**Từ lá đơn của công dân **

Vừa qua, Báo CCB Việt Nam đã nhận được đơn đề nghị khẩn thiết của ông Đặng Văn Khoản, sinh năm 1945, ở thôn Mễ Đậu, xã Việt Hưng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Qua đơn, ông cho biết, bố ông là Đặng Văn Toản, sinh năm 1927, tham gia cách mạng hoạt động tự vệ du kích từ năm 1945, đã tham gia đi lấy tà vẹt ở ga Đình Tổ về rèn vũ khí đánh giặc… cùng với các du kích tự vệ như cụ Nguyễn Văn Hào – Anh hùng LLVTND (đã hy sinh), cụ Nguyễn Văn Hằng, lão thành cách mạng; cụ Đặng Văn Hoa, 50 tuổi Đảng, 93 tuổi (nay đã mất); cụ Đặng Văn Minh, đã hy sinh năm 1947; cụ Đặng Văn Mão (nay đã mất)… Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Toản được tổ chức cách mạng cử làm giáo viên bình dân học vụ và tuyên truyền đường lối cách mạng; đến tháng 4-1946 được cử làm Trưởng ban Bình dân học vụ của xã… Ngày 6-9-1947 (âm lịch), địch từ Xuân Đào kéo đến vây làng Mễ Đậu bắt ông Đặng Văn Toản và ông Đặng Văn Minh là lý trưởng (do ta cử phụ trách) mang về Xuân Đào tra tấn dã man nhưng các ông Đặng Văn Toản và Đặng Văn Minh không khai báo để bảo vệ tổ chức cách mạng. Sáng ngày 9-9-1947 (âm lịch),địch đem hai ông giết hại vào buổi chợ phiên để uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân và vùi thi thể hai ông xuống cùng một hố. Sau này hài cốt của hai ông được hai gia đình lấy trộm mang về và phải táng cùng một mộ cho đến ngày nay…

Ông Khoản cho biết, năm 1997 cụ Đặng Văn Minh đã được xét công nhận là liệt sĩ, còn trường hợp cụ Toản thì chưa. Gia đình ông Khoản đã nhiều lần làm hồ sơ gửi lên các cấp có thẩm quyền nhưng chưa được công nhận và cũng chưa một lần được hồi âm rõ ràng. Những tư liệu mà gia đình ông Khoản sưu tầm đều có căn cứ tin cậy là ở quyển sách “ Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Việt Hưng (1945-1975)” đã ghi nhận, trích ngang danh sách du kích tự vệ của xã ghi nhận do việc xã phát động triển khai làm khen thưởng năm 2007, các văn bản giấy tờ xác nhận của các cụ lão thành cách mạng , cán bộ tiền khởi nghĩa có tuổi Đảng từ 50 năm trở lên…, do vậy gia đình càng thêm bức xúc. Năm 2007, gia đình ông Khoản có mang bộ hồ sơ lên tham khảo ý kiến của Cục Người có công thuộc Bộ LĐTBXH, được tiếp nhận và cho biết Cục sẽ có ý kiến với Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên. Gia đình ông cũng được biết, Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên đã có chỉ đạo về Phòng LĐTBXH huyện Văn Lâm và Phòng LĐTBXH huyện cũng đã gửi công văn xuống xã về trường hợp này nhưng xã Việt Hưng dùng dằng không thực hiện.

Bức xúc hơn là khi ông Đặng Văn Khoản trực tiếp lên hỏi ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Phùng Thế Nghì thì được ông Chủ tịch trả lời rất vô trách nhiệm là “Huyện phải xin lỗi xã” và ông ta còn nói: “Ông muốn làm đơn đi đâu thì làm”… Ông Khoản mong muốn được địa phương và các ngành chức năng xem xét công nhận danh hiệu liệt sĩ cho cha ông là cụ Đặng Văn Toản đã hy sinh vì nước; ngoài ra cũng cần xem xét thái độ của ông Chủ tịch UBND xã Việt Hưng Phùng Thế Nghì khi tiếp xúc với người dân.

