Đã 46 năm qua, gia đình Đào Như Ý sống trong tủi hờn nước mắt vì sự xem thường của bà con quê hương nơi Đào Như Ý sinh ra và lớn lên, chỉ vì một thông báo sai và sự vô cảm, né tránh trách nhiệm của Bộ CHQS tỉnh Hà Sơn Bình (cũ).
Thông báo ghi ngày 20-10-1979, số thông báo đã bị tẩy xóa chữa lại nhòe nhoẹt gửi Ban CHQS huyện Thanh Oai. Trong đó có một dòng chữ viết tay như sau: “Qua xác minh của địa phương và phát hiện của quần chúng nhân dân, quân nhân Đào Như Ý tự bỏ đơn vị, không hoàn thành nhiệm vụ, đã cải tạo và lấy vợ miền Nam”.
Ôi thật quá đau xót! Đồng chí Đào Như Ý nhập ngũ tháng 2-1968, lên đường vào Nam chiến đấu đã có nhiều chiến công. Sau một năm đồng chí được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng (kết nạp tại trận địa ngày 20-2-1969).
Sáng ngày 13-9-1969, là một Chính trị viên Đại đội, đồng chí chỉ huy đơn vị đánh địch trên lộ 13 và một số bốt, đồn ở Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì bị địch phản công lại. Đồng chí đã chiến đấu anh dũng đến viên đạn cuối cùng và hy sinh anh dũng, được đơn vị, đồng đội, nhân dân an táng tại làng 10, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước (theo như hồ sơ lưu trữ tại Sư đoàn 7, Quân đoàn 4).
Chúng tôi là những đồng đội của Đào Như Ý cùng chiến đấu chung chiến hào khi đọc được hàng chữ này đều thấy quá bất ngờ cho sự cống hiến hy sinh anh dũng của Đào Như Ý nên mặc dù đã rời quân ngũ tuổi cao sức yếu vẫn quyết tâm lên đường trở lại chiến trường nơi Đào Như Ý hy sinh để làm rõ sự sai trái này, trả lại danh dự cho gia đình.
Ngày 23-9-2013, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh-nguyên PTL, Bí thư Đảng ủy Quân đoàn 4, cùng Đại tá Trần Thành Bình-Chính ủy Sư đoàn 7; Đại tá Phạm Kim Cương - Chủ nhiệm Chính trị BTL Quân đoàn 4 đã trích lục hồ sơ và cung cấp các thông tin để khẳng định Đào Như Ý thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, đã hy sinh ngày 13-8-1969.
Tuy nhiên ngày 24-9-2013, sau một ngày gia đình quân nhân Đào Như Ý gửi hồ sơ trích lục thì Ban CHQS quận Hà Đông và Ban CHQS phường Phú Lương có tổ chức một cuộc họp với gia đình. Tại cuộc họp này, Ban CHQS phường Phú Lương thay vì báo cáo lên cấp trên sửa sai, lại tiếp tục trình ra bản thông báo như trên đã nêu. Thế là sau hơn 40 năm tưởng chừng có một tia hy vọng lại bị dập tắt.
Chúng tôi lại cùng với gia đình liệt sĩ Đào Như Ý tiếp tục hành trình đi tìm công lý, đến báo cáo trực tiếp với Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng. Sau nghiên cứu, xác minh, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội xác nhận: “Không có thông tin tài liệu nào nói “Quân nhân Đào Như Ý bỏ đơn vị, đi cải tạo, lấy vợ miền Nam” như đã nêu trong thông báo; đặc biệt có tìm thấy một quyển sổ ghi danh sách các liệt sĩ tỉnh Hà Tây, hy sinh ngày 13-8-1969 có tên liệt sĩ Đào Như Ý, quê quán xã Phú Lương, huyện Thanh Oai, Hà Tây (cũ) và báo tin cho cha là Đào Tự Ái. Kết hợp cùng đồng đội, chúng tôi tìm gặp một nhân chứng quan trọng là bà Nguyễn Thị Nga, hiện được hưởng chế độ người có công trực tiếp chôn cất liệt sĩ Đào Như Ý.
Rồi cái kết có hậu đã đến khi Nhà nước và Quân đội cùng các cơ quan chính sách vào cuộc xem xét lại toàn bộ hồ sơ về quân nhân Đào Như Ý và đã trả lại danh dự cho gia đình. Ngày đó đã đến, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận liệt sĩ Đào Như Ý và tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình liệt sĩ.
Thiếu tướng Trần Minh Đức, ở tuổi 93 nghẹn ngào phát biểu, tâm sự trong buổi lễ: “Đối với người sống oan sai được Nhà nước đền bù hàng tỷ đồng như ông Nguyễn Thanh Chấn... còn liệt sĩ oan sai 46 năm thì sao đây? Sự việc này kéo theo cả hệ lụy cho gia đình dưới con mắt khinh bỉ của mọi người. Bác Hồ đã dạy chúng ta: “Sai thì phải sửa”. Đây cũng là bài học sâu sắc để cán bộ làm công tác chính sách lấy đó mà sửa đổi, hạn chế sự thiếu hiểu biết, sự vô cảm, trốn tránh trách nhiệm, tránh gây tổn thất lớn về danh dự cho liệt sĩ và những người có công với nước, với dân”.
Đỗ Tuấn Đạt