Quyền năng có thể chia thành hai loại chính sau đây:

  1. Quyền đối với các nguồn lực.
  2. Quyền điều chỉnh hành vi và áp đặt chế tài.
    Quyền đối với các nguồn lực là rất rộng lớn, bao gồm quyền phân bổ ngân sách; quyền cho phép tiếp cận các nguồn tín dụng; quyền cho phép tiếp cận các dịch vụ công; quyền cho phép tiếp cận các loại thị trường; quyền cho phép tiếp cận các nguồn tài nguyên và đất đai; quyền phân bổ các hợp đồng của nhà nước; quyền phân bổ quota v.v.
    Quyền điều chỉnh hành vi và áp đặt chế tài cũng rất rộng lớn. Thực ra, nếu hệ thống pháp luật càng đồ sộ (và được ban hành để tăng cường quản lý) thì những hành vi bị điều chỉnh càng nhiều và quyền áp đặt chế tài càng lớn. Ví dụ, nếu pháp luật quy định việc đội mũ bảo hiểm xe máy là bắt buộc, thì quyền xử phạt đối với hành vi không đội mũ sẽ phát sinh.
    Muốn chống tham nhũng có hiệu quả cần làm rất nhiều việc, nhưng trước hết là phải chế ước được các quyền nói trên. Dưới đây là một vài nguyên tắc thường được áp dụng.
    Một là, quyền phải đi đôi với trách nhiệm. Quyền càng lớn thì trách nhiệm phải càng cao. Hệ thống chế độ trách nhiệm phải được thiết kế song song với hệ thống quyền năng và phải vận hành trên thực tế. Trong hệ thống chế độ trách nhiệm này, trách nhiệm chính trị là hết sức quan trọng. Vì đây là chế độ trách nhiệm trước dân (hoặc chí ít là trước những người đại diện cho dân).
    Hai là, thiết kế hệ thống giám sát. Giao quyền thì phải giám sát được việc sử dụng quyền. Thiếu một hệ thống giám sát hiệu năng khó lòng áp đặt được chế độ trách nhiệm. Hệ thống này thường được thiết kế theo mô hình cấp trên giám sát cấp dưới trong hệ thống hành chính. Và các quan chức hành chính cao nhất của hệ thống bị các quan chức chính trị giám sát. Các quan chức chính trị bị cử tri giám sát. Tuy nhiên, giám sát từ bên ngoài cũng rất quan trọng. Việc giám sát từ bên ngoài có thể do các cơ quan báo chí, các tổ chức công dân thực hiện.
    Ba là, phân cấp, phân quyền để tránh sự tập trung quá đáng của các quyền năng. Các quyền năng càng tập trung thì càng có nhiều người phải xin xỏ, càng nhiều người phải xin xỏ thì tham nhũng càng dễ xẩy ra. Theo một số mô hình, các quyền năng được phân chia không chỉ giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cấp chính quyền, mà còn giữa các cơ quan nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quần chúng.
    Cuối cùng, bảo đảm sự minh bạch trong quá trình ban hành quyết định là một điều kiện quan trọng để chống tham nhũng. Các quyết định càng quan trọng thì càng cần được thảo luận công khai và với sự tham gia ý kiến của những đối tượng có liên quan.
    TS. Nguyễn Sĩ Dũng