Bút ký của Hữu Hằng
Bà Lê Thị Duyệt, năm nay 74 tuổi, ngụ tại số nhà 39A, ngôi nhà cấp 4 cũ nát trên đường Trần Cao Vân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.
Bà Duyệt đã từng là cơ sở cách mạng nội thị, một mắt xích quan trọng trong hoạt động “địch vận” của Thị ủy Buôn Ma Thuật từ năm 1964 đến Tết Mậu Thân năm 1968.
Khi ấy, chồng bà là Trung sĩ Nguyễn Sen, lái xe, kiêm cận vệ của trung tá Phó tư lệnh, kiêm Trưởng phòng hành quân Sư đoàn 23 ngụy.
Trước và sau khi kẻ địch xác định chính Nguyễn Sen đã trực tiếp cài chất nổ phá sập phòng họp, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 60 sĩ quan từ đại úy đến trung tá, toàn loại “con cưng hoàng tộc” tại phòng họp của Phòng Hành quân thuộc sư đoàn bộ Sư đoàn 23, thì người phụ nữ mảnh mai, kiên trung này bị tra khảo, đánh đập tàn nhẫn với đủ mọi cực hình, đến chết đi sống lại nhiều lần.
Bà quả phụ này (Nguyễn Sen hi sinh năm 1972, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ chống Mỹ năm 2010), nhiều năm nay sức khỏe của bà suy kiệt bởi nhiều bệnh: cao huyết áp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống cổ, rối loạn tiền đình, thần kinh tọa, tiểu đường...
Bà đã đến thăm khám ở các trung tâm, bệnh viện chuyên ngành tại TP Hồ Chí Minh và được biết: Kinh phí phẫu thuật cột sống và đốt sống cổ khoảng 100 triệu đồng.
Nhìn bên trong căn nhà cấp 4 cũ nát do chính đôi bàn tay yếu mềm của bà tạo dựng thì chỉ có chiếc tủ thờ với hai tấm Huân chương Giải phóng và Kháng chiến, cùng hai tấm bằng liệt sĩ và bằng Anh hùng LLVTND, đều mang tên Nguyễn Sen chồng bà. Ngoài ra không có gì đáng giá thì ai cũng hiểu rằng bệnh tình đua nhau gặm nhấm sức khỏe của bà là chuyện đương nhiên.
Vợ chồng người con trai lớn cùng làm việc tại Ban chỉ đạo Tây Nguyên. Họ đã sinh cho bà đứa cháu đích tôn, đang học lớp 11, còn đứa cháu thứ hai học lớp 5. Vợ chồng người con trai nhỏ thì cùng làm tại Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh, lại sinh cho bà hai cháu gái. Các cháu học lớp 11 và lớp 4.
Các con của bà đều rất thương mẹ già ốm yếu, rất hiếu thảo, nhưng kinh tế cũng còn có hạn nên chưa chưa lo liệu cho mẹ được đủ để chữa bệnh.
Tuy sống chan hòa với bà con khối phố, nhưng không mấy người biết bà thuộc diện gia đình chính sách và càng không biết quá khứ oanh liệt của bà.
Sức khỏe không cho phép bà làm được việc gì để có thêm thu nhập. Sinh hoạt thường ngày chỉ vỏn vẹn khoản tiền trợ cấp thờ cúng liệt sĩ từ chính sách đãi ngộ của Nhà nước.
Khó khăn là vậy, nhưng xóm giềng và cả những người cùng hoạt động với vợ chồng bà không một ai nghe bà phàn nàn kêu ca điều gì. Ngược lại, ở bà luôn thể hiện tố chất khiêm tốn, đượm sắc nhân văn.
Bà thường nói:

  • Sức khỏe tui yếu là do cơ địa!
    Không mấy ai được nghe bà nhắc tới hai điều: Đòn roi tra tấn và ở vậy thờ chồng, nuôi con.
    Cảm thông hoàn cảnh mẹ góa con côi, nhiều người cùng hoạt động với chồng bà, muốn thực lòng “chung vai gánh giúp”. Nhưng… người phụ nữ giàu nghị lực nơi bờ nam sông Bến Hải quyết tự thân… vận động. Bởi trong tim bà chỉ có một Nguyễn Sen.
    Dù đời sống vợ chồng bên nhau chưa đầy 8 năm, nhưng tính ngày tính tháng thì chưa tới 5 năm nên tình vợ, nghĩa chồng vẫn còn nguyên vẹn mặn nồng. Một ngày nào đó, tạo hóa sẽ đưa bà đến với chồng, cho dù thời gian có dài đến cả trăm năm, bà vẫn một lòng “chung thủy!”.
    H.H