**Phóng viên Báo CCB Việt Nam xác minh **

Nhận được đơn thư công dân, Toà soạn Báo CCB Việt Nam đã cử phóng viên về xã Việt Hưng tìm hiểu sự việc.

Qua buổi làm việc tại xã Việt Hưng, chúng tôi thấy một số điểm cần nêu: Trước hết là thái độ bất hợp tác của ông Chủ tịch UBND xã với phóng viên của Báo CCB Việt Nam. Mặc dù chúng tôi đã liên hệ từ trước và có đầy đủ giấy tờ cần thiết, nhưng khi về xã, các cán bộ chủ chốt khác của xã đều vắng mặt. Không làm việc được ở xã, đến thôn Mễ Đậu chúng tôi. Đồng chí Nguyễn Văn Sĩ, Bí thư chi bộ và đồng chí Đỗ Xuân Đạo, Trưởng thôn Mễ Đậu cho biết, nội dung đơn thư của ông Đặng Văn Khoản là đúng và đây hiện cũng đang là vấn đề bức xúc lớn của địa phương. Xác nhận lá đơn của ông Khoản, các đồng chí cho chúng tôi xem nội dung của tập sách “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Việt Hưng (1945-1975)” xuất bản năm 1989 trong trang 69 và các văn bản phụ lục Lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân xã Việt Hưng , tập I , danh sách tự vệ du kích đều có ghi công bằng những dòng hết sức trang trọng về sự cống hiến và hy sinh của các cụ Đặng Văn Minh và Đặng Văn Toản trong kháng chiến chống Pháp. Ngoài ra, các đồng chí cho biết, hai vị lão thành cách mạng hiện vẫn đang sống ở trong thôn là các cụ Nguyễn Văn Tác, hơn 60 năm tuổi Đảng và Nguyễn Văn Hằng (tức Hưng), 63 năm tuổi Đảng, cụ Tạ Lương, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện ở tại xã Chỉ Đạo cũng đã xác nhận trường hợp cống hiến và hy sinh của cụ Toản và đề nghị công nhận liệt sĩ cho cụ. Hội CCB xã Việt Hưng cũng đã xác nhận trường hợp cống hiến và hy sinh của cụ Toản. Vậy mà, đến nay trường hợp của cụ Toản, mặc dù đã hy sinh 62 năm nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ bởi vì sự chỉ đạo của xã phải do chi bộ thôn ra nghị quyết rồi gửi lên, nhưng chi bộ hiện nay đại đa số là những người hậu sinh, không biết nên không dám giơ tay, một vài người lớn tuổi hơn thì chỉ tin vào trí nhớ, không công nhận tư liệu lịch sử và chỉ biết phê phán cấp trên của thôn , không có bất cứ tài liệu gì chứng thực; không biết có mâu thuẫn dòng họ hay không mà cứ kiên quyết phản đối (?!)… làm nhiều cuộc họp không đạt kết quả và sự việc ngày càng thêm trầm trọng, gây mâu thuẫn lớn ở địa phương.

**Cần sớm giải quyết dứt điểm vụ việc **

Qua đơn thư công dân và qua sự tìm hiểu, xác minh của Báo CCB Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, trường hợp hy sinh của cụ Đặng Văn Toản đã có đầy đủ cơ sở để xét công nhận là liệt sĩ. Đề nghị Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên và cơ quan chức năng huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên vào cuộc xác minh vấn đề , kiểm tra xử lý thái độ tiếp dân của Chủ tịch UBND xã Việt Hưng không tôn trọng dân, không đúng với các quy định; nếu đã có đủ căn cứ pháp lý thì công nhận danh hiệu liệt sĩ cho cụ Đặng Văn Toản, ổn định tình hình tránh gây mâu thuẫn lớn và kéo dài ở xã, không để vì những thành kiến vô căn cứ của một vài người mà làm sai chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước với người có công.

Nhóm PV