Hồ sơ của người hoạt động cách mạng đã được truy tặng danh hiệu liệt sĩ; - Người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cho xuất bản từ ngày 1-10-2007 trở về trước…”.
Như vậy cho thấy, quy định chỉ yêu cầu người hoạt động cách mạng được ghi nhận trong lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên, hoàn toàn không thấy yêu cầu phải ghi thời gian tham gia hoạt động cách mạng trước tháng 8-1945 như Văn bản số 617-CV/TC ngày 4-7-2012 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trả lời bà Phạm Thị Lịch…
Hơn 4 năm qua, ông Kim Văn Hòa và ông Bùi Quang Nghiêm (con rể liệt sĩ Phạm Văn Du) ròng rã đi tìm chân lý, nhưng sự vòng vo, vô số thủ tục rườm rà, cứng nhắc của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã khiến cho hai ông thất vọng và có nhiều bức xúc, bởi trước đó từ cấp xã đến cấp huyện đều đồng tình đưa ra chính kiến, chứng cứ, rằng hai liệt sĩ Phạm Văn Du và Kim Văn Thuần hoàn toàn xứng đáng được công nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945, nhưng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Phúc lại tự “đánh vuột mất” danh hiệu này của hai người con yêu nước quê hương Vĩnh Phúc!
Bài và ảnh: Chính Nhi