Gặp ông Chi trong căn chòi gác chỉ rộng khoảng 2m2. Bao quanh là bốn bức tường cao khoảng 1m. Bốn góc tường là bốn trụ bê tông đỡ 8 tấm proxi măng che mưa, che nắng. Bên trong chỉ có duy nhất một chiếc “giường” ghép bằng những tấm gỗ mỏng, được ông xin từ nhiều gia đình về đóng lại.
Câu chuyện của ông bắt đầu từ ký ức người lính một thời. Năm 1964, ông nhập ngũ, thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 927, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Năm 1971, trong một trận đánh, ông bị thương... Sau hơn 7 năm trong quân đội, ông xuất ngũ với chế độ thương binh 4/4. Về đời thường, thiết nghĩ cuộc sống của ông sẽ an phận bằng chính sức lao động của mình và phụ cấp thương tật ít ỏi. Nhưng rồi, đoạn đường ngang dân sinh đầu thôn có hàng chục chuyến tàu qua lại mỗi ngày, đã từng xảy ra không ít những vụ tai nạn thương tâm, khiến lòng người thương binh trăn trở, thôi thúc ông tự nguyện gác tàu không lương.
Nghe chúng tôi hỏi chuyện gác tàu, ông Chi hướng ánh mắt về phía đường ray, trầm ngâm, rồi kể: Cách đây 12 năm (năm 2005) tại đường ngang dân sinh đi qua đường sắt ở km 254 + 030 thuộc địa bàn xóm 7 xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngành Đường sắt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng cảnh giới đường ngang dân sinh này. Ban đầu, chính quyền xã Quỳnh Tân giao cho Đoàn Thanh niên đảm nhiệm. Những ngày đầu lực lượng trẻ nhiệt tình cắt cử người trực gác thường xuyên đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu cũng như các phương tiện dân sinh qua lại nơi đây. Nhưng vì nhiều lý do nên công việc này trễ nải. Sau đó, Hội CCB xã đã đứng ra đảm nhận. CCB – thương binh Nguyễn Huy Chi và một người nữa được phân công đảm nhiệm công việc. Sau khi tổ gác vào hoạt động được chừng nửa năm thì người bạn gác kia cũng nghỉ luôn. Thế là một mình ông Chi duy trì vọng gác đường ngang từ đó cho đến tận bây giờ.
CCB – thương binh Nguyễn Huy Chi tự nguyện gác tàu từ năm 2005, với 1 lá cờ, cùng 6 quả mìn nổ báo hiệu được Cung đường sắt - Quỳnh Văn cấp phát sử dụng khi có sự cố xảy ra. Tôi hỏi ông: Vì lý do gì mà 12 năm liền ông tình nguyện ra cảnh giới đường tàu, trong khi gia đình còn khó khăn, phụ cấp không đáng kể? Ông trả lời rất chân thật: Vì tôi muốn cho mọi phương tiện, mọi người dân, nhất là các cháu học sinh đi qua nơi đây được an toàn. Hơn nữa Bác Hồ đã dạy rằng “Dù việc to hay việc nhỏ đã được tổ chức giao cho thì phải làm cho thật tốt”.
Cả đoạn đường giao cắt không có ba-ri-e, không biển báo tự động, bản thân ông Chi cũng không sổ sách, không điện thoại liên lạc. Tuy nhiên với kinh nghiệm làm lâu thành quen, hằng ngày ông căn theo giờ mà đoán thời điểm tàu về. Hễ nghe tiếng còi tàu từ xa, ông Chi lại nhanh chóng ra đứng ngay đầu đoạn giao cắt, ra hiệu dừng các phương tiện đang chuẩn bị vượt qua đường ray và giơ cờ hiệu cho lái tàu. Cảm nhận được vai trò quan trọng của người gác tàu nên 12 năm qua ông Chi đều đặn gác tàu không dám nghỉ ngày nào. Thấu hiểu cho công việc khắt khe của chồng, bà Nguyễn Thị Liên vợ của ông luôn động viên, ủng hộ và sẵn sàng thay ông canh gác khi ông đau yếu.
Có thể nói 12 năm làm nhiệm vụ gác đường tàu không lương, ông Chi chẳng thể nhớ được có bao nhiêu chuyến tàu qua lại nơi đây, chỉ biết rằng từ ngày ông nhận nhiệm vụ đến nay, chưa có vụ tai nạn nào xảy ra. Không một danh hiệu nào được trao và cũng chẳng lần nào ông Chi đòi hỏi quyền lợi, ngày nắng hay ngày mưa, dù mùa hè hay mùa đông, ông vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu. Hiện nay với số tiền 1 triệu đồng/tháng mà Ngành Đường sắt hỗ trợ cũng không đáng là bao nhưng vì nhiệm vụ, vì cuộc sống nhân dân mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng người lính Cụ Hồ ấy vẫn “đứng gác”.
Đã không ít lần vợ con muốn ông nghỉ gác vì sức khoẻ chẳng còn dẻo dai để chịu được mưa nắng ngoài đường tàu nữa. Nhưng vì thấy thương dân, thương các cháu học sinh mà đến nay ở cái tuổi gần 80, ông Chi vẫn ngày ngày bám đường tàu mà chưa có ý định “về hưu”. Chứng kiến công việc gác tàu vất vả và những lần cứu người thoát khỏi tử thần trong gang tấc, chúng ta càng thêm khâm phục bởi một tấm lòng cao cả của một thương binh.
Ngọc Đại