NGUYỄN PHÚC ẤM
Năm 1965, thất bại trong “Chiến tranh đặc biệt”, Tổng thống Giôn-xơn ồ ạt đổ quân vào miền Nam, hết Sư đoàn 3 và Lữ đoàn 9 lính thủy đánh bộ, Sư đoàn 1 kỵ binh bay, Sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”; lại đến Lữ đoàn 3 cơ giới, Lữ đoàn 1 và 173 Không vận, Trung đoàn 3 Hải quân; rồi cả những đội quân đánh thuê mang tên “Rồng xanh”, “Mãnh hổ”, “Hoàng gia”… nâng số quân Mỹ và chư hầu ở chiến trường này từ 23.000 tên, vọt lên tới 204.500 tên. Cùng với việc đổ quân, Giôn-xơn cũng đưa vào đây 378 khẩu pháo, 528 xe tăng, xe bọc thép, 350 máy bay phản lực chiến đấu, 47 tầu chiến và 1.000 máy bay lên thẳng với tham vọng đánh cả trong Nam ra đến ngoài Bắc, “đánh gãy xương sống của Việt cộng”, đánh cho “miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”…
Trước sự hung hăng của đế quốc Mỹ, tháng 3-1965, Hội nghị BCH T.Ư Đảng lần thứ 11 quyết định: “Động viên quân và dân cả nước phát triển thế chủ động tiến công địch”; tiếp đó - tháng 7-1965, Bộ Chính trị ra Nghị quyết: “Chuyển hướng công tác tổ chức, tập trung lãnh đạo kinh tế, quốc phòng”; và ngay sau đấy - ngày 20-7-1965, Bác Hồ kêu gọi: “Trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu, dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn!”. Lời Bác như luồng sinh khí mới xua tan những lo âu, do dự, làm bừng tỉnh và hun sôi “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong toàn dân, toàn quân ta. Chưa năm nào, quân đội vươn lên, phát triển lực lượng hùng hậu như năm 1965 này.
Ở miền Nam, 5 sư đoàn trực thuộc Bộ nhanh chóng được thành lập: Sư đoàn 9 ở Bình Long, Sư đoàn 3 ở Bình Định, Sư đoàn 2 ở Quảng Nam, Sư đoàn 1 ở Tây Nguyên, Sư đoàn 5 ở Bà Rịa và các lực lượng pháo hợp thành một đơn vị tương đương cấp sư đoàn, mang phiên hiệu 69, đó là đoàn pháo binh Biên Hòa. Nhiều đơn vị đặc công, biệt động cũng ra đời: Quân khu 5 có tới 4 tiểu đoàn (407, 408, 487, 489), ấy là chưa kể tiểu đoàn 12 của Trị Thiên, Sài Gòn – Chợ Lớn có những 9 đội chiến đấu và hai đội bảo đảm (A20, A30), đưa tổng số quân chủ lực toàn miền lên đến 92.000 người. Lực lượng tại chỗ càng phát triển rầm rộ, quân khu thành lập tới cấp trung đoàn tập trung, tỉnh tới tiểu đoàn, huyện có các đại đội. Tính đến cuối năm 1965, bộ đội địa phương toàn miền Nam đã lên tới 80.000 người; dân quân du kích càng đông hơn: 174.000 người…
Ở miền Bắc, phong trào “Tòng quân giết giặc” bùng lên khắp các vùng nông thôn, thành thị. 290.000 trai tráng đã nhập ngũ sau khi “Luật nghĩa vụ quân sự thời chiến” ban hành (4-1965), nâng số quân chủ lực của quân đội ta từ 195.000 người hồi đầu năm, lên đến 400.000 người chỉ sau tám tháng. 10 sư đoàn bộ binh cơ động trực thuộc Bộ ở miền Bắc bấy giờ (308, 304, 312, 320, 325, 330, 350, 316, 324, 341) được bổ sung thêm nhiều “quân hùng tướng mạnh”. Lực lượng các binh chủng (thông tin, thiết giáp, trinh sát, đặc công…) đều tăng lên gấp hai, gấp ba lần; pháo binh còn được trang bị pháo tầm xa và hỏa tiễn ĐKB. Đặc biệt, để chặn đứng cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đối với miền Bắc, các quân chủng Phòng không - Không quân và Công binh càng được quan tâm phát triển với tốc độ nhanh và mạnh hơn: Pháo cao xạ từ 12 trung đoàn và 14 tiểu đoàn độc lập, lên 21 trung đoàn và 41 tiểu đoàn; tên lửa từ không có đơn vị nào, chỉ trong vòng hai tháng (tháng 5 và 6) 2 trung đoàn (236 và 238) liên tiếp ra đời; không quân tiêm kích từ một trung đoàn lên 3 trung đoàn; ra-đa từ 2 trung đoàn lên 9 trung đoàn (kể cả của phòng không, không quân và quân chủng hải quân). Đây là chưa kể 28.000 bộ đội địa phương, 2 triệu dân quân tự vệ và 3.000 tổ đội bắn máy bay bằng súng trường, súng máy rải ra khắp nơi. Tất cả tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân dày đặc và một mạng lưới phòng không tầm thấp, tầm trung, tầm cao lợi hại ở các yếu địa với quyết tâm sẵn sàng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trong mọi tình huống - kể cả khi chúng dùng không quân bắn phá, hay liều lĩnh mở rộng “Chiến tranh cục bộ” ra cả nước.
