Lực lượng xe tăng Nga diễn tập ở tỉnh Leningrad ngày 13-2.
Ngày 18-2, sau khi điện đàm với lãnh đạo các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Romania, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Mỹ - Joe Biden tuyên bố: "Chúng tôi có lý do để tin các lực lượng Nga có kế hoạch và ý định tấn công Ukraine trong tuần tới, trong những ngày tới. Vào thời điểm này, tôi tin ông ấy đã đưa ra quyết định (tấn công)". Như vậy, theo lời ông Biden, Nga sẽ tấn công quân sự Ukraine trong tuần này.
Vì sao một cuộc chiến tranh lại được Tổng thống Mỹ dự báo chính xác ít nhất 1 tuần như vậy? Theo ông Biden thì Mỹ có "năng lực tình báo đáng kể". Thế nhưng, một số quan chức phương Tây trước đó dẫn nguồn tin tình báo Mỹ dự đoán Nga sẽ tấn công Ukraine ngày 16-2 nhưng mốc thời gian đó đã qua và chiến tranh đã không xảy ra, ngược lại, Nga tuyên bố đang rút dần quân khỏi khu vực biên giới tiếp giáp với Ukraine.
“Năng lực tình báo đáng kể” mà Tổng thống Mỹ đề cập liên quan đến tình hình Nga - Ukraine như vậy ít ra đã sai một lần trên thực tế. Ngay cả Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky, người bay sang dự Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Đức sau khi dùng bữa sáng ở Kiev và trở lại dùng bữa tối ở đây sau hội nghị, khi được phóng viên đài CNN hỏi cũng không bày tỏ tin tưởng vào thông tin tình báo của phía Mỹ. Ông cho biết: Ukraine không hoảng sợ và có thông tin tình báo riêng của mình. Theo ông, Ukraine sẵn sàng bảo vệ đất nước nhưng không cho rằng Nga sẽ tấn công Ukraine.
Đó là niềm tin của lãnh đạo Ukraine. Niềm tin này cũng giống như khẳng định của Tổng thống Nga - Vladimir Putin rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine. Có thể thấy, Moscow và Kiev không nhìn nhận sẽ có các hành động quân sự nhằm vào lãnh thổ của nhau thế nhưng các nước và báo chí phương Tây lại tạo dư luận theo chiều ngược lại. Các sứ quán của các nước phương Tây đã được cắt giảm hiện diện và chuyển về khu vực Lvov, giáp biên giới với Ba Lan trong khi công dân của các nước này được khuyên nên rời khỏi Ukraine, như thể một cuộc tấn công vào Kiev sẽ sớm nổ ra. Ít ra, đó là mong muốn của phương Tây và như chỉ chờ Nga có hành động quân sự với Ukraine thì các lệnh trừng phạt, cấm vận sẽ ngay lập tức nhằm vào Moscow.
Ukraine, trong khi vẫn mong mỏi được kết nạp vào NATO, muốn NATO hỗ trợ về mọi mặt, nhưng cũng không mong muốn một kịch bản quân sự xảy ra. Bản thân Tổng thống Zelensky vẫn hy vọng có cuộc gặp với người đồng cấp Nga để tìm biện pháp giảm căng thẳng. Thế nhưng, với việc Ukraine không từ bỏ mong muốn vào NATO, đi ngược lại mong muốn của Nga cũng như việc Mỹ và NATO không chấp nhận các đề xuất bảo đảm an ninh mà Nga đưa ra trước đó gần như đóng lại cánh cửa ổn định cho Ukraine - vùng đệm an ninh tự nhiên giữa Nga và NATO.
Vào NATO hay không? Đó chính là thế tiến thoái lưỡng nan của Kiev. Nếu Ukraine xin vào NATO, Nga sẽ quan ngại về an ninh của mình khi vùng biên giới phía Tây của mình bị các nước trong NATO vây kín. Nếu không vào NATO, Ukraine gần như đơn độc, khó bảo vệ lợi ích của mình vì không có quan hệ tốt với Nga và cũng khó gây dựng quan hệ tốt với Nga nhất là từ khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014.
Thế khó của Ukraine đã hiện rõ ở chính miền Đông của nước này khi các cuộc đụng độ liên tục nổ ra những ngày gần đây. Trong khi các vấn đề trong quan hệ đối ngoại chưa được xử lý thì việc vi phạm lệnh ngừng bắn liên tục ở Donetsk và Lugansk ở miền Đông nước này khiến dòng người sơ tán đổ dồn sang Nga là bài toán khó giải của chính quyền Tổng thống Zelensky. Một Ukraine mất ổn định đã là thông tin chính thức còn có hay không một cuộc chiến do Nga phát động nhằm vào Ukraine thì lại chờ để kiểm nghiệm “năng lực tình báo đáng kể” của Mỹ.
Thanh Huyền