Báo tháng 6 - Mùa Xuân 1975, sau thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên và chiến dịch Nam - Ngãi, cơ hội lớn được mở ra để quân và dân ta thực hiện đòn tiến công chiến lược giải phóng Đà Nẵng – trung tâm chính trị, kinh tế lớn thứ hai và là căn cứ quân sự lớn nhất của địch tại miền Nam.

Ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị (BCT) và Quân ủy Trung ương (QUTU) quyết định mở chiến dịch Đà Nẵng nhằm tiêu diệt một lực lượng lớn quân địch đang co cụm tại đây, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta đánh đòn quyết định cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thù giang sơn về một mối. Để lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch thành công, BCT và QUTU đã quyết định thành lập Đảng ủy và BTL Chiến dịch; đồng thời chỉ định Trung tướng,Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Chiến dịch Đà Nẵng được hình thành trên cơ sở thế chiến lược được tạo ra sau các chiến chiến dịch Tây Nguyên, Trị - Thiên và Nam- Ngãi. Một điều hi hữu và khá đặc biệt đối với chiến dịch này, đó là trong điều kiện thời gian quá gấp gáp nên không thể họp Đảng ủy và BTL Chiến dịch; Tư lệnh chiến dịch thì đang ở Hà Nội, còn Chính ủy đang ở Quảng Ngãi nên mọi liên lạc, hiệp đồng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đều được thực hiện qua mạng thông tin vô tuyến và hữu tuyến.

Trong cuộc gặp giao nhiệm vụ của Thường trực Quân ủy cho Tư lệnh chiến dịch trước khi vào chiến trường, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp hỏi:"Thời gian dự kiến dứt điểm Đà Nẵng là bao lâu?", Tư lệnh Lê Trọng Tấn báo cáo: Xin Quân ủy cho 7 ngày, sau rút xuống: Xin cho 5 ngày. Nghe thấy vậy, Tổng Tư lệnh nhíu mày: Chỉ được phép 3 ngày thôi. Thấy Tư lệnh chiến dịch còn tỏ vẻ lo lắng và lưỡng lự, Tổng Tư lệnh nổi nóng: "Nếu không phải anh là Tư lệnh thì tôi đã ra lệnh rồi". Có lẽ, đây là lần thứ hai trong cuộc đời cầm quân người ta thấy Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nổi nóng. Lần trước là vào mùa Xuân 1954, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, sau trận tiến công Đồi A1 lần thứ nhất không thành công với thương vong lớn cho Bộ đội, Đại tướng đã nổi nóng với vị chỉ huy trận đánh. Cả hai lần nổi nóng đó, tướng Lê Trọng Tấn đều được chứng kiến. Một vị tướng giỏi cầm quân và đầy kinh nghiệm trận mạc như Lê Trọng Tấn mà còn cảm thấy rất lo trước mệnh lệnh "Chỉ được phép 3 ngày thôi" cũng đủ thấy tính chất đặc biệt và quan trọng của chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Thực tế sau đó chiến dịch này diễn ra và giành toàn thắng chỉ sau 3 ngày đêm (Đêm 26- chiều 29/3/1975).

Long Trần