Những chuyện đó, các báo chí đều đã phản ánh. Nhiều bài phân tích mổ xẻ rất sâu sắc. Nhưng có một chuyện mà tháng Bảy này nhắc đến vẫn cứ thấy gai gai ở sống lưng. Đó là chuyện về hai ông lão bất chấp nguy hiểm, phanh phui gần 2.800 bộ hồ sơ thương binh giả ở Bắc Ninh.
Tại sao số lượng hồ sơ bị làm giả lại nhiều đến vậy. Trên thực tế, việc làm giả hồ sơ thương binh giả để trục lợi còn tồn tại ở nhiều địa phương chứ không chỉ riêng tỉnh Bắc Ninh. Mà xử lý, thu hồi thất thoát do tình trạng này lại rất khó khăn, bất cập, cần sớm được giải quyết. Tại sao lại lại có chuyện tày đình như vậy?
Tất cả là vì đồng tiền đấy. Tiền có thể biến từ không thành có. Rồi tiền cũng lại biến từ có thành không. Nó làm đảo lộn mọi giá trị. Vì thế rất nguy hiểm. Ngay trong buổi sáng mà tôi đang viết bài này, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng lại đưa một tin rất đắng đót. Một bà mẹ Việt Nam anh hùng không được hưởng trợ cấp dành cho người có công, chỉ vì tên của bà trong hồ sơ lại bị nhầm. Lẽ ra dấu huyền thì lại thành dấu sắc. Chỉ sai có một dấu mà thành con người khác. Vì thế bà không được nhận tiền xương máu của con. Điều đó là dĩ nhiên rồi. Chỉ có điều, sự sai sót tắc trách ấy, bà kêu lên kêu xuống mãi mà vẫn chưa được giải quyết. Vậy mà những hồ sơ giả, người ta lại làm rất nhanh. Vì sao? Vì làm những điều gian trá, người ta lại có tiền. Còn làm đúng những việc đạo lý, được sự công bằng cho xã hội, nhưng họ không được gì cả.
Trở lại với câu chuyện hai ông cựu chiến binh chống tiêu cực. Điều thú vị là hai ông lão Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng, đã ở tuổi 80 ở Thuận Thành, Bắc Ninh không quản ngại gian khổ và nguy hiểm, đã âm thầm thu thập chứng cứ, phanh phui gần 2.800 bộ hồ sơ thương binh giả. Ngay từ năm 2003, bất bình trước việc trong làng có người đi bộ đội bị thương nặng, làm hồ sơ hàng chục năm vẫn chưa được hưởng chế độ trong khi có người không đi đánh trận ngày nào, chỉ chi 30 triệu đồng đã được công nhận là thương binh. Một thẻ thương binh giả là 30 triệu đồng. 2.800 thẻ thương binh giả, họ có thể trục lợi lên đến 8 tỷ 400 triệu đồng. Vì thế, họ bất chấp tất cả. Một anh đập lúa, bị hạt lúa bắn vào mắt, thế là thành thương binh. Có người bị máy tuốt lúa tiện cụt tay cũng thương binh. Dù họ không ra trận, thậm chí chưa từng một ngày vào lính. Dân biết cả. Nhưng họ sợ, không dám nói vì sợ bị trả thù. Chỉ có hai ông cựu chiến binh là không biết sợ, nhờ thế, gần 2.800 hồ sơ thương binh giả đã bị phơi bày, giảm chi cho ngân sách nhà nước mỗi năm 20 tỉ đồng. Đấy là số tiền rất lớn. Một loạt kẻ làm bậy cùng những người có liên quan phải nhận những bản án thích đáng, trong đó có 24 đối tượng bị xử lý hình sự...
Hai ông cựu chiến binh Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng đã được Bộ LĐTBXH đánh giá rất cao. Bộ còn đề nghị địa phương trọng thưởng cho hai người lính kiên cường trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Và ngày 23-6 vừa qua Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã gặp mặt, trao tặng Bằng khen cho 2 CCB Nguyễn Công Uẩn, Nguyễn Tiến Lãng, vì ''đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội".