Cùng với số quân đông đảo lên, nhiều lực lượng làm công tác bảo đảm cũng lớn vụt dậy: Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần) được thành lập trở lại, với 6 binh trạm giao nhận hàng đưa ra tiền tuyến; ngoài 3 tiểu đoàn ô tô và hàng vạn tấn phương tiện vận chuyển trực thuộc Cục, mỗi binh trạm lại có một tiểu đoàn ô tô, một tiểu đoàn pháo cao xạ, một đại đội công binh và nhiều kho, xưởng, đội điều trị thương bệnh binh. Còn Đoàn Vận tải quân sự 559 lúc này đã trở thành một đoàn hậu cần chiến lược, do Thiếu tướng Phạn Trọng Tuệ (là UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông chuyển ra làm Tư lệnh, với số quân lên tới 24.000 người, biên chế thành 6 tiểu đoàn ô tô vận tải, 18 tiểu đoàn công binh, 4 tiểu đoàn pháo cao xạ và 45 trạm giao liên, ấy là chưa kể Đoàn còn có 7.600 TNXP phối thuộc để cùng chung sức “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Trong năm 1965, Đoàn đã chuyển khối lượng hàng bằng cả 5 năm trước, riêng súng các loại tới 42.906 khẩu, đồng thời góp phần đưa 50.000 cán bộ, chiến sĩ (cũng bằng cả số quân vào miền Nam 5 năm trước đó) “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Chưa bao giờ truyền thống “Vừa chiến đấu, vừa xây dựng” của quân đội ta được phát huy cao như năm 1965 này. Quân vẫn tấp nập lên đường, hàng vẫn ùn ùn ra phía trước, các trận địa vẫn rền vang tiếng súng. Hậu phương hiên ngang trên tư thế “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, xé tan xác bao “thần sấm” “con ma” trên các vùng trời Rú Nài (Hà Tĩnh), Sông Gianh, Nhật Lệ (Quảng Bình), Hàm Rồng (Thanh Hóa), Suối Hai (Hà Tây); tiền tuyến sôi nổi trong cao trào “Tìm Mỹ mà diệt”, “Tìm ngụy mà đánh”, phá bung nhiều hang ổ và phạt gẫy cẳng nhiều cuộc hành quân “tìm diệt” của địch ở Vạn Tường (khu 5), Plây Me, Ia-đờ-răng (Tây Nguyên); Bầu Bàng (miền Đông Nam bộ). Ấy là chưa kể những “xuất quỷ nhập thần” của các chiến sĩ đặc công vào các sân bay Chu Lai, Nước Mặn (5-8-1965) diệt gọn 150 máy bay, cùng 750 giặc lái và nhân viên kỹ thuật; hoặc trận tập kích vào Tổng nha cảnh sát ngụy và khách sạn mê-trô-pôn giữa thành phố Sài Gòn (1-12-1965), vùi thây ngót 400 quan, lính Mỹ. Như vậy, chỉ tính riêng hai mùa thu – đông năm 1965, quân dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 30.000 tên địch, trong đó có 9.000 tên Mỹ. Còn ở miền Bắc, tính đến cuối năm 1965, lực lượng phòng không ba thứ quân của ta cũng đã bắn rơi 834 máy bay của “Không lực Huê Kỳ”. Thắng lớn và thắng dồn dập của quân dân cả hai miền Nam Bắc làm Bác Hồ như trẻ lại. Trong buổi nói chuyện với Hội nghị cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội nghiên cứu Nghị quyết lần thứ 12 của BCH T.Ư Đảng (họp ngày 27-12-1965), Bác nói: “Bây giờ Mỹ có 20 vạn quân ở miền Nam, nó có thể đưa vào hơn nữa đến 30, 40, 50 vạn quân, ta vẫn thắng, nhất định ta thắng…”, nhưng “Thắng lợi không phải tự nhiên mà đến. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà!...”.
N.P.A