Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, ngày 10/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng đã tiếp xúc cử tri tại huyện Kiến Thụy.
Là cử tri đầu tiên phát biểu, ông Phạm Văn Kiểm, 72 tuổi, bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố đã đạt được trong những năm qua. Tuy nhiên, ông băn khoăn trước những khó khăn của nền kinh tế đất nước, nhất là những tác động bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới; bên cạnh đó, giá điện, xăng dầu tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ông kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất những cơ chế chính sách phù hợp, có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây cũng là câu hỏi, yêu cầu của cử tri cả nước đối với sự điều hành của Chính phủ trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động. “Chúng tôi sẽ quyết tâm chỉ đạo điều hành, bảo đảm các mục tiêu mà Quốc hội giao”. Chia sẻ ý kiến của cử tri về giá điện, giá xăng dầu, Thủ tướng cho biết, việc điều chỉnh giá điện là theo lộ trình phù hợp, sau một thời gian dài không tăng, để bảo đảm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như bảo đảm đời sống nhân dân. Còn giá xăng dầu tăng là do giá thế giới tăng mạnh. Thủ tướng khẳng định, sẽ kiểm soát lạm phát ở mức (dưới 4%) như Quốc hội đề ra.
Cử tri Nguyễn Văn Thơm, 75 tuổi, cho rằng, Chính phủ cần có chính sách phát triển mạng lưới giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt xây dựng các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học chất lượng cao tại Hải Phòng.
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung xây dựng văn bản về cơ chế chính sách, chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho Hải Phòng phát triển.
Cử tri Phạm Văn Thơm, xã Minh Tân cho rằng, Chính phủ và Thủ tướng đã quyết liệt trong chỉ đạo cải cách hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua một số bộ ngành chưa gắn lợi ích chung, vẫn còn tình trạng lợi ích cục bộ trong xây dựng các văn bản, quy định; một số nội dung cải cách chưa quyết liệt, chưa đồng bộ; thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà. Ông kiến nghị cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa đối với vấn đề này.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng thể chế để các chính sách được ban hành sát với thực tiễn, phục vụ người dân, phục vụ quản lý xã hội tốt hơn. Từ khi Chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới, đã đề cao công tác xây dựng pháp luật, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Các phiên họp Chính phủ đều dành nhiều thời gian cho xây dựng pháp luật.
Cử tri Chung Nhật Lệ, Đoàn Thanh niên huyện Kiến Thụy, kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ ngành liên quan cụ thể hóa các Luật, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới đồng thời chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên khu vực nông thôn hiện nay.
Thủ tướng cho rằng, thanh niên Việt Nam thông minh, đổi mới sáng tạo, nhạy bén và vấn đề quan trọng là làm sao phát huy thế mạnh này của thanh niên. Sắp tới, chính sách khởi nghiệp cho thanh niên sẽ được chú trọng hơn nữa, trong đó sẽ đề cập đến các vấn đề như chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ tín dụng, quỹ bảo hiểm khởi nghiệp…
Theo Thủ tướng, mục tiêu lớn được đặt ra là tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, và tin tưởng thanh niên sẽ tiếp tục phấn đấu, đi đầu trong khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hà, cử tri hợp tác xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy mong Chính phủ xem xét trong thời gian tới có chính sách đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành hợp tác xã, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nhất là định hướng đầu ra sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đồng thời, cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ hợp tác xã, để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả cao đáp ứng với yêu cầu và để Luật Hợp tác xã đi vào cuộc sống.
Ghi nhận ý kiến của các cử tri, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Luật Hợp tác xã, trong đó có một số chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hợp tác xã như chính sách thuế, tín dụng… Thủ tướng đề nghị Hải Phòng kiểm tra lại việc thực hiện chủ trương phát triển hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.
Trước ý kiến của cử tri về việc xây dựng nông thôn mới nhưng phải giữ được “hồn quê”, truyền thống tốt đẹp, Thủ tướng cho rằng, đây là ý kiến sâu sắc. Đời sống vật chất của người nông dân ngày càng nâng lên nhưng cần giữ gìn truyền thống để xã hội phát triển hài hòa, bình an, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau chứ không phải xã hội chạy theo đồng tiền; lên án các hành vi phi đạo đức, kém văn hóa ở một số lĩnh vực. Thủ tướng lưu ý các cơ quan chức năng trong chỉ đạo điều hành cần coi trọng việc giữ gìn văn hóa ở địa phương, chứ không chỉ tập trung lĩnh vực kinh tế để cuộc sống người dân thực sự ấm no, hạnh phúc cả về vật chất và tinh thần.
Tại cuộc tiếp xúc, Thủ tướng cũng trả lời các kiến nghị của cử tri về nhiều lĩnh vực, như đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, bảo đảm tính pháp lý, tính đồng bộ liên thông từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng đã thông báo các nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và thành phố Hải Phòng, khẳng định mục tiêu là lo cho đời sống vật chất tinh thần của người dân tốt hơn, phát triển là để phục vụ nhân dân. Các kiến nghị của cử tri nêu ra là xác đáng, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố ghi nhận và sẽ phản ánh lên Quốc hội tại kỳ họp tới.
VPCP