Nhưng cũng phải nói thêm rằng Bộ LĐTBXH đã đề nghị địa phương khen thương hai ông từ mấy năm trước, nhưng hai ông vẫn chưa được thưởng, vì có ý kiến đề xuất phải xem xét lại tư cách của hai ông...Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - Đào Ngọc Dung tặng quà cho hai lão nông
Nhân đây, tôi muốn trao đổi thêm về cái gọi là tư cách theo quan niệm của lãnh đạo Bắc Ninh. Nếu cần xét tư cách, thì cần xét tư cách của chính cái người đã đề xuất xét tư cách hai ông cựu chiến binh ấy. Hãy xem ngay họ là ai. Họ có ở nhóm lợi ích của những kẻ làm bậy để trục lợi đã bị xét xử ấy không. Còn hai ông cựu chiến binh chống tiêu cực thì chả lẽ tấm gương sáng của họ còn chưa đủ hay sao?
Khi đất nước có chiến tranh, họ đã từng là người lính, từng vào sinh ra tử. Bây giờ họ lại bất chấp nguy hiểm, lập chiến công xuất sắc trong mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khởi xướng. Mỗi năm, thu lại cho Nhà nước hơn 20 tỷ đồng tiền chi sai cho những kẻ trục lợi. Đấy là tiền thuế, tiền mồ hôi nước mắt của dân; không những thế còn vạch mặt những kẻ sâu mọt. Họ không những cần phải được trọng thưởng, mà hơn thế, còn xứng đáng được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hay anh hùng chống giặc nội xâm.
Điều cần nhấn mạnh nữa là không phải chỉ ở Bắc Ninh mà rất nhiều địa phương khác cũng đã phát hiện những trường hợp cố tình giả mạo hồ sơ thương binh để trục lợi chính sách như Nghệ An, Phú Thọ, Đắc Lắk, Nam Định...Hàng nghìn hồ sơ thương binh giả đã bị phanh phui.
Nhân dịp này, tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chính sách ở các địa khác cũng nên rà lại trong địa bàn mình xem có còn những trường hợp nào tương tự như thế không. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng theo thống kê vẫn còn tới hơn 280.000 liệt sĩ chưa rõ danh tính và hàng chục nghìn hồ sơ người có công vẫn đang tồn đọng, chưa được giải quyết. Nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, bên cạnh việc xử lý các sai phạm, ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ, việc giải quyết chế độ người có công đúng đối tượng là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi đó là hành động thiết thực nhất để tri ân những người đã không tiếc xương máu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Câu chuyện chống “giặc nội xâm” ở Bắc Ninh khiến tôi liên lưởng đến chuyện cũng mới xảy ra ở Quảng Ngãi, nhưng cũng xôn xao dư luận cả nước. Ấy là ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ ở khoa Tai, Mũi Họng đã gắp ra từ mũi của một người dân ở xã Trà Thuỷ, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, một con đỉa dài 15 cm. Con đỉa này đã sống ký sinh trong cơ thể bệnh nhân ít nhất cũng một tháng, có thể lâu hơn.
Điều đáng nói, đây không phải trường hợp hy hữu. Bệnh viện này còn phát hiện ra 40 trường hợp đỉa ký sinh trong cơ thể người ở tai, mũi, đường tiết niệu, cơ quan sinh dục, ở những người tắm lâu dưới ao hồ...
Thực ra đây không phải là chuyện mới đâu. Ngay ở Thủ đô vừa rồi, trong đợt nắng nóng, người dân cũng nhao xuống Hồ Tây giải nhiệt. Họ tắm ùm ùm ngay trong khu vực chính quyền cắm biển cấm tắm, cấm bơi lội. Cấm tắm, không phải vì chuyện đuối nước, mà vì nước không bảo đảm vệ sinh. Nước Hồ Tây ô nhiễm rất nặng. Hàng chục tấn cá chết trắng cả hồ. Đáng sợ hơn, có những con cá chép bị tróc hết vảy. Cả ốc cũng có con không vẩy, cứ nung núc một đụn thịt trần, trông rất kinh. Có nhà chuyên môn còn bảo đấy là cá và ốc của Malaysia. Sự thực có phải thế đâu. Cá bị biến đổi gen. Tôi đã thấy những con cá ấy ở khu vực Trecnobưn (Ucraina) những năm trước đây, khi xảy ra sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân. Cả một vùng bị nhiễm xạ. Hồ Tây không bị nhiễm xạ, nhưng ô nhiễm là cái chắc. Nếu không thế, sao cá chết hàng loạt...
Đã có người hỏi tôi: “Hồ Tây cũng có đỉa?”.
Tôi bảo họ, nơi nào chả có đỉa. Đến cả Ao Vua, một tụ điểm du lịch sinh thái nổi tiếng còn có đỉa. Mà rất rùng rợn. Chuyện này xảy ra với nhạc sĩ Nguyễn Cường. Nói đến nhạc sĩ Nguyễn Cường, có lẽ không ai không biết. Anh là người vô cùng nổi tiếng, là tác giả của hàng loạt những ca khúc đặc sắc: Hò biển, Hơ Reng lên rẫy, Em muốn sống bên anh trọn đời, Ơi Ma đơ rắc, Ma đơ rắc... Tôi gặp anh ở sân bay Đà Nẵng. Anh kêu lên: “Khoa ơi, tao sống rồi! Tao sống rồi!”.
Hoá ra mấy tháng liền, anh bị chảy máu mũi. Đi khám, ba bệnh viện đều xác nhận anh bị ung thư. Anh bí mật, âm thầm chuẩn bị một khoản tiền cho vợ con để thanh thản ra đi. Trước khi vào Tây Nguyên, anh khám lại, bác sĩ soi mũi thấy có dị vật, là khối u lại di động do phản xạ ánh sáng. Bác sĩ phát hiện không phải khối u mà một con đỉa lớn. Nhưng lôi ra không được vì nó bám chắc quá.
Thôi không sao. Sẽ giải quyết sau. Cứ đi Tây Nguyên đã. Nguyễn Cường như người bị tử hình lại đột ngột được ân xá. Đỉa thì chả sợ. Nó đã sống trong mũi mấy năm, để nó thêm một tháng nào có nhằm nhò gì. Một tháng sau trở về, anh vào ngay bệnh viện. Bác sĩ rất chật vật mới kéo được con đỉa ra. Con đỉa to xù, trắng muốt nằm trên cái khay sắt, chắc đến mức, lấy cái panh kéo nó, còn nhấc được cả cái khay lên. Nguyễn Cường chợt nhớ. Cách đó mấy năm, qua Ao Vua. Anh không tắm, mà chỉ vục nước lên rửa mặt, thế mà đỉa cũng chui được vào mũi anh và biến mũi nhạc sĩ thành một nhà hàng 5 sao và bám trụ suốt mấy năm liền.
Trở lại với câu chuyện của hai ông cựu chiến binh. Hai ông lính dũng cảm của chúng ta cũng đang chống lại một bầy đỉa đấy. Tuy nhiên lũ đỉa ao hồ không đáng sợ. Sợ nhất là lũ đỉa biến đổi gen. Đấy là lũ đỉa tham nhũng mang mặt người. Lũ đỉa ấy khó chống lắm. Vì chúng nhờn thuốc rồi. Nhưng hai người lính của chúng ta đã thắng. Nhưng muốn đại thắng, tiêu diệt hoàn toàn giặc nội xâm, là lũ đỉa đang hút máu đất nước, làm đất nước kiệt quệ, thì toàn Đảng, toàn quân và toàn Dân phải đoàn kết một lòng cùng xông trận quét sạch lũ đỉa tham nhũng thì mới làm nên Đại thắng, như năm 1975, chúng ta thắng giặc ngoại xâm, có phải thế không?
Trần Đăng Khoa